Bây giờ là năm 2017. Tôi đang nhìn lui về quá-khứ cách đây 63 năm bằng cặp mắt ráo hoảnh. Lịch-sử Việt-Nam tôi trong 63 năm này nhiều tang-thương, nhiều oan-khuất quá. Tôi không có đủ nước mắt mà khóc nữa như Alan Paton đã khóc – Cry, the beloved country – nhưng vẫn muốn gào lên hãy khóc đi hỡi mảnh đất quê-hương Việt-Nam yêu dấu…
Tính cho đến năm 2017 này, chặng đường lịch-sử khởi đi sau cuộc di-cư năm 1955 đã là 63 năm cho miền Bắc và 43 năm chung cho cả hai miền đất nước đều đã, đang và còn bị những người cộng-sản mập-mờ bôi xoá và xuyên-tạc. Sáu mươi ba năm chỉ là cái chớp mắt của lịch-sử nhân-loại, song với đất nước tôi thì phải nói là quá dài để đồng-bào tôi chịu đựng tiếp những khổ-đau.
Đoạn đường 63 năm đúng ra là đã quá đủ để mỗi người Việt-Nam nhìn ra phần trách-nhiệm. Quá đủ để rút ra các bài học cho hôm nay, cho ngày mai. Những trang chính-sử của đất nước cần thiết phải được nỗ-lực khôi-phục và đưa ra ánh sáng những hành-động man-trá nào còn ẩn núp nơi từng xó-xỉnh tối-tăm của từng chặng đời biến-động; từng phe nhóm; từng tập-thể và từng đảng phái.
Cả trong nước lẫn ngoài nước, vẫn còn nhiều anh em tôi, những người cùng được ra đời làm người Việt-Nam từ trong một cái bọc, vẫn chưa quên được những sự đã qua. Vẫn mang nỗi-niềm vừa ray-rứt mà cũng vừa bị giằn-vật trong tâm-trạng của kẻ tội-đồ đang từng ngày sám-hối.
Nhất là quên đuợc không. Có cần quên hay không. Có được quyền quên hay không và tại sao lại phải quên?
Bởi vì với thời gian thì là đã qua, nhưng với lịch-sử của đất nước thì vẫn chưa để cho qua được khi mà mọi sự vẫn còn đó trong một nỗi đau nhức-nhối như một khối-u ác-tính chưa có thuốc chữa nên càng ngày càng sưng tấy lên.
Tôi bắt đầu hiểu bà Huyện Thanh-quan từ tấc dạ nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia là thế nào và xót đau đến đâu với thân-phận mình và con cháu mình. Cái thân-phận mà có khoan-nhượng lắm thì cũng như là những kẻ du-mục. Còn muốn thực-tế hơn thì là những kẻ mất quê-hương, đang từng ngày xa lìa gốc rễ, đang phải chấp nhận lang-thang xứ lạ trong thân-phận ăn nhờ ở đậu từ lúc con sông Bến Hải được nêu tên trên bàn hội-nghị làm lưỡi dao cắt ngọt giang-sơn Việt-Nam.
Từ sau ngày đất nước bị chia đôi vào năm 1954, có lẽ phần lớn người Việt-Nam vẫn nghĩ rằng do sự thất-trận của người Pháp ở Điện-biên-phủ nên đã dẫn đến Hội-nghị Genève. Nói cách khác, Hội-nghị Genève được triệu-tập là chỉ để giải-quyết vấn-đề Việt-Nam sau khi Pháp thua trận. Sự thực đã không hẳn là như vậy.
