Khi các lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ với một giọng điệu đầy tự hào về thực trạng quân đội làm kinh tế, tôi tự hỏi rằng, mỗi năm, khi những người lính của chúng ta khoác balo lên đường, khi lên biên cương, ra đảo xa, họ có nghĩ rằng mình đi làm nhiệm vụ kinh tế hay không?
Tôi không biết. Nhưng, tôi biết nhiệm vụ thiêng liêng của quân đội nhân dân Việt Nam là sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ sự độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Vào năm 2015, đại tướng Phùng Quang Thanh, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nói về bốn nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam. Bốn nhiệm vụ đó gồm:
Một là, chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, không để bất ngờ về chiến lược.
Hai là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao.
Bốn là, xây dựng đảng bộ Quân đội vững mạnh.
Trong bốn nhiệm vụ này, tôi đọc đi đọc lại, không thấy ý tứ nào nói về nhiệm vụ làm kinh tế của quân đội.
Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, cần phải tách bạch nhiệm vụ an ninh quốc phòng với việc làm kinh tế của lực lượng quân đội. Đơn giản là, ngay cả ở những năm tháng khó khăn nhất, nhân dân Việt Nam vẫn nuôi quân bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhân lực, vật lực nhân dân cung cấp, ngân sách nhà nước là tiền thuế của nhân dân vẫn dành cho quân đội, nhiệm vụ của quân đội là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Người ta có thể dùng lý lẽ biện minh cho việc quân đội làm kinh tế là nhiệm vụ chính trị. Nhưng chính trị là gì? Là những sân golf, những chung cư, rồi thậm chí trụ sở doanh nghiệp tư nhân nằm trong khu quân đội hay sao?
Mọi cái gọi là chính trị, suy cho cùng đều phải vì một đất nước giàu mạnh, một đất nước mà ở đó người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng, đất nước chỉ có thể thịnh vượng khi nền kinh tế với tất cả các thành phần của nó phải vận hành theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng.
Quân đội làm kinh tế, cơ bản là không đảm bảo sự cạnh tranh sòng phẳng. Ngay từ khâu thu hồi đất để phục vụ cho dự án đầu tư, doanh nghiệp tư nhân thì chật vật, chạy vạy đủ đường, nhưng quân đội làm kinh tế thì có sẵn quỹ đất quốc phòng, mà đất quốc phòng là một lý do không thể dễ dàng hơn cho việc thu hồi, cưỡng chế.
Đến khâu sử dụng đất, theo luật đất đai, đất quốc phòng lại được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Như vậy, quân đội làm kinh tế được hưởng một cơ chế ưu ái hơn hẳn các thành phần kinh tế khác. Đó là sự ưu ái về một tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng là đất đai. Chưa kể đến vấn đề nhân lực và các thủ tục hành chính khác.
Không một nền kinh tế thị trường nào chấp nhận một thành phần kinh tế mà sự tồn tại của nó không đảm bảo được tính cạnh tranh bình đẳng – thứ cốt lõi của kinh tế thị trường.
Để quân đội làm kinh tế, nhất là khi tham gia vào các lĩnh vực không liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, là một sai lầm trong tư duy phát triển kinh tế. Nhận thức sai lầm thì phải dừng lại và sửa sai. Không thể nào có chuyện vì hôm qua sai, hôm kia sai, nhiều năm trước sai, nhiều chục năm trước sai, thì hôm nay và ngày mai tư duy sai lầm ấy lại nghiễm nhiên thành đúng.
Nguồn: Fb. Bạch Hoàn
Leave a Comment