Với tất cả tình thế mà hiện thời Trịnh Xuân Thanh đã “về”, đã “nằm” ở đâu đó và nỗi nguy hiểm có thể lao thẳng đến án tử hình của nhân vật này, câu trả lời dường như là duy nhất: Thanh đã khai hết, khai sạch.
Nhưng khai gì?
“Đứa con hoang đàng” đã “đầu thú”?
Cuối cùng, sau cả năm trời lưu lạc xứ người, “đứa con hoang đàng” Trịnh Xuân Thanh đã trở về trong vòng tay trìu mến yên thương của Tổng bí thư Trọng.
“Đứa con hoang đàng hãy trở về” lại là lời giục giã của Ủy viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì của Trung Quốc cộng sản dành cho người đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6/2014, ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 của Bắc Kinh xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam.
Nhưng khác với tâm thế truy tới cùng của Tập Cận Bình đối với phe nhóm tiền nhiệm Giang Trạch Dân, tư chất của người được ví là “giáo làng” lại có vẻ đã sẵn lòng bỏ qua tất cả, kể cả một lá thư được cho là của Trịnh Xuân Thanh công bố vào năm 2016 sau khi Thanh đã biệt tăm ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong đó “không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Chỉ một ngày sau khi nhà báo Huy Đức bất thần đưa tin trên facebook của ông “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”, cùng lúc Bộ trưởng công an Tô Lâm nói như phân bua: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì” trước câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi của phóng viên Pháp Luật TP.HCM, vào ngày 31 tháng Bảy năm 2017, Trịnh Xuân Thanh dường như đã được đặc cách “đầu thú tại trực ban Bộ Công an”.
Ứng với Bộ Luật hình sự Việt Nam, “đầu thú” là êm ái hơn hẳn so với “bị bắt giữ và áp giải về Việt Nam”. Logic tiếp theo sẽ là “tình tiết giảm nhẹ” nếu Thanh phải ra tòa. Thậm chí Thanh còn có thể được “khoan hồng”…
Nhưng vì sao Trịnh Xuân Thanh – kẻ đã làm mất mặt Tổng bí thư Trọng và chế độ đến thế – lại có thể sẽ được ưu ái làm nhẹ tội lỗi vung tiền bán trời ở Tổng công ty Xây dựng Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) – nơi từng thuộc quyền của cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng?
Không phải dẫn độ bởi Đức?
Trên bàn cờ “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng, PVC có lẽ chỉ là “chuyện nhỏ”, cho dù con số được xem là thất thoát nơi đây đến hơn 3 ngàn tỷ đồng.
PVN mới là chuyện lớn hơn, hơn nhiều.
Tháng Ba năm 2017, một tòa án ở Việt Nam ra lệnh truy tố Trịnh Xuân Thanh thêm tội tham ô, tức Thanh sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Cũng vào thời điểm đó, đã có những thông tin không chính thức cho rằng Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở Đức, và có thể các cơ quan điều tra của Việt Nam còn định vị được Thanh ở đâu trên bản đồ nước Đức.
Khỏi phải nói, ai cũng hiểu rằng nếu Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát Đức bắt giữ và dẫn độ về Việt Nam, Tổng bí thư Trọng sẽ hởi lòng hởi dạ đến thế nào để hoàn thiện vế sau lời cảnh cáo “không trốn được đâu…” của ông trước đây. Vụ việc “hồi hương” này – có tầm vóc không những không thua kém mà còn hơn cả vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của ông Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” giữa năm 2015 – hẳn sẽ tạo nên một cơn địa chấn chính trị ở Việt Nam và khiến nhiều người phải mất ăn mất ngủ và mất mật.
Thậm chí bàn cờ chính trị quốc gia, mà phần thắng chưa biết thuộc về ai, có thể bị đảo lộn bởi sự hiện diện thình lình của Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam…
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng tại đó. Một số luật sư cho biết nếu chính quyền Việt Nam không đôn đáo để có được một hiệp định dẫn độ tội phạm với Berlin, Trịnh Xuân Thanh vẫn có quyền ung dung tự tại và nhẩn nha phả khói xì gà ở đất nước thanh bình đó.
Vào cuối tháng Tư năm 2017, có vẻ không còn kiên nhẫn “chờ” Trịnh Xuân Thanh được nữa, Tổng bí thư Trọng đã “trảm” Đinh La Thăng – khi đó đường đường là ủy viên bộ chính trị cùng chức bí thư thành ủy TP.HCM. Hàng loạt vụ việc và sai phạm ở PVN được Ủy ban Kiểm tra trung ương của Chủ nhiệm Trần Quốc Vượng – người không biết có thể trở thành “Vương Kỳ Sơn của Việt Nam” hay không – xới lại.
Nhưng cũng chỉ dừng tại đó. Đinh La Thăng mất ghế ủy viên bộ chính trị và phải trở về “Hà Nội ơi, một trái tim hồng”. Nhưng vẫn còn nguyên ghế ủy viên trung ương đảng mà chưa tiến vào quy trình “tố tụng hình sự” như nhà báo Huy Đức mong đợi.
