Viettel – một trong những thương hiệu viễn thông mạnh nhất Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ làm “thay đổi thế giới”, thế mà mới đây công ty phụ trách đầu tư nước ngoài của Viettel bất ngờ báo lỗ lên tới 22.138 tỷ, toàn dân té ngửa vì “vỡ mộng”. Tưởng rằng dưới sự quản lý của những tướng lĩnh làm kinh tế suốt từ thời chiến tới thời bình, Viettel sẽ đưa thắng lợi trở về. Ai dè, hãng viễn thông quân đội lại học đòi thói hư của các DNNN khác, tiếp tục điệp khúc thua lỗ. Vậy năng lực của Viettel có đúng như những gì truyền thông tung hê, hay là sắp tới toàn dân sẽ phải gò lưng trả món nợ chục nghìn tỷ cho “con cưng” của quân đội!
Ngay từ đầu, Viettel đã quá kỳ vọng vào tham vọng vươn ra thế giới của mình khi tuyên bố “trong giai đoạn 10 năm tới sẽ là một tập đoàn công nghệ viễn thông toàn cầu”. Kết quả là, chỉ mới 3 năm đầu tư ra nước ngoài, Công ty con của Viettel – Viettel Global mang gánh nợ hơn 22.000 tỷ về cho người dân, nếu tiếp tục đầu tư thêm, liệu số lỗ đó có dừng lại?
Biện bạch cho số lỗ khủng này, chính Viettel thừa nhận: “do thiếu nhân sự giỏi, trình độ luật pháp của nước sở tại kém đã khiến những khoản lỗ vì thế tăng cao”. Việc nhân sự không giỏi là do đâu, do quá trình tuyển dụng còn sơ sài (ưu tiên con ông cháu cha), hay do kỹ năng và chương trình đào tạo kém chất lượng? Rõ ràng Viettel đang tự tạt gáo nước lạnh vào mặt mình khi thừa nhận cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp. Chưa kể, nếu thật sự là một tập đoàn lớn với bề dày kinh nghiệm, lẽ ra Viettel phải tìm hiểu rõ pháp luật của nước sở tại, quan hệ song phương cũng như các quy định quốc tế mà Việt Nam và quốc gia sở tại đó tham gia cam kết, trước khi quyết định đầu tư vào thị trường đó.
Thực tế, cách kinh doanh thiếu chuyên nghiệp này từng được lãnh đạo Viettel đề cập trước đó: “Đôi khi không biết gì lại có lợi vì chúng ta chẳng e ngại gì cả”. Có lẽ chính tư duy lối mòn này khiến Viettel tự cho mình cái quyền “không biết gì”, chẳng cần tìm hiểu thị trường đầu tư và cũng chả cần e ngại gì việc thua lỗ, cứ thế mà làm thôi, vì 22.000 tỷ này Viettel đâu phải gánh, có gì phải xót?
Thái độ lạc quan của Viettel cũng là dễ hiểu khi mà tại thị trường trong nước, Viettel nghiễm nhiên nhận được rất nhiều ưu đãi, đặc biệt là cái danh “Bộ Quốc phòng” đã giúp con đường kinh doanh của Viettel chỉ trải đầy hoa hồng. Nổi bật nhất là vụ thu hồi đất tại Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức hồi tháng 4 vừa qua. Thay vì tự đứng ra thuê đất với người dân để làm dự án, Viettel được Bộ Quốc phòng đứng ra thị uy, buộc người dân giao trả 50ha đất “để xây dựng nhà máy sản xuất, xây dựng trạm BTS trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Vì không tốn phí giải phóng mặt bằng, trụ sở,… Viettel nhờ đó kiếm lãi khủng khi hoạt động kinh doanh trong nước. Còn ở nước ngoài, cái mác quân đội của Viettel không phát huy tác dụng, Viettel phải lăn lội kiếm mặt bằng, xây dựng trụ sở,… tiền thuê đất thì đắt đỏ, chưa kể vị trí kinh doanh không thuận lợi, việc làm ăn thua lỗ một phần do đây mà ra. Do quá được “nuông chiều” ở nội địa, khi bước ra thị trường thế giới, Viettel chỉ là “cậu bé đang mò mẫm những bước đi đầu đời”.
Ngoài trình độ chuyên môn yếu kém thì khoản lỗ ở Viettel Global còn được lãnh đạo của hãng lý giải “việc doanh thu giảm mạnh là do một số thị trường Châu Phi bị ảnh hưởng của biến động tỷ giá khi quy đổi từ đồng nội tệ sang đồng USD. Ví dụ tại Mozambique chênh lệch tỷ giá tăng 104%, Burundi chênh lệch tỷ giá tăng 28%”.
Trên thực tế, các nước mà Viettel đầu tư (trừ Peru) đều là các quốc gia nghèo, chưa phát triển: Tanzania, Cameroon, Burundi, Movitel, Natcom,… Lý do của sự lựa chọn này một phần là vì chuyên môn trong kinh doanh và kinh tế của Viettel còn thấp, nếu đầu tư tại các nước phát triển khác, Viettel khó lòng cạnh tranh lại với các hãng viễn thông sở tại. Tuy nhiên, khi chọn đầu tư vào Châu Phi, do quá ỷ y vào thị trường không có cạnh tranh này, hãng nhận ngay cái kết thất bại thảm hại vì vấn nạn tỷ giá hối đoái bất ổn, dân số có lợi tức thu nhập quá thấp, việc nhận phải trái đắng là điều khó tránh khỏi.
Đáng chú ý, bất chấp việc kinh doanh lỗ lã, Viettel Global mới đây còn cho biết muốn đầu tư thêm 2 dự án tại Nigeria và Indonesia. Tại sao đang ngập ngụa trong hố sâu của lỗ vốn, Viettel lại quyết định đầu tư tiếp? Phải chăng đây là cách kinh doanh mới, thích đi ngược với xu hướng thế giới, dù Việt Nam đang nỗ lực hội nhập sâu? Trên thực tế, trường hợp làm ăn thua lỗ nhưng vẫn tăng cường đầu tư kinh doanh này chỉ xảy ra với các tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Pepsi, Lotte,… vì muốn trốn thuế, tăng lợi nhuận nên liên tục báo lỗ, nhưng thật sự là lãi rất cao.
Trong khi đó, Viettel Global tự thừa nhận đã không tính toán đến chuyện biến đổi tỷ giá, không nghiên cứu kỹ thị trường,… Trong khi thế giới hiện nay đang tiến tới thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, với bao nhiêu công nghệ mới như Facebook, Viber,… cung cấp các cuộc gọi miễn phí, thì liệu khách hàng của Viettel Global có mãi trả tiền “ngu” cho hãng hay không? Hai dự án mới có triển vọng đem lời cho Viettel, hay viễn cảnh thua lỗ lại tiếp tục lặp lại?
Bất cứ nhà làm kinh doanh nào cũng thấy sự quái dị của kiểu làm kinh tế của Tập đoàn Viettel, nhưng không hiểu vì sao Viettel vẫn cứ tồn tại, cứ tiếp tục thực hiện, tiếp tục bòn rút những đồng tiền thuế của người dân để đổ vào các dự án thua lỗ một cách đau xót? Dù có muốn ngược chiều, ngược dòng cũng hy vọng rằng Viettel giữ chút tình với quê hương, hãy thôi dùng tiền thuế của dân để tiêu tốn cho những “giấc mơ hão huyền”.
Nguồn: BlueVN
Leave a Comment