Trong một lần trao đổi, một bác sỹ trẻ đặt câu hỏi :
– Tại sao một đảng giành được chính quyền nhờ nhân dân, nhưng sau khi có quyền lực lại dùng nó như một công cụ quay lại đàn áp chính nhân dân mình ?
Hiện tượng này cũng không khó cắt nghĩa, chủ nghĩa cộng sản thực chất là một chủ nghĩa duy tâm. Hay có người nói CNCS là một tôn giáo hoàn toàn nhập thế và biến thái.
Nó nhân danh và động viên những cảm xúc mạnh mẽ về tình yêu con người, nôn nóng muốn thủ tiêu những bất công, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nó có sức hút mạnh mẽ không những với tầng lớp cực khổ dưới đáy xã hội mà còn cả với những bộ óc thông minh nhất thậm chí quyến rũ cả những người có trái tim duy tâm nhất. Chủ nghĩa cộng sản tin rằng lý trí với quyền lực tuyệt đối sẽ xây dựng thành công một xã hội hoàn hảo với động cơ đạo đức. Thế mà chính chủ nghĩa này đã gây ra những tội ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
CNCS cho rằng nó chính là tương lai và sự thắng lợi tất yếu của CNCS là đại diện cho tiến bộ của loài người. Học thuyết CS do đó đã trở thành lạc hậu, không theo kịp hoặc không nhận thấy sự phức tạp của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế đang phát triển hàng ngày trên thế giới. Nó cung cấp những công cụ để giải thích thế giới một cách đơn giản, kể cả cơ hội đổi đời cho tầng lớp nghèo khổ ít học. Đồng thời phép duy vật biện chứng cũng mở ra cho tầng lớp trí thức một cơ hội để có thể “cải tạo thế giới”. Một sự lầm lạc trí tuệ chưa từng có trong lịch sử.
Lối đơn giản hoá một cách quá đáng về mặt lý luận của học thuyết như : Các phạm trù mâu thuẫn, mối quan hệ rõ ràng chỉ có ta- địch, phép duy vật biện chứng vv…không thể nào bao quát được tình trạng phức tạp của cấu trúc xã hội. Hơn thế nữa, các học trò của Marx đã dần xuyên tạc và biến học thuyết thành một sự biện hộ cho quyền lực độc tài, thực chất là tiếm quyền. Trong khi các nền dân chủ sự lựa chọn được tiến hành trên cơ sở tranh luận công khai và quyết định bởi lá phiếu của dân chúng thì ngược lại, các chế độ CS không thể làm như vậy vì nó sẽ phơi bày rõ ràng sự thiếu thích nghi của họ với xã hội hiện đại.
Có một thực tế lịch sử : Không một chính quyền cộng sản nào giành được quyền lực nhờ ý nguyện của nhân dân. Giới lãnh đạo CS dù đã cầm quyền hàng chục năm cũng không hề có ý muốn tiếp tục nắm giữ quyền lực bằng tranh cử tự do, bằng phổ thông đầu phiếu, hay thậm chí trưng cầu dân ý xem quần chúng có muốn tiếp tục chủ nghĩa cộng sản hay không ?
Một thực tế nữa : Không có một cuộc đào thoát nào của dân chúng từ các nước tư bản đến các nước cộng sản với lý do tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những thành công của CNCS được trả giá quá đắt bằng sinh mạng con người. Sự đau khổ mà chủ nghĩa này gây ra cho nhân loại là không thể tưởng tượng được, theo các số liệu (còn thiếu) chúng ta cũng đủ thấy nó thật kinh hoàng :
1- Những vụ hành quyết không xét xử trong quá trình nắm quyền : ít nhất 1 triệu ở Liên Xô, nhiều triệu ở Trung Quốc, khoảng 100 ngàn ở Đông Âu và ít nhất 150 ngàn ở Việt Nam.
2- Hành quyết các đối thủ chính trị và những người chống đối sau khi giành được chính quyền : Khoảng 5 triệu người.
3- Tiêu diệt tất cả những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, cả khả năng chống đối, bất kể thái độ hiện tại của các nạn nhân : Theo tài liệu của Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu thì khoảng 5 triệu người.
4- Thủ tiêu địa chủ, trung nông, nông dân độc lập : Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên khoảng trên 10 triệu người.
5- Các chính sách tập thể hoá nông nghiệp, khai hoang, kinh tế mới…gây ra nạn đói, bệnh dịch hoặc các thảm hoạ khác gây ra cái chết ít nhất cho khoảng 30 triệu nạn nhân.
6- Những vết thương trên cơ thể và tâm lý do bị giam giữ kéo dài và lao động cưỡng bức
7- Ngược đãi gia đình những nạn nhân của chế độ
8- Tạo ra một không khí lo sợ trong xã hội và cô lập con người về chính trị : Trừ giai cấp công nhân và nông dân nghèo, toàn bộ các giai cấp khác đều bị đặt vào tình thế là thế lực thù địch với chế độ.
Càng nhúng tay vào máu, những người CS càng hoang tưởng rằng phải dựa vào bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị. Hậu quả là : Các lãnh tụ hoặc giới lãnh đạo xử sự theo kiểu “thuyết âm mưu”, mọi điều bàn luận phải được bí mật, các huyền thoại được dựng lên, một bức màn bí ẩn bao phủ việc làm, nhân cách và thậm chí cả cuộc sống tình cảm và gia đình họ.
Họ tự tin rằng họ được tạo hoá phú cho thiên chức có thể xây dựng, uốn nắn cả tương lai của thế giới và nếu cần có thể được phép làm điều đó bằng mọi giá, kể cả bằng máu. Ông Hồ Chí Minh tưởng mình sắp chết trăn trối với thuộc hạ : “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” hay “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa.. nhưng nhân dân Việt nam quyết không sợ…”.
Các lãnh tụ CS không tin một ai, kể cả các đồng chí của mình, vì vậy họ thường tìm mọi cách để ngồi trên vị trí lãnh đạo đến hết đời trừ khi có những biến cố.
Phong cách hành động cộng sản đó sản sinh ra các chế độ chính trị không có những van an toàn hoặc cơ chế báo động sớm. Những dấu hiệu bất ổn của xã hội thường rất chậm trễ khi lên đến cấp cao, những thông tin dối trá của bên dưới lại thường đến sớm. Việc thiếu những cơ chế nhằm thay đổi người lãnh đạo kém cỏi khiến cho việc cầm quyền kéo dài là do kiểm soát quyền lực chứ không phải là thành công do chính sách.
Tóm lại, CNCS không coi trọng quyền con người, không tôn trọng tự do cá nhân trong các mặt hoạt động của xã hội, trong kinh doanh, trong nghệ thuật, trong tự do lựa chọn về chính trị…Ở một thời đại trí thức và thông tin mở toàn cầu với khao khát cá nhân về phúc lợi vật chất ngày càng tăng. Trong khi cuộc cách mạng kỹ thuật điện tử, điển hình là internet đã làm thay đổi bản chất sự phân phối quyền lực và cơ cấu xã hội ở các nước tư bản phát triển thì những nước như Việt Nam, Bắc Triều Tiên vẫn ôm lấy những khái niệm lỗi thời từ hơn một thế kỷ trước.
Nhưng lựa chọn đàn áp cũng không còn dễ dàng như xưa, thậm chí còn là con dao hai lưỡi dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng hơn.
Xin kết luận bằng lời một người từng theo CS :
“Người cộng sản không có sự hấp dẫn về mặt nhân cách cũng như trí tuệ, thậm chí không cần thiết về mặt chính trị”.
Nguồn: Ngô Nhật Đăng
Leave a Comment