Do cuộc chiến-tranh giữa hai miền nam và bắc Triều-tiên bộc-phát với việc
vào ngày 25-6-1950, quân-đội miền bắc của Cộng-hòa Dân-chủ Nhân-dân Triều-tiên đã tấn-công miền nam thuộc Đại-hàn Dân-quốc. Đây là thời-kỳ thế-giới đang căng-thẳng trong thế lưỡng-cực tương-tranh của cuộc chiến-tranh lạnh. Cho nên ngoài sự can-thiệp tất-nhiên của lực-lượng Liên-xô đang có mặt ở miền bắc Triều-tiên và quân-đội Liên-hiệp-quốc cũng đang đồn-trú tại miền nam dưới sự điều-động của Hoa-kỳ ra thì Trung-cộng cũng đã đem quân đến can-thiệp. Tất cả đã tạo nên cuộc chiến-tranh quy-mô xa quá mức độ của hai miền nam bắc Triều-tiên để kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953. Vì vậy, vào ngày 26-4-1954 Hội-nghị Genève được triệu-tập với thành-phần chính là đại-diện các nước Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung-cộng. Tuy mỗi nước đều có chủ-trương riêng và những mục-tiêu khác nhau, song trên căn-bản chung vẫn là để bàn về vấn-đề chính là vãn-hồi hoà-bình tại Triều-tiên cùng toàn cõi Đông-dương, gồm Việt-Nam, Cao-miên và Ai-lao. Song chuyện Triều-tiên chưa đi đến kết-quả nào thì vào ngày 07 tháng 5 năm 1954, Pháp bị thua trận Điện-biên-phủ, phải đầu hàng. Thế là ngay hôm sau, ngày 08-5-1954, Hội-nghị Genève mới chuyển sang thảo-luận về Đông-dương, về Việt-Nam.
Hội-nghị Genève do hai nước Anh và Liên-xô cùng chủ-toạ với thành-phần tham-dự gồm phái-đoàn của các quốc-gia liên-hệ; bao gồm Anh, Nga, Hoa-kỳ, Trung-cộng, Pháp, Ai-lao, Cao-miên. Do hoàn-cảnh chính-trị, Việt-Nam có hai phái-đoàn là đại-diện của Quốc-gia Việt-Nam và Việt-minh.
Ngày14-6-1954, nước Pháp có biến-chuyển về chính-trị. Tân thủ-tướng Mendès France lên cầm quyền, tuyên-bố trước Quốc-hội Pháp là nhất-định phải đưa các cuộc họp bàn tại Hội-nghị Genève đến kết-quả cụ-thể để hoàn-tất mọi sự trong hạn chót là ngày 20-7-1954, bằng không ông sẽ từ chức.
Ngày 26-6-1954, ông Ngô-đình Diệm về đến Sài-gòn và cũng ngày này, người Pháp thực-hiện cuộc hành-quân Auvergne để triệt-thoái quân-đội của họ ra khỏi các tỉnh Thái-bình, Nam-định và Ninh-bình bao gồm Bùi-chu và Phát-diệm. Việc duy-trì an-ninh trong vùng sẽ hoàn-toàn phó mặc cho Quân-đội Quốc-gia đảm-trách. Ngày 30-6-1954 ông Ngô-đình Diệm ra Hà-nội gặp dân chúng Thủ-đô trong không-khí rộn-ràng của người dân Hà-nội cùng các đảng-phái quốc-gia tổ-chức tiếp đón. Người ta gọi ông là “Chí-sĩ Ngô-Đình Diệm”.
Ngày 04-7-1954, đại-diện quân-sự các bên bắt đầu nhóm họp tại Trung-giá tỉnh Phúc-yên để bàn-thảo về việc triệt-thoái quân-đội, trao đổi tù-binh các bên và giới-hạn của các hoạt-động quân-sự sau khi Hội-nghị Genève kết-thúc.
Ngày 07-7-1954, ông Ngô-Đình Diệm lên làm Thủ-tướng, thay thế Hoàng-thân Bửu Lộc. Ngày 09-7-1954, tân Thủ-tướng quyết-định thành-lập Ủy-ban Bảo-vệ Bắc Việt với thành-phần đảm-nhiệm gồm bác-sĩ Hoàng Cơ Bình, ông Trần Trung Dung, Thiếu-tướng Nguyễn Văn Vận. Uỷ-ban này có toàn quyền trong trách-nhiệm giải-quyết mọi vấn-đề về quốc-phòng và hành-chính trên các phần đất thuộc phía quốc-gia và bắt đầu hoạt-động từ ngày 12-7-1954.
