Khi lan từ Trung Đông đến Nội Á và từ Afghanistan đến Ấn Độ, đạo Hồi cũng bắt đầu lan rộng từ Ấn Độ đến bán đảo Malay và quần đảo Indonesia vào cuối thế kỷ 13 – theo Christos Iacovou thuộc Viện nghiên cứu phân tích quốc phòng (Hy Lạp) trong bài viết đăng trên trang web của Viện chính sách chống khủng bố quốc tế. Và khi Hồi giáo được thiết lập ở các vùng khác từ những cuộc chinh phục của Arab và Thổ Nhĩ Kỳ thì đạo Hồi được đưa đến Đông Nam Á nhờ những nhà buôn.
Tại Trung Đông và Ấn Độ, Hồi giáo được củng cố bằng những chính thể theo đạo Hồi, trong khi đó, các chính phủ Đông Nam Á không mấy ủng hộ người Hồi, nhất là tại Philippines, nơi cộng đồng Công giáo chiếm đa số. Dân Hồi ở Philippines, gọi là Moro, chỉ chiếm 5% dân số Philippines và tập trung ở miền Nam. Trong nhiều thế kỷ, dân Hồi miền Nam Philippines thiết lập lãnh địa độc lập. Đa số người Hồi khu vực Nam Philippines không xem mình là dân Philippines và vẫn tự coi họ là một sắc tộc riêng biệt – theo Cesar A. Majul, trong quyển The Contemporary Muslim Movement in the Philippines.
Việc các nhà lãnh đạo của một Philippines mới độc lập xem người Hồi khu vực Nam Philippines theo cách mà thực dân Tây Ban Nha từng đối xử họ đã khiến phong trào Hồi giáo ly khai nhen nhúm vào thập niên 1960. Thay vì tìm cách thương lượng với chính phủ, họ làm loạn. Tháng 9-1972, Chính phủ Ferdinand Marcos áp dụng thiết quân luật và tổ chức tấn công Hồi giáo ly khai. Nhóm Hồi giáo mạnh nhất lúc đó là Mặt trận giải phóng quốc gia Moro (MNLF), dưới sự điều khiển của Nur Misuary (giảng viên Đại học Philippines), người cho rằng người Moro là một sắc dân riêng biệt, gọi là Bangsamoro, thuộc một nước độc lập tương lai tên “Cộng hòa Bangsamoro”.
MNLF bắt đầu trở thành tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo. Hàng loạt cuộc thảm sát nhằm vào thành phần viên chức chính phủ và cả thường dân Công giáo xảy ra. Trong cùng thời gian, MNLF được sự hỗ trợ của nhiều thành phần Hồi giáo khác, đặc biệt Libya.
Tháng 12-1976, với trung gian của Libya và Tổ chức hội nghị Hồi giáo (OIC), Chính phủ Philippines và MNLF đàm phán tại Tripoli (Libya). Gọi là Hiệp ước Tripoli, vấn đề được dàn xếp bằng ngưng bắn và trao quyền tự trị cho 13 tỉnh nơi có đông người Hồi. Tuy nhiên, đầu năm 1977, Tổng thống Marcos quyết định rằng nền tự trị trên phải phù hợp theo những yêu cầu của chính phủ. Trong cùng thời gian, Tổ chức tự do Moro Bangsa (BMLO) được thành lập, bởi hai thủ lĩnh sống lưu vong tại Jeddah (Saudi Arabia) là Rashid Lucman và Salipada Pendatum (cả hai là cựu dân biểu Philippines).
BMLO tự nhận họ là nhóm chính thống duy nhất trong cuộc chiến ly khai và như thế MNLF phải nằm trong tay họ. Thủ lĩnh MNLF Nur Misuary khước từ. Rashid Lucman bắt đầu chiêu dụ Salamat Hashim – phó chủ tịch Ủy ban trung ương MNLF. Tháng 12-1977, Salamat Hashim tuyên bố lật đổ Nur Misuary nhưng thủ lĩnh này với sự giúp đỡ của tay chân thân tín đã nhanh chóng lật ngược thế cờ và tống cổ Salamat Hashim khỏi tổ chức. Đến năm 1978, phong trào Hồi giáo ly khai bắt đầu hỗn loạn: nhóm MNLF của Nur Misuary; nhóm MNLF của Salamat Hashim (sau đổi thành Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro – MILF); và nhóm BMLO.
Cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 tại Iran đã kích thích làn sóng Hồi giáo ly khai tại Philippines. Cả Rashid Lucman và Nur Misuary đều đến Teheran vào năm đó, diện kiến Giáo chủ Khomeini. Tuy nhiên, Nur Misuary được đối xử trọng thị hơn. Điều này có giá trị tinh thần rất lớn với MNLF-Misuary, trong bối cảnh họ bị BMLO quấy nhiễu và tình trạng đầu hàng của nhiều sĩ quan mình trước chính phủ. Với Iran, MNLF-Misuary có nhiều ưu thế so với hai nhóm kia. Họ gồm những thanh niên trẻ, trung thành và sẵn sàng cống hiến. Và họ đông nhất. Khomeini ủng hộ MNLF-Misuary bằng hành động thiết thực: Iran cấm vận dầu hỏa Philippines vào tháng 11-1979. Đây là cú ra đòn chí tử nhất của lực lượng Hồi giáo ly khai: lần đầu tiên, phong trào ly khai có sự can thiệp của nước ngoài.
Tháng 11-1980, văn phòng đại diện MNLF-Misuary lập tại Teheran và được sự nhìn nhận chính thức của Chính phủ Khomeini. Khi chế độ Marcos sụp đổ năm 1985, các thủ lĩnh Hồi giáo tổ chức hàng loạt biểu tình, đòi tự trị về mặt chính trị và yêu cầu hình thành một đảng chính trị Hồi giáo. Suốt thập niên 1980, MNLF gần như không động tay động chân mà có phần muốn hòa giải. Năm 1991, một nhóm quá khích thuộc MNLF do bất mãn trước tình trạng “tiêu cực” này nên rời hàng ngũ MNLF để thành lập “Abu Sayyaf” (có tài liệu dịch là “Cha của kiếm sĩ” và có nguồn dịch là “Người cầm gươm”).
ABC News cho biết Abu Sayyaf được giáo sư Afghanistan Abdul Rasul Abu Sayyaf thành lập vào năm 1986 nhưng nhiều tài liệu khác nói rằng nhóm Abu Sayyaf được Abduragak Abubakar Janjalani thành lập năm 1991. Janjalani – cựu chiến binh trong cuộc chiến Hồi giáo ở Afghanistan – lãnh đạo Abu Sayyaf cho đến tháng 12-1998, khi bị cảnh sát bắn chết tại đảo Basilan (Nam Philippines).
Sau khi Janjalani chết, Abu Sayyaf nằm dưới sự chỉ huy của em ông, Khaddafy Janjalani. Từ đó đến nay, Abu Sayyaf luôn là cái gai khó chịu của các đời chính phủ Philippines. Tương tự tất cả tổ chức khủng bố Hồi giáo, Abu Sayyaf nổi tiếng man rợ. Họ bắt cóc tống tiền và giết người không gớm tay. Cách đây hai năm, họ từng chặt đầu con tin Bernard Then (Malaysia). Cùng sự kết hợp với ISIS gần đây, Abu Sayyaf càng trở nên nguy hiểm, liều lĩnh và tàn độc gấp nhiều lần.
Nguồn: Fb. Mạnh Kim
Leave a Comment