Việc Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhấn chìm gần 1 triệu m3 vật liệu thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) đã dẫn đến một làn sóng phản đối từ dư luận vì quan ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đáng lưu ý là Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có tới 95% là vốn của Trung Quốc. Cùng với việc TQ đóng cửa hàng loạt nhà máy điện nhiệt than trong nước và tăng cường đầu tư vào Việt Nam, phải chăng TQ đang âm mưu “bức tử” con người và môi trường Việt Nam?
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận bắt đầu được doanh nghiệp Trung Quốc khởi công xây dựng từ tháng 07/2015 theo hình thức BOT. Trong đó, hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp tới 95% vốn, Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc Tập đoàn Than khoán sản Việt Nam chỉ góp 5% đối ứng. Với việc góp vốn như vậy, phía TQ sẽ được vận hành, kinh doanh tại nhà máy trong suốt 25 năm trước khi chính thức “chuyển giao” cho Việt Nam. Tuy nhiên, mới sau hơn 1 năm triển khai, Vĩnh Tân 1 đã đổ gần 1 triệu m3 chất thải xuống biển, vậy trong 25 năm biển Tuy Phong sẽ phải “nuốt chửng” bao nhiêu bùn cát?
Chưa hết, theo các nhà khoa học, việc nhận chìm sẽ hủy diệt nguồn sống lâu dài của biển và làm mất sự đa dạng sinh học. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam cho biết: “Xả xuống đó sẽ làm xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy – một sinh vật mang tính cơ sở nuôi sống nguồn lợi ở trong nước”.
Hơn nữa, mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường nói rằng các chất bùn thải này không chứa độc tính tuy nhiên Giáo sư Lê Huy Bá nói “chúng có thể kết hợp với các chất trong nước biển và trở thành chất độc”. Chưa kể, với sự chuyển động liên tục của biển, chuyện khối chất thải ấy có di chuyển, xâm lấn và làm hại thêm nhiều vùng biển lân cận khác hay không là điều không thể nói trước. Tức là phạm vi tác hại của khối lượng bùn, cát này sẽ rất lớn chứ không chỉ vỏn vẹn trong vùng biển Tuy Phong.
Được biết, khi công ty Vĩnh Tân 1 đệ đơn xin phép cơ quan chức năng được “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển vào tháng 11/2016, chính Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã thể hiện quan điểm là “không được làm vậy”.
Thế nhưng, đến nay không biết bằng cách nào cấp phó của ông, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã “vượt mặt” ông, ngang nhiên cho phép nhận chìm mà ông Bộ trưởng không biết là cố tình hay vô tình “phớt lờ”? Sự bất nhất trong hành động và lời nói của hai vị lãnh đạo môi trường càng làm người ta nghi ngại rằng ai sẽ chịu trách nhiệm cho quyết định này nếu môi trường bị ảnh hưởng? Hay các vị lại tiếp tục chiêu bài quanh co và đổ lỗi cho tập thể để phủ nhận sai lầm của cá nhân?
Tiếp tay cho Trung Quốc phá hủy môi trường và bức hại người dân
Chỉ tính riêng trong tháng 1.2017, Trung Quốc đã hủy 85 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh của nước này. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào nhiệt điện than tại Việt Nam, chiếm tới 50%. Mục tiêu sau cùng của động thái này là gì?
Lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng thẳng thừng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ: “Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”. Vậy việc tăng cường đầu tư nhiệt điện than vào Việt Nam chỉ là vỏ bọc để TQ đẩy ô nhiễm môi trường sang cho Việt Nam, phá hoại thiên nhiên và reo rắc bệnh tật cho người dân nước ta?
Vào mùa đông năm ngoái, cả một vùng rộng lớn phía bắc Trung Quốc đã bị một lớp sương khói dày đặc bao phủ, khiến 460 triệu người dân TQ phải sống trong bầu không khí có chỉ số ô nhiễm ở mức cao kỷ lục. Ước tính, 1 trong 7 trường hợp tử vong sớm tại TQ là do ô nhiễm không khí, mỗi đợt tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng, hàng nghìn người đã phải nhập viện, đa phần trong số họ đều mắc bệnh về hô hấp. Thủ phạm không ai khác chính là những nhà máy nhiệt điện than.
Thật vậy, theo nghiên cứu, các nhà máy nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí khi thải ra các loại bụi, khí độc (SO2, NOx, CO …) và các loại khí nhà kính (CO2, CH4 …). Nguy hiểm hơn là trong bụi than có chứa một lượng đồng vị phóng xạ gây hại cho sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu cho thấy “mức độ phóng xạ trong xỉ tro than cao gấp 5 lần so với đất bình thường, và gấp 10 lần so với than trước khi bị đốt”. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh như đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm đường hô hấp dưới và ung thư phổi. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Bên cạnh đó, các chất thải của quá trình sản xuất điện than như bùn than, tro xỉ chứa nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, niken, thiếc, cadmium, antimon, asen cũng như các đồng vị phóng xạ của thori và strontium. Những chất này có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Một khi các chất độc này xâm nhập vào hệ sinh thái sông, biển chúng có thể đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong các sinh vật sống, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống thủy sinh, cũng như đe dọa tính mạng con người.
Đứng trước thực trạng trên, giới chức TQ những năm qua đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những thiệt hại của tình trạng ô nhiễm do nhiệt điện than gây ra đó là đóng cửa hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, những máy móc, công nghệ mà nước này bỏ hàng chục triệu đô để đầu tư chắc chắn không thể bỏ không? Chính quyền TQ bèn nghĩ ra mưu hèn kế bẩn, một mặt là chuyển giao công nghệ cũ sang cho Việt Nam, mặt khác là tàn phá môi trường và reo rắc bệnh tật cho nhân dân nước ta.
Ngành điện lực tại VN hiện có 20 dự án nhiệt điện đang triển khai thì đến 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Với lượng tro, xỉ khá lớn do nhà máy nhiệt điện than thải ra là 15,8 triệu tấn/ năm thì tương lai không chỉ là biển Tuy Phong, vùng biển trên 28 tỉnh thành của đất nước đang có nguy cơ bị “bức tử” bởi các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm chủ đầu tư.
Không biết kinh tế phát triển tới đâu, nhưng rõ ràng viễn cảnh về một Bắc Kinh dày đặc khói bụi, con người giao tiếp với nhau thông qua mặt nạ phòng độc, người người nhập viện vì ho lao, khó thở sẽ diễn ra tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Việc đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ra hậu quả như thế nào, cả thế giới đều biết và đang thoái trào xu hướng phát triển nhiệt điện than. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo môi trường dường như cố tình không hiểu, làm ngơ trước ô nhiễm, thậm chí tiếp tay cho giặc tàn phá thiên nhiên và tận diệt con người.
Nguồn: bluevn
Leave a Comment