Quảng Cáo

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi trả tự do cho Trần Thị Nga

Ảnh: FB Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - Á Châu

Quảng Cáo

BANGKOK, Thái Lan (CTM Media) – Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về việc nhà cầm quyền tuyên án nhà hoạt động Trần Thị Nga 9 năm tù và 5 năm quản chế với tội danh gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 bộ Luật Hình Sự.

Bản lên tiếng được phổ biến ngày 28 tháng Bảy, 2017 nêu rằng trong quá trình 6 tháng từ lúc bị bắt đến ngày xử, bà Trần Thị Nga đã bị cắt đứt liên lạc với gia đình, tiến trình tại buổi xử không đúng chuẩn mực xét xử, cũng như thân nhân và bạn hữu đã không được vào tham dự phiên tòa.

Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên án nhà cầm quyền sử dụng Điều 88 với những luật lệ mơ hồ để đàn áp những người bất đồng chính kiến. “Các nhà bảo vệ nhân quyền không thể bị đối xử như những kẻ tội phạm đe dọa an ninh quốc gia,” bản lên tiếng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được nhắc đến như thêm một bằng chứng về việc quy chụp Điều 88 với bản án 10 năm tù giam vào cuối tháng Sáu, 2017.

Bên cạnh đó, Bản lên tiếng đề cập, “có ít là 7 nhà bảo vệ nhân quyền khác đã bị bắt và bị truy tố. Vài chục người khác đang bị giam giữ, và hai người bị trục xuất hay buộc phải lưu vong. Nhiều người khác bị hăm dọa, xách nhiễu, và bạo hành.”

Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả những người bị giam cầm chỉ vì họ thực thi quyền biểu đạt và kêu gọi nhà cầm quyền sửa đổi các luật lệ mơ hồ nhằm trấn áp những nhà đối kháng.

Sau đây là nguyên văn Bản lên tiếng của Phát Ngôn Nhân cho Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

— –

UN Human Rights – Asia
Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc – Á Châu

Chúng tôi quan ngại về việc gia tăng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, những người chất vấn hay phê bình chính quyền và chính sách.

Hôm thứ ba, bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động được biết đến nhiều, đã bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế vì cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” do đã đăng các lời bình trên mạng. Chúng tôi rất quan ngại về mức độ nặng nề của bản án và tiến trình tại buổi xử, trông không có vẻ gì đúng với tiêu chuẩn xét xử đúng đáng. Theo Điều khoản 88 của bộ Luật Hình Sự, bà Trần Thị Nga đã bị giữ không cho liên lạc với ai suốt 6 tháng, từ khi bị bắt vào tháng 1 đến vài ngày trước buổi xử án. Bà Trần Thị Nga không được cho phép đủ thời giờ để chuẩn bị cho việc bào chữa. Buổi xử diễn ra chỉ 1 ngày. Gia đình và bạn hữu của bà bị từ khước không cho vào tham dự phiên tòa.

Bản án đối với bà Trần Thị Nga chỉ chưa đầy một tháng theo sau một blogger nhiều uy tín khác là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm. Bà bị 10 năm tù cũng vì Điều 88, sau một buổi xử cũng đầy thiếu sót tương tự.

Trong hơn 6 tháng qua, ít là 7 nhà bảo vệ nhân quyền khác đã bị bắt và bị truy tố. Vài chục người khác đang bị giam giữ, và hai người bị trục xuất hay buộc phải lưu vong. Nhiều người khác bị hăm dọa, xách nhiễu, và bạo hành. Các nhà bảo vệ nhân quyền không thể bị đối xử như những kẻ tội phạm đe dọa an ninh quốc gia.

Văn phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và cơ chế nhân quyền quốc tế đã nhiều lần chê trách Điều 88 bộ Luật Hình Sự, cùng với một số điều khác trong bộ luật này, vì chúng vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Sự thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc đáp ứng các quan ngại của cộng đồng quốc tế liên quan đến các trói buộc những quyền căn bản đã tạo nhiều nghi ngờ về thiện chí của họ trong việc bảo vệ và đề cao nhân quyền.

Chúng tôi thôi thúc nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả ngay những người bị giam giữ chỉ vì họ hành xử các quyền tự do diễn đạt của họ, và hãy sửa đổi các luật lệ quá mơ hồ và quá bao trùm để nhân danh an ninh quốc gia đàn áp những người bất đồng chính kiến.

– Phát ngôn nhân cho Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Họp báo, Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Geneva.

Theo UN Human Rights – Asia

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux