Quảng Cáo

Những cái chết tại Bệnh Viện Việt Nam – Thụy Điển (Uông Bí)

Quảng Cáo

Tôi nhận được gần 15 lá đơn kêu cứu và thông tin của những gia đình nạn nhân bị tử vong hoặc tàn tật khi đến Bệnh viện VNTĐ (Quảng Ninh). Xin liệt kê ra một số trường hợp:

1) Cách đây hai ngày, một người đến bệnh viện thay chỏm xương đùi, mổ xong, BS chúc mừng gia đình về kết quả thành công nhưng sau đó tử vong. Hiện gia đình đang tổ chức tang lễ.

2) Một người bị ngộ độc thức ăn, BS nói “chết não”, yêu cầu gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Về đến nhà, người chị bảo “nếu thương chị thì hãy mở mắt ra”, lúc đó bệnh nhân mở mắt và lập tức gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, bác sĩ xác định ngộ độc thức ăn và được chữa khỏi. Cũng thông tin thêm, lúc bệnh viện báo “chết não”, ở nhà hàng xóm đến rất đông và chuẩn bị dựng rạp làm đám tang.

3) Một người đến khám, bác sĩ bảo bệnh đường ruột, quá nặng không thể chữa khỏi, gia đình hãy đưa về nhà và chuẩn bị tinh thần nhưng sau đó không bị gì cả.

4) Nạn nhân đến mổ túi mật nhưng bác sĩ chọc vào gan và đại tràng, khi đưa lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì tử vong.

5) Một phụ nữ sinh năm 1983 đang mang thai, sức khỏe bình thường. Đến ngày sinh, chết cả mẹ lẫn con trên bàn sinh. Sau đó, Bệnh viện đưa cho gia đình 50 triệu đồng.

6) Một thanh niên gãy chân đến bó bột và lắp đin nhưng sau đó phải tháo khớp và hiện cụt cả chân.

7) Năm 2016, một phụ nữ nằm ở khoa cấp cứu, sau đó chuyển qua khoa hồi sức bị chết (trong đơn kêu cứu, gia đình kể đưa 1 triệu đồng để cảm ơn, bác sĩ bảo an tâm).

8) Một người đàn ông đến chữa bệnh, bị liệt hoàn toàn và hiện nằm một chỗ.

9) Đối với trường hợp nạn nhân bị “nhồi máu não” nhưng chẩn đoán “rối loạn tiền đình” bị tử vong cách đây hai năm mà Hãng luật GOLD KEY đang làm, Bộ Y tế có kết luận sai phạm nhưng bệnh viện vẫn chưa bồi thường thiệt hại và xin lỗi gia đình nạn nhân.

Các trường hợp khác bị tử vong hoặc bị tàn tật, bệnh viện gặp gia đình đưa tiền “hỗ trợ” và bảo im lặng, có gia đình không nhận được gì.

Sai phạm tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển là cực kỳ nghiêm trọng, phía Đài truyền hình Quốc hội đã chính thức vào cuộc. Sắp tới, tôi sẽ gửi toàn bộ hồ sơ của những nạn nhân này lên cho Bộ trưởng Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan khác.

Thông tin vụ án đã đăng trước đây, có thể xem qua hastag: #caichettaibenhvien (phía dưới)

P/s: Hình ảnh nạn nhân thứ nhất bị tử vong cách đây hai ngày. Tôi chờ xem phía Lãnh đạo bệnh viện còn coi thường tính mạng của người dân nữa hay không.

Sắp tôi, tôi cùng LS Luân Lê và LS Nguyễn Hà Luân là những người bảo vệ gia đình nạn nhân sẽ thực hiện các bước tiếp theo để bảo vệ thân chủ của mình.

