Quảng Cáo

Quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm nói lên điều gì? – Phần III

Quảng Cáo

Nhiều người, nhiều nhóm xã hội đặt vấn đề rốt ráo để tìm lời giải cho việc bất nhất giữa lời nói và việc làm của UBND Tp Hà Nội thể hiện qua nhân vật Chủ tịch Tp Nguyễn Đức Chung. Nhưng tất cả những điều đó vấp phải sự nhùng nhằng nửa dơi nửa chuột của cái gọi là “Pháp quyền XHCN”.

Những suy nghĩ chúng tôi nêu trên cho đến nay vẫn chưa hề được một cơ quan công quyền nào xác nhận. Tuy nhiên, có nhiều điều thì tự sự việc đã làm rõ bản chất của nó.

Vài suy nghĩ về nhân cách cần có ở một vị tướng?

Xin hãy nhớ rằng, trước khi là Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, Nguyễn Đức Chung là thiếu tướng đứng đầu ngành công an Hà Nội, ông còn là một đại biểu Quốc hội hẳn hoi.

Là một lãnh đạo, là người đứng đầu Tp, hẳn nhiên một trong các phẩm chất cần thiết ngoài tài năng trỗi vượt và năng lực tốt, thì người lãnh đạo phải có bản lĩnh đi trước, lường trước những vấn đề có thể xảy ra trước khi những vấn đề này trở thành hiện tượng phổ biến.

Nhưng, trên hết là một vị tướng thì ông điều cần thiết phải có là lòng tự trọng và luôn bảo vệ nhân cách, uy tín của mình.

Cũng theo cụ Lê Đình Kình kể lại thì trong cuộc điện thoại: “Ông ấy nói là quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy.”

Vậy thì lẽ nào khi cầm bút viết bản cam kết đó trước những người dân Đồng Tâm, là người đứng đầu một cơ quan quyền lực, chủ tịch Thành phố, nguyên Giám đốc Công an Tp mà ông ta không hiểu rằng nếu thật sự có nhà nước pháp quyền, thì việc khởi tố hay không khởi tố không phải là việc của ông ta? Hay ông ta thừa biết rằng chính cái dở dơi dở chuột ở cái “nhà nước pháp quyền XHCN” này, ông ta có đủ quyền lực để làm điều đó. Nhưng giờ đây thì ông ta đang “lực bất tòng tâm”?

Ở đây cần đặt ra hai khả năng. Nếu ông ta biết việc ký cam kết đó để rồi không muốn hoặc không thể thực hiện mà ông ta vẫn ký nhân danh người đứng đầu Tp, thì ông ta đã lừa đảo người dân Đồng Tâm.

Cũng qua cuộc nói chuyện, Chủ tịch Chung cho rằng: “Dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay, anh Đồng và cô Lan xử lý thế là không được! Nếu lúc đó tôi không ký thì chỉ cần ai hô một câu thì hậu quả như thế nào cụ biết rồi…” Thế có nghĩa là ông Chung đã bị người dân Đồng Tâm ép ông ta ký vào một văn bản mà ông ta không đồng ý? Ông ta ký và lăn tay chỉ vì sợ bà con Đồng Tâm gây nguy hiểm cho phía ông ta?

Tôi nghe câu này mà không tin vào tai mình nữa.

Nếu đúng vậy thì bản lĩnh của một vị tướng ở đâu?

Một ông tướng với đầy đủ quân hùng tướng mạnh, kéo theo một đoàn tướng khác đi cùng – Ít nhất trong ngày hôm đó có đến 4 ông tướng từ quân đội, công an… có mặt – với đầy đủ quân cán tinh binh… nhưng chỉ mấy người dân Đồng Tâm tay không tấc sắt mà các ông còn sợ hãi đến mức buộc phải ký và điểm chỉ vào một văn bản mà ông không đồng ý sao?

Giả sử như đó không phải là người dân Đồng Tâm không tấc sắt trong tay, mà là đội quân đội anh em Phương Bắc giữ ông ta lại rồi chìa cái công hàm bán nước hoặc bản hợp đồng bán Thủ đô thì Chủ tịch Tp sẽ xử lý ra sao?

Còn nếu ông ta vẫn đinh ninh rằng mình có quyền lực trong chế độ “đảng quyền XHCN” để thực hiện được điều mình đã hứa và ông tự tin với điều đó. Nhưng hiện tại thực tế các đồng chí, đồng đội của ông đã không để ông thực hiện lời hứa đó trước người dân. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy ông vào một sự sỉ nhục không thể bỏ qua hoặc nuốt lấy.

Xưa nay trên thế giới và nhất là ở các quốc gia châu Á, người ta hết sức thán phục và tôn vinh những vị tướng đã bất chấp nguy hiểm cho bản thân để bảo vệ khí tiết của mình. Ở đây, nếu có trường hợp ông Chung đã không lường trước những vấn đề có thể xảy ra thì với nhân cách và bản lĩnh cần có của một vị tướng, ông ta cần phải có hành động bảo vệ danh dự và uy tín của mình – điều mà thông thường xưa nay, các vị tướng trên thế giới đặt lên hàng đầu.