Sự ra đời của Ủy-ban Bảo-vệ Bắc Việt đã làm phấn-chấn lòng người vì tin-tưởng thêm vào nỗ-lực bảo-vệ lãnh-thổ và chủ-quyền quốc-gia của tân Chính-phủ. Không riêng gì Quân-đội mà cả các đảng-phái Quốc-gia cũng nô-nức ủng-hộ và tham-gia các sinh-hoạt của Chính-phủ đề-xuất để mong giữ được các vùng đất đang nắm giữ làm đồn lũy chống Việt-minh cộng-sản. Ở rất nhiều nơi, sáng nào người dân Hà-nội cũng nhặt được truyền-đơn hô-hào cương-quyết giữ Bắc Việt. Khi ấy, Việt-Nam Quốc-dân Đảng đã giao cho ông Đỗ Đình Đạo, là một đảng-viên cao cấp, đặc-trách chỉ-huy Đoàn Quân-thứ Lưu-động (Groupe Administratif Mobile en Opération) trong nhiệm-vụ ở lại Hà-nội chống Việt-minh. Song vào ngày 29-7-1954, người ta tìm thấy ông nằm chết tại nhà người bạn gái là bà nữ văn-sĩ Thuỵ-An. Theo kết-quả xét-nghiệm thì ông đã bị tiêm vào người chất độc “cyanure”. Vì vậy dư-luận cho rằng bà Thuỵ-An đã nhận lệnh của Việt-minh đầu-độc ông Đỗ Đình Đạo để loại trừ bớt một thế-lực đối-kháng với họ. Nhất là kế-hoạch họ đang thực-hiện ngăn chặn làn sóng di-cư. Mọi sự tín nghi trong vụ án này vẫn chưa có giải-đáp thỏa-đáng.
Vào ngày 16-7-1954, Chính-phủ Quốc-gia ra tuyên-cáo phủ-nhận giá-trị của Hiệp-định Genève và phản-đối việc chia cắt Đất Nước. Lại cũng đã có các cuộc biểu-tình diễn ra tại nhiều nơi chống lại giải-pháp này. Ngày 19-7-1954, tại Genève, tân ngoại-trưởng Trần Văn Đỗ của Chính-phủ Ngô-Đình Diệm vừa lên tiếng nhắc lại lập-trường của chính phủ Quốc-gia Việt-Nam là không chấp-nhận điều-kiện chia đôi Đất Nước thì sáng sớm ngày 21-7-1954, toàn dân Việt-Nam đã thức-giấc với vận-mệnh Đất Nước vừa đi vào một bước ngoặt cay-nghiệt của lịch-sử.
Hội-nghị Genève đã kết-thúc vào quá nửa đêm ngày 20-7-1954 theo giờ tại Genève, tức là vào khoảng hơn năm giờ sáng ngày 21-7-1954 tại Việt-Nam. Song trên văn-kiện ký-kết thì vẫn để…Làm tại Genève lúc 24 giờ ngày 20 tháng 7 năm 1954… (Done in Geneva at 24.00 hours on the 20th of July 1954). Theo tác-giả Minh Võ trong cuốn Ngô-Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc thì đây đúng là giờ thứ 25 ngày 20-7-1954 vì hội-nghị đã cho đồng-hồ ở Genève ngừng lại để việc ký-kết được thực-hiện “trong ngày 20”, nếu không thì Thủ-tướng Pháp Mendès France phải từ chức như đã tuyên-bố. Chính lời tuyên-bố chắc-nịch này đã tạo ra một sự việc khó tin nhưng có thật. Thật như cách nghĩ vẫn có của nhiều người đã quan-niệm rằng với chính-trị, sự gì cũng có thể xẩy ra, nhất là “chính-trị nước lớn”. Vì vậy, người Việt-Nam chúng ta vẫn phải nhớ ngày 20-7-1954 là ngày chính-thức trong lịch-sử ghi-nhận Đất Nước bị chia đôi.