***

VÌ SAO TÔI CÔNG BỐ SAI PHẠM CỦA BỆNH VIỆN VIỆT NAM – THỤY ĐIỂN

Với tư cách là người hành nghề luật sư bảo vệ cho các nạn nhân, tôi hiểu gia đình họ đã gánh lấy hậu quả đau đớn như thế nào khi người thân bị mất. Có gia đình, khi đến sinh, sức khỏe bình thường nhưng sau đó cả mẹ lẫn con tử vong. Kết quả là gì, số tiền 50 triệu đồng cho hai mạng người…

Có gia đình kể, khi gây ra cái chết cho người thân của họ, bệnh viện đưa tiền nói là “hỗ trợ” chứ không bao giờ thừa nhận sai. Lập giấy nhận tiền, BS không cho gia đình giữ và yêu cầu đốt toàn bộ hồ sơ, cam kết không khiếu nại….

Đây là vụ án mà tôi nhận vào đầu năm 2016, cha của Thân chủ bị tử vong năm 2015 ở bệnh viện. Khi người nhà đưa nạn nhân vào, BS bảo “rối loạn tiền đình” nhưng bệnh càng nặng, chuyển lên cấp cứu và BS chẩn đoán nhồi máu não đồng thời yêu cầu các xét nghiệm nhưng không thực hiện dẫn đến nạn nhân tử vong ngay trong đêm.

Hai người con trai gần như bị hoảng loạn trước sự ra đi đột ngột của Cha mình. Họ gửi hàng trăm lá đơn đến bệnh viện và các cơ quan khác nhưng bất lực.

Gần 1 năm trời, hằng đêm cứ nhắn tin chia sẻ mong muốn tôi đứng ra giúp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tôi từ chối nhưng hai người vẫn tâm sự, lúc đó, dù không phải là luật sư cho họ nhưng tôi vẫn lắng nghe với hi vọng san sẻ nỗi đau. Lúc tôi ra Hải Phòng, người em trai biết nên muốn gặp nhưng tôi từ chối, khi lên xe chuẩn bị đi công việc, người em gọi điện “cho em xin gặp anh 5 phút cũng được, em đã lên xe máy và chạy gặp anh (cách hơn 100km), nếu không có anh thì em về” và tôi xuống xe ngồi đợi.

Đặc biệt, cả gia đình họ vào tận Sài Gòn để nhờ tôi. Họ nói: “Chỉ cần luật sư làm hết mình, gia đình không cần kết quả, tụi em làm là vì người dân sống ở nơi đó, bệnh viện họ sai nhưng nhiều lần dùng tiền để mua sự im lặng”.

Lúc ấy, tôi mới quyết định nhận lời. Năm 2016, tôi cùng LS Luân Lê, LS Nguyễn Hà Luân xuống bệnh viện. Cuộc đối thoại kéo dài gần 8 giờ đồng hồ, những vấn đề đưa ra, họ không trả lời được. Lãnh đạo hứa sẽ tổ chức một buổi đối thoại khác nhưng không thực hiện lại ra văn bản trái luật.

Sau đó, tôi gửi thư trực tiếp lên Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng Bộ Y tế) và, gần 1 năm sau, chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp để đấu tranh lại sự quan liêu, bao che thì Bộ Y tế chính thức có kết luận Bệnh viện sai phạm dẫn đến cái chết của người Cha thân chủ chúng tôi nhưng bệnh viện vẫn không có động thái để chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình nạn nhân. Họ đổ lỗi là do BS chuyên môn yếu kém.

Nghề Y là một nghề cao quý (cứu người) và tôi hiểu BS chịu rất nhiều áp lực, sai sót là không tránh khỏi nhưng cần thừa nhận để phát triển. Đừng dùng mọi thủ đoạn che lấp, có thể che được mắt người nhưng không thể che được “lương tri đất trời”.

Người hành nghề luật sư như chúng tôi, làm tất cả là vì thân chủ, vì mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn. Đó là lý do duy nhất.

P/s: Hình ảnh cùng gia đình các nạn nhân lên Bộ Y tế và cuộc đối thoại kéo dài 8 giờ vào năm 2016 tại BV Việt Nam – Thụy Điển.

#caichettaibenhvien

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux