HÀ NỘI (CTM Media) – Hôm 28 tháng Sáu 2017 đã diễn ra buổi hội thảo về “nợ đọng trong xây dựng cơ bản”, do Hiệp Hội Nhà Thầu Xây Dựng Việt Nam (VACC) tổ chức.
Được biết, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang đối diện với nguy cơ phá sản vì bị hệ thống công quyền quỵt nợ. Nếu điều này xảy ra, các ngân hàng cũng tắc tử vì mất cả chì lẫn chài.
Xin nhắc lại, tại Việt Nam, “nợ đọng trong xây dựng cơ bản” là cách gọi những khoản nợ mà hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương còn thiếu các nhà thầu sau khi những nhà thầu này hoàn tất các công trình hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch VACC, dẫn số liệu của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho biết tính đến cuối năm 2016, khoản “nợ đọng trong xây dựng cơ bản” mà chính phủ có nghĩa vụ phải thanh toán cho các nhà thầu là 9 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo VACC thì khoản “nợ đọng” của toàn bộ hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa thanh toán cho các nhà thầu là từ 30 000 tỷ đồng đến 40 000 tỷ đồng.
Cần nói thêm, vốn của nhiều doanh nghiệp là thành viên của VACC chỉ chừng 200 tỷ đồng hoặc 300 tỷ đồng nhưng đang bị hệ thống công quyền nợ tới 2 000 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp bị hệ thống công quyền thiếu nợ từ… 10 đến 12 năm. Do oằn lưng gánh lãi, nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức và chỉ còn chờ phá sản.
Ngoài hệ thống công quyền, các thành viên của VACC còn bị doanh nghiệp nhà nước quỵt nợ. Tất cả những khoản nợ đó đều rất khó đòi.
Nguyên nhân khiến vấn nạn “nợ đọng trong xây dựng cơ bản” càng ngày càng trầm kha, là do các viên chức hữu trách phóng tay phê duyệt các quyết định đầu tư bất chấp yếu tố có vốn để thực hiện hay không. Do công quỹ có hạn mà các dự án đầu tư quá nhiều nên cuối cùng hệ thống công quyền Việt Nam không cân đối được nợ.
Và dù “nợ đọng” đã hết sức nan giải nhưng tình trạng phóng tay phê duyệt các quyết định đầu tư, giao nhà thuê thi công trước rồi sau đó mới đi tìm vốn vẫn rất phổ biến.
Ở Bình Định, “nợ đọng” của hệ thống chính quyền các xã cũng đã lên tới mức chừng 50 tỷ đồng/năm. Gần như tất cả nhà thầu đều bị hệ thống công quyền chiếm dụng khoảng 70% vốn thực hiện công trình.
Cũng tại buổi hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, nên hành xử theo kiểu, nếu địa phương nào còn “nợ đọng xây dựng cơ bản” thì không cho phép tổ chức mời thầu thực hiện các công trình hạ tầng mới để buộc các địa phương đó phải sắp xếp để thanh toán cho hết nợ. Những chuyên gia cũng đề nghị giới hữu trách chỉ nên phê duyệt dự án khi đã sắp xếp được vốn. Mặt khác phải rà soát, thống kê, phân loại “nợ đọng” để hoạch định lộ trình giải quyết dứt điểm.
Theo dư luận, thì những nhận định, đề nghị đều hữu lý nhưng khó thực hiện được, với một nhà cầm quyền và quốc hội tham nhũng từ trên xuống dưới, mà luật pháp thì chỉ là luật rừng.
Leave a Comment