Thống kê năm 2016, Việt Nam có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng bị thất nghiệp. Trong đó, nhóm có trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao nhất với hơn 220.000 người. Tiếp đến là cao đẳng 122.000 người và trung cấp chuyên nghiệp 73.800 người.
Đó là thực trạng đáng buồn cho nguồn nhân lực được gọi là “chất lượng cao” của nước nhà. Thế nhưng, thay vì giảm quy mô đào tạo, hướng đến việc nâng cao chất lượng phù hợp thì số sinh viên đại học lại gia tăng ngót nửa triệu cho niên khóa 2011-2015. Diễn biến theo chiều hướng lo ngại này được dự báo là sẽ khiến số lượng cử nhân thất nghiệp tiếp tục gia tăng theo hướng trầm trọng hơn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đang xây dựng dự thảo “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025”. Đề án được coi là tìm hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ), tìm việc làm.
Trọng tâm của đề án này là đưa sinh viên Việt Nam sang làm các nghề về y tá, điều dưỡng tại Nhật Bản, Đức; làm về cơ khí, công nghệ thông tin tại Nam Hàn và một số thị trường mới như Slovakia, Séc…
Theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là hơn 1.300 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước, với kỳ vọng là sẽ đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp thất nghiệp ra nước ngoài làm việc.
Dư luận đang bàn thảo về kế hoạch nói trên và cho rằng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế vì về lâu dài, phải cải thiện chất lượng đào tạo; khắc phục những hạn chế trong công tác hướng nghiệp do thiếu chủ động trong dự báo từ thị trường lao động. Quan trọng nhất là cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của đề án là thiếu khả thi. Ví dụ ở Đức, hiện mới có khoảng 200 lao động Việt Nam và 3 năm tới nâng lên 10 ngàn lao động tại Đức là bất khả thi. Ngoài ra, để được cấp thị thực làm việc ở Đức, lao động phải đạt trình độ tiếng Đức khá và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, đa số sinh viên ra trường bị thất nghiệp ở Việt Nam tập trung nhiều ở lãnh vực xã hội nhân văn. Đó là chưa nói đến văn bằng đại học của Việt Nam chưa được quốc tế công nhận một cách rộng rãi.
Một chuyên gia trong lãnh vực đào tạo nhân lực nhận định, các ngành nghề được phê duyệt trong đề án chủ yếu thuộc khối kỹ thuật như kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… Nhưng theo dự báo đến 2020, Việt Nam thiếu hụt khoảng 100,000 ứng viên công nghệ thông tin. Điều đó cho thấy trong nước cũng đang rất thiếu lao động chất lượng cao.
Qua đề án đưa những lao động có chuyên môn đi lao động nước ngoài, cho thấy có một sự mâu thuẫn trong kế hoạch. Nếu thực sự là lao động chất lượng thì họ đã có thể tìm được việc làm ngay trong nước. Bỏ ra 1,300 tỷ đồng để đào tạo gấp rút những sinh viên thất nghiệp này liệu có giúp họ đáp ứng được những yêu cầu làm việc gắt gao, khi mà bốn năm đào tạo trên giảng đường đại học đã không đủ trang trải kiến thức và kinh nghiệm cho họ kiếm một công việc dù là đơn giản ở quê nhà?
Từ đề án nói trên, cho người ta nhìn thấy rõ mặt trái của nền giáo dục Việt Nam. Hệ lụy từ thực tế này đang gây ra cho xã hội nhiều hậu quả khôn lường. Bởi sản phẩm của các trường đại học không phải hàng hóa, dịch vụ đơn thuần chính là đào tạo con người cho đất nước thời cạnh tranh, hội nhập toàn cầu.
Sự lãng phí cả thời gian và tiền bạc của tuổi trẻ, của mỗi cá nhân và gia đình sẽ là rất lớn. Những hệ lụy xã hội nảy sinh từ câu chuyện thất nghiệp đồng nghĩa với thất vọng, hụt hẫng của những cử nhân phải đi làm công nhân, chạy bàn ở quán ăn, quán cà-phê, bán sim điện thoại, bán hàng đa cấp, hay bán hoa quả, bán trà thuốc ngoài vỉa hè, lao động chân tay khó mà kể xiết.
Theo cái nhìn kinh tế, hơn 220 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là tín hiệu xấu cho quốc gia vì chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ chỉ tụt hậu so với các nước trong vùng. Nếu quy mô đào tạo đại học cứ tiếp tục phình ra trong khi chất lượng không được cải thiện, cái giá lớn nhất phải trả chính là sức cạnh tranh của cả quốc gia bị sụt giảm, nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình sẽ ngày càng hiển hiện.
Suy cho cùng, sự lãng phí lớn nhất của một dân tộc, một quốc gia chính là lãng phí nguồn nhân lực. Việc dư thừa lao động trình độ cao không những là sự lãng phí nguồn lực cho nền kinh tế Việt Nam mà còn là những lãng phí cho nguồn lực xã hội phải chi trả để đào tạo cho những cử nhân, thạc sĩ này.
Ngô Đồng – Web Việt Tân
Leave a Comment