Từ mấy tuần nay, cả thế giới xúc động vì cái chết của cựu thủ trướng Đức Helmut Kohl, người có công lớn cho việc thống nhất nước Đức trong hòa bình, cho quá trình hình thành liên minh châu Âu và sự ra đời của đồng Euro.
Đối với những người Việt tự hào về thành tích chiến tranh thống nhất giang sơn hoặc về sự nghiệp cải tạo XHCN thì công cuộc thống nhất nước Đức không tốn xương máu, không có trả thù là điều rất đáng suy nghĩ.
Đối với hàng chục ngàn người Việt lao động ở CHDC Đức, thống nhất nước Đức đã giải phóng họ ra khỏi các Ghetto như khu nhà cao tầng ở Rhinstrasse mà năm 1994 tôi đã phải bịt mũi khi đi trong hành lang ẩm ướt. sặc mùi lòng lợn, mắm tôm và thuốc lá Marlboro.
Thời gian này có thể coi là cuộc khủng hoảng tỵ nạn lần thứ nhất ở Đức, bởi hơn 250.000 người tràn vào Đức mỗi năm. Giữa sự hỗn loạn đó, các cuộc thanh trừng lẫn nhau giữa các băng đảng Mafia thuốc lá người Việt (Zigarettenmafia) đã gây phẫn nộ trong dư luận Đức. Helmut Kohl đã không sử dụng biện pháp cứng rắn mà đảng CDU đề nghị. Năm 1995 ông dẫn đầu một phái đoàn kinh tế đi thăm Việt Nam, đề nghị giúp Việt Nam 100 triêu DM để Việt Nam xây dựng các cơ sở tái hội nhập cho công dân của mình từ Đức trở về.
Báo chí quốc tế đồng thanh ca ngợi công lao của nhà chính trị Helmut Kohl, kể cả báo chí Việt Nam từ mọi phía. Công lao của ông đối với nước Đức, với châu Âu đã vượt qua biên giới địa lý và tư tưởng.
Tôi suy nghĩ nhiều về con người này và sau khi ông đã yên nghỉ, mới dám viết vài dòng về cuộc đời đầy bi kịch của ông và gia đình.
Có lẽ những dư chấn của chiến tranh, của giết chóc mà cậu bé Helmut đã cảm nhận khi phải cầm súng cho quân đội Quốc xã vào tuổi 14 đã khiến nhà chính trị sau này luôn xa lánh các biện pháp bạo lực, đề cao hòa giải: từ chính sách Đông Âu (Ostpolitik), Hòa giải Pháp-Đức, đến thống nhất nước Đức và ngay cả cách đưa người Việt tỵ nạn về nước trên đây.
Nhưng Helmut Kohl đã không có một cuộc sống gia đình yên ấm như các chính sách của ông. Với người đã khuất, tôi không dám phê phán hay ca ngợi ông „đã hy sinh hạnh phúc gia đình vì sự nghiệp“. Chỉ biết rằng cả hai con trai , Walter và Peter Kohl đều không được hưởng đầy đủ tình thương của cha. Walter thậm chí còn viết một cuốn sách về gia đình, trong đó ông Helmut Kohl đã được mô tả như một người cha ít quan tâm đến vợ con.
Người chịu nhiều đau khổ nhất trong gia đình Kohl phải nói là bà Hannelore Kohl, từng 16 năm liền là đệ nhất phu nhân nước Đức (1982-1998).
Bà Hannelore cũng có số phận của một người tỵ nạn. Khi Hồng quân Liên xô công phá Berlin năm 1945, bà Hannelore 12 tuổi, trên đường chạy loạn, đã bị binh lính Liên Xô hãm hiếp đến ngất xỉu. Tưởng bà chết, chúng ném bà qua cửa sổ như một cái xác, khiến bà bị gãy khá nhiều xương mà hậu quả có thể là các bệnh mãn tính đã hành hạ bà suốt mấy chục năm sau. Cũng có thể chính vì thế mà bà đã lập ra „Quỹ bảo trợ các bệnh nhân bị chấn thương sọ não“.Thành công lớn nhất của quỹ này là cùng hãng Siemens Nixdorf tìm ra giao diện máy tính để giúp người bệnh giao tiếp với xã hội.
Tuy bà ít khi để lộ ra ngoài những bất hòa trong gia đình như cậu con trai kể lại sau khi bà qua đời, nhưng cái chết của bà đã để lại nhiều câu hỏi cho người đời. Theo báo chí, bà bị chứng bệnh dị ứng ánh sáng hành hạ nhiều năm ròng và ba năm sau khi ông Kohl về hưu, ngày 05.07.2001 bà đã tự sát tại nhà riêng vào lúc ông Kohl đi vắng. Bà đã yên nghỉ trong nghĩa địa ở Ludwigshafen, bên cạnh bố mẹ chồng, với hy vọng đươc sum họp với ông sau này.
