Thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học: Thời giảng đường không còn lý tưởng.

Kiều Phong - VNTB

Một lớp học. Ảnh: VNTB
Một lớp học. Ảnh: VNTB
- Quảng Cáo -

Người ta thường nói: “Tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng”. Khi giảng đường đại học đã không còn lý tưởng, cả người đi dạy và người đi học đều hết sức miễn cưỡng.

“Thầy giả vờ dạy!”

Ở TP.HCM, người trong ngành ai cũng biết là nhiều giảng viên hiện nay đang chạy show. Có những tiến sĩ sáng dạy đại học Nhân Văn, chiều chạy lên thành phố dạy Hồng Bàng, hoặc có cô tiến sĩ sáng dạy ở Nhân Văn, chiều lại lên dạy ở Hoa Sen. Với một lịch chạy vất vả như vậy, họ chẳng còn thời gian để đọc sách, nhiều khi cả năm không đọc xong trọn vẹn một cuốn sách nào. Đây là những giáo sư-tiến sĩ tạm coi là có tên tuổi, dạy dặn lâu năm trong nghề. Nhưng họ buộc phải dạy hai trường như vậy mới đủ sống. Mức lương ở trường đại học công lập, đại học quốc gia quá rẻ mạt, tính theo giờ chỉ mấy chục ngàn đồng, trong khi đó các trường tư nhân, các trường gắn nhãn quốc tế kia lại trả rất cao, có khi mấy trăm nghìn đồng cho một giờ dạy. Tất nhiên, giảng viên trường truyền thống sẽ nhận lời ngay khi được trường ngoài gửi lời mời. Mặc dầu vậy, họ cũng không dám bỏ dạy hoàn toàn ở trường công hay trường quốc gia để ra dạy trường tư toàn thời gian. Đây gọi là duy trì thế chân trong-chân ngoài, phải nhờ có danh phận ở trường công thì mới đàng hoàng đứng bục ở trường tư được. Vì vậy, giảng viên các trường lớn cứ chạy show sáng chiều liên tục. Do đó tất yếu họ bị mất tập trung, bị phân tâm, chất lượng bài giảng theo đó hẳn có vấn đề. Giảng viên ngày nay có xu hướng giảng bài qua loa ở trường công, sang đến trường tư thì giảng kỹ. Thậm chí, có tiến sĩ Ngữ văn Trung Quốc còn nói thẳng với các sinh viên ngồi bên dưới: “Tiền nào của nấy”.

– Đại Học Việt Nam: lấy gì che mặt?

– Thấy gì từ vụ sinh viên bị đình chỉ học vì photo sách?

- Quảng Cáo -

Điều này cũng thể hiện trong việc chấm bài thi. Ở Mỹ, giảng viên chấm bài thi rất kỹ, sửa những lỗi cho từng sinh viên, từ lỗi chuyên môn cho đến lỗi chính tả (học sinh ở Mỹ nhiều người viết sai chính tả, đến bậc đại học giảng viên vẫn phải sửa và sửa ngay trong bài). Ngoài ra, họ còn chấm bài rất kỹ, chỗ nào được, chỗ nào chưa được, đều bình luận dưới bài làm của sinh viên. Việt Nam thì khác, đa số bài làm giữa kỳ và cuối kỳ sinh viên chỉ được biết điểm chứ không biết mình sai chỗ nào thiếu chỗ nào để mà sửa, vì bài thi không được trả lại. Mà có được trả lại thì cũng như tờ giấy lúc nộp, vì người chấm bài thi không được trả lương để bình sửa chi tiết bài thi của những người sinh viên.