Tuy mọi sự gần như đã không ra ngoài dự-liệu của những người quan-tâm và theo dõi thời-cuộc của Đất Nước, song trừ những người Việt-minh ra thì tin này vẫn là một điều bi-thảm không ai mong đợi cuộc chiến ở Đông-dương có kết-cuộc như vậy. Công-lao lớn nhất của kết-cuộc chia cắt này là của những người Việt-minh cộng-sản. Ngoài mục-tiêu tối-hậu mà ông Hồ Chí Minh đã nhận với cộng-sản quốc-tế nhiệm-vụ bành-trướng chủ-nghĩa cộng-sản tại ba nước Đông-dương là Việt-Nam, Ai-lao và Cao-miên ra thì tập-đoàn cộng-sản Việt-Nam khi lập Mặt-trận Việt-minh, gây chiến-tranh, sát-hại hàng loạt người yêu nước…tạo biết bao oan-khiên cũng là để làm sao chiếm giữ được một phần lãnh-thổ làm căn-cứ, làm “thủ-đô” cho cái danh xưng nước Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hoà của họ từ khi tuyến-bố thành-lập vào ngày 02-9-1945 vẫn cứ phải long-đong suốt gần mười năm. Song chiếm được đất cũng chưa giải-quyết được sách-lược của họ theo đuổi bao nhiêu lâu nếu dân chúng trong vùng họ đến tiếp-thu cứ ùn-ùn bồng-bế nhau ra đi. Do đó đã có những nơi Việt-minh dùng bạo-lực ngăn chặn và thẳng tay đàn-áp đồng-bào muốn di-cư như đã xẩy ra ở Hải-hậu – Bùi-chu, ở La Châu, ở Trà-lý, ở Cửa Lò, ở Ba-làng…
Vậy là biết bao nhiêu triệu con người Việt-Nam thời-gian đó đã không bao giờ quên được ngày 20-7-1954 cùng các tên gọi… vĩ-tuyến 17, sông Bến Hải… hằn sâu trong tâm-tưởng.
Ngày 22-7-1954, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm ra lệnh trên các vùng lãnh-thổ đang thuộc quyền Chính-phủ Quốc-gia treo cờ rủ để tang.
Hội-nghị Trung-giá chấm dứt ngày 27-7-1954, sau khi ấn-định xong các biện-pháp cụ-thể giữa các bên quân-sự tại các vùng đất rút quân và tiến quân
Đầu tháng 8-1954, Chính-phủ Quốc-gia mới chính-thức loan báo chương-trình di-cư. Thủ-tưóng Ngô-Đình Diệm ra Hà-nội để nói chuyện với đồng-bào Miền Bắc về vấn-đề di-cư. Trong một bài diễn-văn đọc tại Hà-nội ngày 03-8-1954, Thủ-tướng kêu gọi đồng-bào hãy vào Nam để cùng ông xây-dựng Đất Nước và chống cộng-sản. Dịp này, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm cũng gặp gỡ và lên tiếng mời gọi các giới văn-nghệ-sĩ và sinh-viên học-sinh vào Nam và ông đã được sự hưởng-ứng của đông-đảo thành-phần trong hai giới này.
Với sự trợ giúp của nhiều quốc-gia trên thế-giới như Anh, Tây Đức, Hoa-kỳ, Nam Hàn, Nhật-bản, Phi-luật-tân, Ba-lan, Tân-tây-lan, Úc-châu, Trung-hoa Dân-quốc, Ý-đại-lợi và đã thiết-lập được một cầu không-vận kể từ ngày 04-8-1954 giữa các phi-trường Gia-lâm, Bạch-mai ở Hà-nội và phi-trường Cát-bi ở Hải-phòng với phi-trường Tân-sơn-nhứt trong Nam. Người ta tính ra trung-bình cứ mỗi sáu phút là có một máy bay chở người di-cư từ Hà-nội và Hải-phòng hạ cánh ở Tân-sơn-nhứt.