Nhưng nhà chính trị lỗi lạc Helmut Kohl đã vấp không ít sai lầm khiến ông và gia đình phải trả giá đắt.
Sau khi thua Gerhard Schöder trong cuộc bầu cử năm 1998 buộc đảng CDU phải quay về ghế đối lập, ông Kohl vẫn cố giữ chức chủ tịch danh dự của Đảng, ngay cả khi vụ bê bối về “tiền quyên góp” cho đảng bị phanh phui, gây bức xúc cho dư luận Đức. Để bảo vệ danh tiếng của đảng, tổng bí thư Angela Merkel, học trò cưng của ông Kohl đã buộc phải dùng các thủ thuật để hạ bệ ông. Vụ này đã để lại tiếng xấu cho cả hai chính khách lớn của nước Đức.
Trong vụ tai tiếng về“ tiền quyên góp cho đảng“ (Parteispendenaffair), ông Kohl không tham ô một xu. Ông chỉ lập quỹ đen để quyên góp tiền từ giới tài phiệt cho đảng ông vận động tranh cử. Luật Đức không cấm ai quyên góp cho các đảng phái, chỉ yêu cầu công khai. Một số doanh nhân to đầu lo ngại cánh tả lên cầm quyền nên đã quyên góp cho ông Kohl, nghe đâu là sáu triệu D-Mark. Họ muốn ông dấu tên vì vẫn muốn tiếp tục hưởng các ân huệ nhà nước nếu cánh tả lên cầm quyền, vì vậy nên thành quỹ đen.
Tài phiệt đâu cũng vậy, muốn „làm tình“ với mọi giới chính trị, miễn là giúp mình kiếm tiền.
Nhưng đảng CDU không bị thất cử vì thiếu tiền, mà vì quá say sưa với „chiến thắng kẻ thù giai cấp“, với công cuộc thống nhất đất nước nên đã để đất nước bị trì trệ về kinh tế và xã hội. Nước Đức sau thống nhất không còn là nước Đức của chiến tranh lạnh. Ông Kohl đã không kịp xử lý diễn biến hòa bình này.
Nhờ đó cánh tả, tuy không có giới tài phiệt đỡ lưng, vẫn thắng cử áp đảo. Điều trớ trêu của lịch sử là chính đảng cánh tả SPD của Schröder đã đưa ra một loạt cải cách chính trị, cắt giảm phúc lợi xã hội để biến nước Đức từ chỗ „xã hội chủ nghĩa hơn cả CHXH“ dưới thời cánh hữu thành một xã hội tư bản cạnh tranh mà kết quả là nước Đức đã giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 11% xuống 5,5% và liên tục tăng trưởng từ 2009 đến nay, kỹ nghệ thì xuất siêu đến mức bị Trump chửi suốt ngày.
Họa vô đơn chí. Ông Kohl chưa dọn xong văn phòng ở phủ thủ tướng thì vụ bê bối về „ quỹ đen“ bị phanh phui mà ông là nhân vật trung tâm. Ủy ban điều tra quốc hội do phe tả cầm đầu chỉ muốn dùng vụ này để xát muối vào mặt bọn tỷ phú đã chơi xấu họ. Nhưng Helmut Kohl đã coi lời hứa của mình cao hơn luật pháp nước Đức và cho đến ngày qua đời, ông vẫn giữ lời hứa, không tiết lộ danh tính đám tài phiệt kia.
Hành động này đã làm cho đảng CDU mất uy tín nặng trong xã hội, báo chí phê phán ông Kohl không trung thành với hiến pháp. Tuy đánh giá cao thái độ thượng tôn lời hứa của ông Kohl, tôi vẫn thầm nghĩ, liệu sự trung thành của ông có được đền đáp xứng đáng? Có thể những kẻ được ông che đỡ đã quay sang ve vãn chính phủ cánh tả từ lâu rồi.
Những sai lầm trên của Helmut Kohl chỉ làm sây xước chút ít hình ảnh của một ông thủ tướng gần dân, của một chính khách biết dùng tình bạn cá nhân để giải quyết các vấn đề của dân tộc. Dân chúng không vì những khuyết điểm đó mà quên việc ông đã kết bạn „mày tao chí tớ“ với Gorbachow, với Mitterand trong những ngày đàm phán để họ chấp nhận thống nhất nước Đức. Rồi ông cũng trở thành bạn rượu với Jelzin, khi bỏ ra hàng chục tỷ D-Mark để đổi lấy việc Nga rút 400.000 quân đồn trú ra khỏi Đức vào năm 1994.
Ông Kohl đã không được nằm bên cạnh bà Hannelore, người vợ thân yêu, người bạn đời của ông từ thủa niên thiếu, như hai người đã thề thốt.
Nguồn: Fb. Tho Nguyen
Leave a Comment