Cắt đầu bớt đuôi

Đó là chưa kể rằng quỹ thời gian cho một môn học còn bị giảm bớt. Cùng một quỹ thời gian bốn năm học không đổi mà số lượng các môn học ngày càng tăng lên thì thời gian dành cho mỗi môn đành phải co lại. Mỗi môn chuyên ngành còn một nhúm thời gian như vậy, làm sao người thầy có thể dạy cho tử tế được? Tiến sĩ về hưu Vũ Tam Huề giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết: Hồi thầy đi dạy ở đại học Tổng hợp Hà Nội, môn Hóa học đại cương bị giảm từ 230 tiết xuống còn 70 -80 tiết, nghĩa là còn lại chỉ khoảng một phần ba thời gian. Ngạc nhiên quá, tiến sĩ Vũ Tam Huề lên hỏi lãnh đạo trường thì lãnh đạo trường “hồn nhiên” trả lời rằng: Bớt môn Hóa để dành thời gian cho sinh viên học tin học, học vi tính, học quốc phòng…

Vậy là, người thầy ở giảng đường đại học Việt Nam bị đặt trong tình huống buộc phải dạy qua loa, dạy ẩu. Thử hỏi, một người thầy có lương tâm, có trách nhiệm và lòng ái quốc liệu có thể làm theo được như yêu cầu của người thiết kế chương trình học không? Họ vừa bắt giảng viên rút ngắn thời gian dạy, vừa hô hào tăng chất lượng chuẩn đầu ra, chẳng khác nào đánh đố đưa cho con chim sẻ bé tẹo teo bảo làm mâm cỗ thịnh soạn như Truyện Trạng năm nào.

Với quỹ thời gian quá ngắn ngủi như vậy, bảo rằng giả vờ dạy thì được, chứ dạy cho thật nghiêm túc và chu đáo thì có muốn cũng không thể được.

Họp, họp, và họp!

Trên thế giới học thuật, Việt Nam thuộc loại “quái thai”, nơi mà giảng viên đi họp cũng nhiều như đi dạy, lại còn bắt buộc phải đi, thầy cô nào không đi thì lại áy náy chuyện điểm số chiến sĩ thi đua. Nhiều lúc một ông tiến sĩ muốn ở nhà để đọc thêm một cuốn sách mà có chút vốn liếng đi dạy lại cho sinh viên mà cũng không được, ông bị người ta ép uổng phải đi họp không lương. Đây rõ ràng là một hình thức xin đểu thời gian, mà theo lý luận Marxist đang lưu hành trong trường đại học Việt Nam thì xin đểu thời gian lao động chính là bóc lột sức lao động, giảng viên đại học Việt Nam hết thảy đều đang bị bóc lột sức lao động, vậy nhà tư bản phát tài nhờ giá trị thặng dư là ai?

Cũng trên thế giới tiến bộ, trừ một số rất ít những cuộc họp mang tính hành chính bắt buộc, còn lại các cuộc họp của giáo sư đại học là các hội thảo về chuyên môn. Muốn đến dự các hội thảo đó thì một giáo sư đại học cũng phải đóng tiền vào cửa, vì sự tìm tòi được của người thuyết trình trong hội thảo khoa học nghiêm túc, không thể cho không. Hơn nữa, nước ngoài người ta tự bỏ tiền túi ra tổ chức hội thảo, chứ không như nước ta đâu đâu cũng rút từ ngân sách ra. Nhiều thạc sỹ, tiến sĩ ở Việt Nam thừa biết họp hành và hội thảo ở Việt Nam là phản tiến hóa và phi khoa học nhưng cũng đành phải đi. Ngồi suốt buổi nghe một thứ mà mình không thích, ai nấy sẽ đều cảm thấy như đang bị tra tấn về tinh thần và thể lực. Họp, họp và họp suốt ngày, liên tục như vậy, người giảng viên không còn đâu thời gian và sự bình tâm để mà nghiên cứu. Cho nên, họ cũng đứng giảng đường và vẫn dạy học, nhưng như kiểu là làm cho xong chuyện.

Thời gian vốn đã ít, lại bị bớt ngược bớt xuôi, không có gì ngạc nhiên khi nói đến một thực trạng đại học phẩm cấp kém dần qua từng năm như ở Việt Nam ngày hôm nay.

Đón đọc kỳ II: Vì sao sinh viên thời nay lười học?

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here