CẦN THƠ (CTM Media) – Đồng bằng sông Cửu Long đang bị biến dạng do sạt lở nghiêm trọng cả ở bờ sông lẫn bờ biển, song hoạt động khai thác cát chưa ngưng, dù đó là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa.
Được biết, dưới đáy sông Mekong (đến Việt Nam thì tách thành hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu trước khi đổ ra biển) có rất nhiều hố có vai trò như những điểm trữ sỏi cát. Nếu tiếp tục khai thác cát, các hố này sẽ sâu hơn và sạt lở sẽ càng ngày càng nghiêm trọng.
Điều đáng quan tâm là khai thác cát không chỉ làm sạt lở gia tăng mà còn làm nhiều loại thủy sản đặc biệt như cá hô, cá tra dầu, cá heo nước ngọt… mất nơi trú ẩn.
Đáng ngại là hoạt động khai thác cát diễn ra ồ ạt trên diện rộng trong bối cảnh cát, sỏi, phù sa từ thượng nguồn đổ về hạ du sông Mekong giảm liên tục. Trong 20 năm vừa qua, tổng lượng chất rắn lơ lửng trong nước, góp phần bồi đắp châu thổ sông Mekong đoạn chảy qua Việt Nam đã giảm 46% so với trước.
Mới đây, Hội Thủy Lợi Việt Nam từng đưa ra cảnh báo tương tự tại một hội thảo bàn về lũ lụt, ngập úng và sạt lở đất ở đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra ở Sài Gòn.
Theo các chuyên gia thì sạt lở diễn ra một cách bất thường trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long.
Sạt lở nghiêm trọng là vì (1) các kế hoạch phát triển hạ tầng thiếu viễn kiến, (2) khai thác cát quá mức, (3) khai thác nước ngầm quá mức, (4) khai thác rừng ven biển quá mức. Những yếu tố này làm cả cả bề mặt kênh, rạch, bờ sông, bờ biển lẫn bị cấu trúc địa tầng bị biến dạng, cộng thêm với yếu tố đồng bằng sông Cửu Long bị mất cân bằng về bùn, cát nên sạt lở diễn ra tràn lan.
Theo một thống kê do Tổng Cục Hải Quan thực hiện, chỉ trong ba năm, từ 2007 đến 2009, chính quyền Việt Nam đã cho phép moi 24 triệu khối cát từ hệ thống sông rạch của đồng bằng sông Cửu Long để xuất cảng.
Đáng chú ý là dù khai thác cát khiến bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, song chính quyền nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục cho một số doanh nghiệp khai thác cát để cung cấp trong nội địa.
Leave a Comment