Nguyễn Tường Thụy (VNTB) LĐLSVN (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) mới có văn bản số 173/BTV-LĐLSVN chấn chỉnh các luật sư, không được phát ngôn theo ý chủ quan trên mạng xã hội, “chưa phù hợp với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.
Đọc xong, tôi giật mình. Theo LĐLSVN thì Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) sinh ra chính sách hoặc pháp luật hoặc cả hai (!?)
Pháp luật của Nhà nước, điều này ai cũng rõ. Nhưng Đảng cũng không sinh ra chính sách vì như thế là bao biện, làm thay
“Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa…” (Từ điển bách khoa Việt Nam).
Chính sách căn cứ vào đường lối mà đặt ra, ví dụ chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người, chính sách đối với vùng sâu vùng xa. Cũng như pháp luật, chính sách cụ thể hóa đường lối.
Còn Đảng chỉ đưa ra đường lối thôi, ví dụ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối hợp tác hóa nông nghiệp… (mà những đường lối này đều tắc tị hoặc phá sản).
Trên thực tế có thể có chuyện đảng đưa ra chính sách, thậm chí can thiệp vào những việc cụ thể hơn nữa như quyết định bố trí nhân sự vào bộ máy hành pháp. Nhưng đó là chuyện lấn sân. Còn đã nói bằng văn bản thì phải nói theo sự phân công của hệ thống chính trị.
Sự nhầm lẫn này thật đáng tiếc nhất là trong văn bản của LĐLSVN – tổ chức phải nắm vững luật hơn ai hết.
Trở lại chuyện chấn chỉnh các luật sư. LĐLSVN muốn tỉa tót, nhào nặn các luật sư theo khuôn mẫu của Đảng, tước đi quyền nói năng hàng ngày của họ. Thiết tưởng, đã là luật sư thì phải thượng tôn pháp luật và chỉ chấp hành luật pháp là đủ . Cũng như mọi công dân khác, họ căn cứ vào pháp luật, điều gì cấm và điều gì không cấm để phát ngôn hay hành nghề. Họ không cần biết đến đường lối của Đảng ra sao vì đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa trong các điều khoản của luật pháp và trong các văn bản pháp qui khác.
Với văn bản này, LĐLSVN tước bớt đi của giới luật sư quyền công dân. Tại sao lại cấm họ bình luận theo ý chủ quan của mình? Trong vai trò bào chữa, nếu họ chỉ được nói những điều theo kết luận của cơ quan nhà nước thì luật sư làm gì được cho thân chủ đây khi công tố, hội đồng xét xử buộc tội thân chủ của họ một cách oan ức? Trong trường hợp luật sư biết rõ những tình tiết chứng minh thân chủ bị oan sai nhưng vì chưa có “kết luận của cơ quan nhà nước”, luật sư cũng phải ngậm miệng sao?
Nói và làm theo pháp luật đó là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân chứ không thể nói và làm theo các cơ quan nhà nước khi rất nhiều cơ quan nhà nước làm cũng sai mà ban hành văn bản cũng sai. Chính luật sư, giới trước hết có khả năng vạch ra những cái sai đó.
Văn bản của LĐLSVN không chỉ nhầm lẫn vai trò của Đảng mà còn muốn tước đi của luật sư những quyền tối thiểu như quyền bày tỏ chính kiến, hạn chế tư duy sáng tạo của luật sư. LĐLSVN muốn biến nốt số luật sư có chính kiến ít ỏi còn lại thành vật trang trí cho nền pháp luật hiện nay.
Nguyễn Tường Thụy (VNTB)
Leave a Comment