Wing Chun hay Vịnh Xuân, tên của một võ phái khá xa lạ của Trung Hoa, tưởng chừng như chỉ có trong các phim về Diệp Mẫn, nay đã đến Việt Nam bằng xương bằng thịt… Canada. Đó là võ sư Pierre Francoise Flores. Suốt mấy tuần qua, Flores đã tăng gấp ba độ nóng mùa hè năm nay bằng các cuộc xin đấu giao hữu với các võ sư Việt Nam.
Nhiều người thất vọng khi thấy Võ sư Đoàn Bảo Châu, Võ sư Trần Lê Hoài Linh bị Võ sư Flores đánh bại khá nhanh, nhưng không ai có thể chê trách được thái độ tôn trọng luật chơi, kính trọng đối thủ, đúng tinh thần võ đạo của anh Pierre-Francoise.
Cũng có người thất vọng khi không thấy võ sư nào khác nữa nhận lời song đấu với Pierre, nhưng ai cũng phải thừa nhận sự tiến triển tài năng vượt bậc của “võ sư” Pierre hiện nay so với “võ sinh” Pierre, người ghé thăm Việt Nam 8 năm trước.
Và cũng nhờ cơ hội này, hàng triệu người Việt dưới đường, trên mạng bàn tán sôi nổi về đẳng cấp các võ sư Việt nói riêng và nền võ thuật Việt Nam nói chung trên võ đàn thế giới.
Loại câu hỏi đó và bầu không khí hào hứng võ thuật khắp nơi làm nhiều người nhớ tới một giai đoạn lịch sử cũng cực kỳ hào hứng, lý thú và… cực kỳ lợi hại bên Tàu.
Khi nhà Thanh (tức dân Mãn Châu ở phía Bắc) đánh thắng nhà Minh (tức dân Hán ở Trung Nguyên, giữa nước Tàu), rồi ngồi vào ghế cai trị, họ bị đại khối dân Trung Nguyên xem là ngoại bang xâm lược. Thế là vô số dân chúng, đặc biệt con nhà võ thuộc đủ loại môn phái trên cả nước, cắt máu ăn thề tham gia đại cuộc “phản Thanh phục Minh”. Quân binh triều đình dẹp mãi không được.
Dĩ nhiên tại VN lần này chẳng có ai giăng bẫy và cũng chẳng có gì nghiêm trọng đến như thế. Duy chỉ một hiện tượng vẫn đúng suốt từ thời Càn Long đến nay là bầu máu nóng về danh dự môn phái, và cụ thể hơn nữa là “danh dự con nhà võ”.
Bài liên quan
– Vấn đề của đất nước mình họ im lặng một cách nhục nhã
Hầu như môn phái nào cũng dậy môn sinh về danh dự, lương tâm, đạo đức. Có môn phái in hẳn vào logo, có môn phái viết thành lời tâm niệm để đọc trước mỗi giờ tập, có môn phái nhắc lại “lời trăn trối của sư tổ” mỗi năm trong ngày cúng tổ.
Hiển nhiên các lời dạy, đặc biệt định nghĩa về danh dự, của mỗi môn phái có khác nhau, nhưng tất cả đều có lằn ranh chung tối thiểu về giá trị con nhà võ là phải giúp người cô thế. Nói cách khác, danh dự và lương tâm con nhà võ không cho phép: Gặp chuyện bất công giữa đàng mà nhắm mắt làm ngơ.
Thế nhưng trong đời sống mỗi ngày, có bao nhiêu võ sinh và võ sư chúng ta thấy cảnh người cô thế bị chận giữa đường nặn bánh mì nhưng nhắm mắt bỏ đi; dài đến những chuyện lớn như cảnh hàng triệu ngư dân miền Trung nghèo khổ bỗng nhiên mất môi trường biển để sinh sống nhưng ta chỉ im lặng.
Và gần hơn nữa là chuyện 3 phụ nữ cô thế giữa vòng lang sói: Chị Lê Mỹ Hạnh bị côn đồ Phan Hùng và đồng bọn kéo đến hành hung tại phòng trọ chỉ vì chị lên tiếng về thảm hoạ Formosa; Chị Như Quỳnh – Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù cũng vì lên tiếng cho các nạn nhân thảm họa Formosa; Chị Trần Thị Nga hôm nay bị kết án 9 năm tù vì kêu gọi tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam.
Cho đến nay, có bao nhiêu võ sinh, võ sư đã lên tiếng, đã xen vào bảo vệ những người cô thế?
Nếu xét theo lời dạy tối thiểu của mọi môn phái đó thì rõ ràng có thắng hay thua, có nhận lời hay từ chối đấu tay đôi với anh Pierre-Francois Flores, danh dự con nhà võ Việt Nam cũng chẳng cao lên hay lùn bớt đi chút nào. Nhưng nhiều chuyện khác, ở nhiều nơi khác trên khắp đất nước lại quyết định con nhà võ Việt Nam có can đảm và còn danh dự… hay không.
Leave a Comment