Ngày 6-8-1954, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm giải-tán Ủy-ban Bảo-vệ Bắc Việt. Thay vào đó là Văn-phòng Đại-biểu Chính-phủ ở Bắc Việt, kiêm đặc-trách việc di-tản cho đồng-bào miền Bắc muốn ra đi tránh nạn cộng-sản. Rồi Phủ Tổng-ủy Di-cư với thẩm-quyền như một bộ trong Chính-phủ. Phủ Tổng-uỷ có ba Nha đại-diện ở Bắc, Trung và Nam trong trách-nhiệm xúc-tiến việc di-tản và định cư cho đồng-bào. Cuộc di-cư năm 1954 này không chỉ là sự di-tản đơn-thuần của số đông người dân đi tìm đất sống mà có thể nói rằng đấy là một quốc-nạn, một giai-đoạn đen tối của lịch-sử đến cùng lúc với vận nước nổi trôi. Mỗi người dân khi vừa kịp ý-thức về tiền-đồ của dân-tộc, của Đất Nước cũng là chính tương-lai đời mình nên đã chọn và lựa, nên quyết-định ra đi theo nhận-thức của chính mình. Thành vậy mới có từng tập-thể, từng thành-phần dân-tộc cùng nhau đồng lòng chung bước lên đường đi vào Miền Nam. Quân-đội đi theo đơn-vị mình; giới văn-nghệ-sĩ, giới sinh-viên đại-học cùng đi trong những chuyến bay dành riêng cho họ. Chỉ sau một thời-gian, các khu dinh-điền, các trại lập-nghiệp của gần một triệu người Miền Bắc đã hoàn-toàn ổn-định. Các nguồn viện-trợ lương-thực và tài-chính từ nhiều nơi trên thế-giới đổ vào cho công-cuộc di-cư này thật phong-phú. Nhất là những ngân-khoản lên tới cả tỷ Mỹ-kim được trao thẳng cho chính-phủ Việt-Nam để phân-phối cho người di-cư ở khắp nơi trên toàn lãnh-thổ Miền Nam Tự-do và cho đến khi kế-hoạch định-cư cho gần một triệu người được hoàn-tất thì cũng không để lại một dư-luận nào về tham-ô hay thâm-lạm.
Winston Churchill, George Santayana và nhiều người nữa đã từng chia sẻ chung một kinh-nghiệm rằng những ai không học những kinh-nghiệm từ lịch-sử thì sẽ tái diễn nó…Song giá-trị lịch-sử về một dòng sông mang tên Bến Hải đang vẫn cứ đều đều tái-diễn…
Đã có những đồng-bào tôi, anh em tôi đã từng một lần lên tầu di-cư sau khi đất nước chia đôi để tránh nạn cộng-sản thì lại lần nữa vì tham-vọng, vì lợi, vì danh, vì phe nhóm mà buông tay để mất Miền Nam. Trong việc bức-tử nửa miền đất nước tự-do của Việt-Nam, dĩ nhiên tập-đoàn cộng-sản ra sức đào hố nhưng nỗ-lực đẩy người xuống hố chính là những con thò-lò, có cả …nhà tu, trí-thức, tướng tá… đủ mặt. Sau ngày 30-4-1975, khi cả nước đã bị chôn chung một nấm mồ chủ-nghĩa thì xem ra lịch-sử lại bị lãng quên. Trong nước thì càng mang danh trí-thức càng ngu-ngơ, vô-cảm. Càng ngày càng co-cụm lại trong “cái tôi” cầu-an. Ngoài nước thì thích mượn hai chữ cộng-sản để chửi đổng nhau. Chụp cho nhau nhiều cái mũ, đánh phá nhau hăng say hơn chiến-đấu cho lý-tưởng chung. Hoặc dùng đủ các nhãn-hiệu để gán cho nhau, gây chia rẽ, hết tin nhau…cho sức mạnh tập-thể thành rời rã như cát. Đây chính là thành-công lớn của cộng-sản khi muốn huỷ-hoại sức mạnh đoàn-kết cần thiết của phía những người xưng mình là quốc-gia.
Đừng quên rằng con sông Bến Hải vẫn còn đó. Bài học về sự bội-tín của
những kẻ hoạt-đầu chính-trị vừa dùng nó như lằn ranh rồi lại chỉ coi nó như vệt phấn trắng dễ xoá cần phải thuộc nằm lòng. Thuộc như câu kinh lời kệ tuy đã nhập-tâm song vẫn phải thường-xuyên tụng-niệm, không phải để ngậm-ngùi tiếc nuối mà là để nhắc nhau suốt kiếp làm người dân Việt-Nam.
Phạm Minh-Tâm – Diễn Đàn Giáo Dân
Tác giả gửi cho CTM Media
Leave a Comment