Quy trình “bằng mọi cách bắt và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước quy án” đã trở nên chậm chạp đến mức vào đầu tháng Bảy năm 2017, cuộc gặp giữa Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức đã chỉ “Về hợp tác an ninh – quốc phòng, hai Thủ tướng nhất trí hai bên sẽ hỗ trợ nhau trong lĩnh vực tư pháp hình sự và xem xét khả năng đàm phán Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản cho hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia” – theo nôi dung đưa tin của báo đảng.
Ngay lập tức, đã xuất hiện dư luận cho rằng nội dung trên về thực chất là nhắm đến trường hợp Trịnh Xuân Thanh, rằng hầu như chắc chắn ông Thanh cư trú ở Đức, và Việt Nam đang rất muốn Đức hợp tác để dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Thế nhưng tình thế cứ như trêu ngươi ông Trọng: Một hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Đức hoàn toàn không phải là loại văn bản cứ muốn là ký, cứ cần là có. Mà phải đàm phán và có thể mất đến một vài năm cho đàm phán. Còn với những gì mà báo đảng tường thuật, thậm chí triển vọng đàm phán như thế còn đang nằm trong giai đoạn “xem xét khả năng”.
Ngay cả động tác “Bộ Công an Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Interpol quốc tế để truy nã Trịnh Xuân Thanh” cũng chẳng thấy bất kỳ hứa hẹn nào sẽ phát huy tác dụng. Mọi thứ cứ như thể bị cố trì kéo và sẽ dần nhạt nhòa theo thời gian.
Đến tháng Sáu năm 2017, Tổng bí thư Trọng chợt nói như than thở trước cử tri Hà Nội: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ Đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa”.
Kể từ ngày phát lệnh “việc cần làm ngay” vào tháng 6/2016, chưa bao giờ Tổng bí thư Trọng lại thể hiện tâm thế “mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” – một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông Trọng đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong chiến dịch “tìm và diệt” Trịnh Xuân Thanh.
Nhân chứng vàng và “đường dây”
Nguyễn Bá Thanh 2014, Phùng Quang Thanh 2015.
2017, cái tên cuối cùng của “Tam Thanh” chính là Trịnh Xuân Thanh.
Với tất cả tình thế mà hiện thời Trịnh Xuân Thanh đã “về”, đã “nằm” ở đâu đó và nỗi nguy hiểm có thể lao thẳng đến án tử hình của nhân vật này, câu trả lời dường như là duy nhất: Thanh đã khai hết, khai sạch khi được đặc cách “đầu thú”.
Nhưng khai gì?
Nếu vụ PVC chỉ là “chuyện nhỏ”, chuyện lớn hơn nhiều sau vụ PVN hẳn là “đường dây” nào đã giúp cho Trịnh Xuân Thanh biến mất quá êm ái khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016? “Đường dây” đó liên quan trực tiếp và gián tiếp đến những nhân vật chính trị nào? Liệu có “dính” đến nhân vật nào thuộc loại “cao cấp”?… Vân vân và vân vân.
Trên bàn cờ chính trị quốc gia, thế bay bổng của nhân vật này là sự sụp đổ của nhân vật khác. Trịnh Xuân Thanh có thể chính là “nhân chứng vàng” của Tổng bí thư Trọng. Nhân chứng cho các vụ PVN và “đường dây”.
Nhờ Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ vớt vát thể diện quyền lực mà còn củng cố được hình ảnh của mình tại đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng cầm quyền vào năm 2018.
Ngay trước mắt là Hội nghị trung ương 6, dự kiến vào cuối năm 2017. Đó có thể là một hội nghị đặc biệt quan yếu về công tác nhân sự để chuẩn bị cho đại hội giữa nhiệm kỳ. Đó cũng có thể là thời điểm mà Tổng bí thư Trọng sẽ trở nên mạnh bạo hơn trong chiến dịch thực hiện “nhất thể hóa” của ông – một sách lược mà có thể được hiểu là “đảng kiêm chính quyền” như Tập Cận Bình đã “thu quyền lực về một mối” kể từ năm 2016.
Nhưng trước “nhất thể hóa”, còn có một chiến dịch quan trọng không kém và sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác “làm nhân sự”: chiến dịch kiểm tra tài sản 1000 quan chức.
Nếu quả “nhân chứng vàng” Trịnh Xuân Thanh đã khai hết, khai sạch những gì anh ta biết về PVN và “đường dây” cùng vô khối câu chuyện hấp dẫn khác, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu trong tương lai gần Thanh được “khoan hồng” một cách lặng lẽ, còn các chiến dịch “kiểm tra tài sản 1000 quan chức” và “nhất thể hóa” của Tổng bí thư Trọng sẽ thung dung hơn hẳn.
Từ chuyện “sức khỏe ông Đinh Thế Huynh”, vụ “Repsol – Bãi Tư Chính – biểu tình quốc doanh chống Trung Quốc” tới vụ “Trịnh Xuân Thanh đầu thú” cùng xảy ra vào tháng 7/2017 như một sự trùng hợp kỳ lạ, hình như chính trường Việt sắp xảy đến biến động lớn…
Leave a Comment