Ông Chung hiện là Chủ tịch Tp Hà Nội, một Tp có lịch sử được ghi bằng máu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian nan khốc liệt ngày xưa. Trên cương vị Chủ tịch Tp, hẳn ông cần đọc lại lịch sử một người tiền nhiệm của mình là Tổng đốc Hoàng Diệu. Lịch sử còn ghi rõ như sau: “Từ 1879 đến 1882, Ông làm Tổng đốc Hà Ninh quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và phụ cận. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu đã tự vẫn tại Võ Miếu để không rơi vào tay đối phương”.

Người Nhật bản, khi thua trận còn tự xẻ bụng mình để bảo vệ khí tiết.

Một viên quan thời “phong kiến thối nát” như Hồ Tôn Hiến xưa vẫn còn biết rằng:

Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên trông xuống, người ta trông vào.

(Kiều)

Thậm chí, ngay trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa – một chế độ mà xưa nay, chế độ Cộng sản Việt Nam hay áp đặt danh hiệu là “Ngụy”, “Tay sai”, hết sức coi thường, nhục mạ… Vậy mà khi VNCH thất trận, vẫn có hàng loạt tướng, tá, quân nhân tự sát để bảo vệ khí tiết của mình chứ không chịu nhục. Lẽ nào với những vị tướng của đảng quang vinh lại không thể làm được những điều nhỏ nhoi nhất để bảo vệ danh dự, nêu cao khí tiết của mình là: Từ chức.

Có lẽ điều này chỉ là một sự mơ mộng. Bởi cái gọi là nhân cách, khí tiết hay chí khí… là một sự xa xỉ ở cái Thiên đường XHCN này từ lâu.

Sự bất nhất, có sợ hậu quả?

Trước quyết định khởi tố của Công an Hà Nội đối với vụ Đồng Tâm, người ta không thể không nhớ đến hình ảnh của ông Nguyễn Đức Chung khi cùng bầu đoàn thê tử vào Đồng Tâm. Khi đó, như lời thơ xưa trong truyện Kiều:
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng. (Kiều)

Và khi vào đó, trước những oan khuất của người dân Đồng Tâm, giống như thân phận nàng Kiều ngày xưa, chàng đã lớn tiếng:

“Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi !” (Kiều)

Và người dân Đồng Tâm tin tưởng, và người dân Đồng Tâm hy vọng đến hôm nay…

Có người an ủi rằng: Dù có khởi tố thì việc khởi tố bị can còn là một khoảng cách, thậm chí có những luật sư còn ru ngủ người dân và vẽ đường cho hươu chạy rằng thì là đã khởi tố thì nên áp dụng điều nọ, điều kia cho bảo đảm… lương tâm đạo đức!

Xin thưa, người cộng sản không nghĩ vậy, bởi người cộng sản không thích một quy luật luật pháp nào. Có vậy mới thể hiện được vị thế, quyền lực của chính mình.

Nhiều người cho rằng, nói gì thì nói, việc chủ tịch UBND Tp mà lật lọng cách trắng trợn với người dân như vậy là điều không hề bình thường. Bởi muốn làm việc tốt, muốn có chức quyền ngày càng quan trọng, leo lên càng cao thì chẳng ai lại lật lọng cách ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, vì đó là sự thách thức không chỉ người dân Đồng Tâm mà cả hệ thống chính trị bao gồm những quan chức, “ông nghị” như thế. Bộ mặt của hệ thống này sẽ ra sao.

Nghe câu chuyện này chợt nhớ, khi nàng Kiều bị chàng họ Sở lừa đảo rủ nàng đi trốn, nhưng là để lập mưu hại Kiều phải vào chốn lầu xanh. Khi Kiều đã bị bắt trở lại và Tú Bà hành hạ, Sở Khanh còn nhơn nhơn chối tội đã bày mưu hại Kiều rồi còn hùng hổ xông vào định ra tay trấn áp. Thế nhưng khi bằng chứng được Kiều đưa ra “Còn tiên tích việt ở tay” thì lão đã phải muối mặt mà chuồn. Bởi lão là kẻ: “Nói lời rồi lại ăn lời được ngay”.

Chợt nghĩ: Lẽ nào một con người như Sở Khanh – “bạc tình nổi tiếng lầu xanh, một tay chôn biết mấy cành phù dung”, mà vẫn biết “kiếm đường tháo lui” khi bị “Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương”. Lẽ nào nhân cách của quan chức của “đảng cộng sản, là đạo đức, là vinh quang” ngày nay không thể bằng một đứa ăn bám trên nghề nuôi gái của Tú Bà ngày xưa?

Đó là chưa nói rằng với một thể chế cộng sản mà quan chức tự nhận là đầy tớ trung thành, tận tụy của người dân. Nhưng khi tên đầy tớ to nhất lại đi lật lọng với ông chủ cách công khai, thì đó là tình trạng nào?

Và vì thế, việc chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung bất nhất trong vụ việc Đồng Tâm, với góc độ nào cũng không thể chấp nhận, dù với tư cách cá nhân hay tư cách của một quan chức, càng không nói đến tư cách của một vị tướng.

(Còn nữa)

Hà Nội, Ngày 22/6/2017

Nguồn: nguyenhuuvinh’s blog

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux