Nghĩa đen của “No man’s land”, tít bài của The Economist, là “đất chẳng của ai”. Ban đầu cụm từ này được người Anh dùng để chỉ những phần đất đang có tranh chấp về sở hữu. Vì không thể xác định rõ ai là người sở hữu nên đất thường cũng chẳng ai ở, bỏ hoang.
Do vậy và sau đó, “no man’s land” được dùng nhiều hơn để chỉ đất không người, đất bỏ hoang. Cho đến Thế chiến thứ I, khi “no man’s land” được dùng để chỉ phần đất trên chiến trường nằm giữa các chiến hào của các bên đang đánh nhau. Trừ những trận đá bóng đêm Giáng sinh nổi tiếng năm 1914, có lẽ ít người lính nào dám một mình đi ra những phần đất đầy vết bom lỗ đạn đó.
Dùng “no man’s land” trong bối cảnh vụ Đồng Tâm rõ là không hợp nghĩa đen, đất nước Việt Nam đã hòa bình, đất xã Đồng Tâm dân Đồng Tâm vẫn ở, có bỏ hoang đâu.
Vả lại, đất đai ở Việt Nam là do… nhà nước thay mặt toàn dân Việt Nam sở hữu, thể theo Điều 53 – Hiến pháp 2013. Vậy, bảo “đất chẳng của ai” khác gì nói điêu, xuyên tạc tình hình trong nước? Đúng là bọn báo chí nước ngoài!
Ủa hay là mấy tay nhà báo tinh quái của The Economist có ý dùng một nghĩa bóng nào đó của “no man’s land”?
Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ thường được gán nhầm cho triết gia Hy Lạp Aristotle, “A friend to all is a friend to none”, nghĩa là kẻ làm bạn với tất cả mọi người thì sẽ chẳng là bạn của ai cả.
Thủ tướng Anh (trong tương lai gần) Theresa May chắc cũng có ý tương tự, khi bà phát biểu về khái niệm công dân, “Nếu bạn tin rằng bạn là công dân của thế giới, bạn sẽ chẳng là công dân của nơi nào cả.”
Giống như tình bạn, hay phần nào đó là khái niệm công dân, có một vài thứ, một vài khái niệm trong cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn mất đi ý nghĩa của nó nếu nó bị đem ra chia năm nghìn sẻ bảy triệu, “xã hội hóa” quá đà.
Phải chăng trong bài viết trên mấy tay nhà báo The Economist, từ cái nhìn triết lý tư bản cổ điển nhấn mạnh sở hữu tư nhân của họ, đang có ý phê phán triết lý công hữu, sở hữu tập thể của Việt Nam: everyman’s land is no man’s land, đất của toàn dân thì chẳng là đất của người dân nào cả?
Mấu chốt của tranh chấp đất đai ở Việt Nam cuối cùng vẫn là sự nhập nhằng không chịu chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai của chính quyền Việt Nam?
Một số chuyên gia như nhà kinh tế Huỳnh Thế Du không đồng ý với nhận định trên. Tuy nhiên, bất kể mấu chốt của tranh chấp đất đai là gì, việc tìm ra mấu chốt đó sẽ còn khó mà diễn ra chừng nào chính quyền Việt Nam vẫn tìm cách giới hạn các tranh luận nhiều chiều về vấn đề quyền sở hữu đất đai của Việt Nam, như nhà nghiên cứu Lê Toàn của trường đại học Monash (Úc) đã cho thấy trong một nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Transformation on this scale would provoke ire anywhere, but it is especially problematic in Vietnam, a one-party state where the government grants usage-rights but insists all land belongs to the state.”
“[Việc đô thị hóa] ở mức độ này có thể gây ra giận dữ ở bất kỳ đâu, nhưng nó đặc biệt khó giải quyết tại Việt Nam, một quốc gia độc đảng nơi chính phủ ban phát quyền sử dụng đất nhưng khăng khăng là toàn bộ đất đai thuộc sở hữu quốc gia.”
Tuy có phê bình là Luật Đất đai Việt Nam 2013 vẫn chưa công nhận quyền sở hữu tư nhân với đất đai, The Economist vẫn công nhận là thông qua luật này chính quyền đã có những nỗ lực nhất định để giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai ở Việt Nam.
“A new land law passed in 2013 failed to recognise private ownership but did extend by 50 years a slew of leases that were about to expire. It re-centralised some decision-making over land use (in part to restrain corrupt provincial officials) and required party bigwigs to use stricter tests when evaluating projects that would require mass displacements. It also gave officials more discretion over compensation, to allow more generous settlements.”
“Một luật đất đai mới được ban hành năm 2013 không công nhận sở hữu tư nhân nhưng đã gia hạn thêm 50 năm cho một nhóm các hợp đồng thuê đất vốn đã gần hết hạn. Luật cũng đưa trở lại cho chính quyền trung ương một số quyền quyết định về sử dụng đất (một phần để hạn chế các quan chức địa phương tham nhũng) và đòi hỏi các quan chức đảng phải dùng các phép thử nghiêm khắc hơn trong việc đánh giá các dự án cần di dời tập thể. Luật cũng cho quan chức nhiều quyền quyết định hơn liên quan đến việc bồi thường, tạo điều kiện cho các dàn xếp hào phóng hơn.”
Tuy nhiên, theo The Economist, các nỗ lực có phần chắp vá này của chính quyền Việt Nam chỉ mang lại các “kết quả hỗn hợp” (“mixed results”), thành công có mà thất bại… vẫn có. Điều này thể hiện phần nào qua thực tế là các tranh chấp đất đai như vụ Đồng Tâm diễn ra hồi tháng 4 năm nay và đã ồn ào trở lại trong dư luận sau quyết định khởi tố vụ án hôm 13 tháng 6 vừa qua.
Nhắc đến quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm, các nhà báo The Economist đã viết một dòng có lẽ sẽ làm một số người sành luật Việt Nam phải nhíu mày:
“Campaigners lambasted what looked like a U-turn on June 13th, when police announced that they would, after all, mount cases against some of Dong Tam’s residents.”
“Các nhà hoạt động xỉ vả một hành vi trông có vẻ là một sự quay đầu 180 độ [của chính quyền] vào hôm 13 tháng 6 khi công an tuyên bố cuối cùng thì họ cũng sẽ tiến hành truy tố một số người dân Đồng Tâm.”
Cụm động từ “mount case against” ở đây khá khó dịch: mount (đặt, lắp, thiết lập, dựng lên v.v.) đi kèm case against (vụ việc, việc kiện tụng). Dịch không cẩn thận lại thành ra chính phủ Việt Nam “dựng chuyện”, “làm án”, “gây án”… thì oan cho chính phủ Việt Nam quá!
Như một nhóm không nhỏ các nhân vật có tiếng ở Việt Nam sẽ sẵn sàng chỉ ra cho các nhà báo The Economist, “khởi tố vụ án” không đồng nghĩa với “khởi tố bị can”:
“…[t]heo Bộ luật tố tụng hình sự, khi xảy ra việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, đầu tiên cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án. Quá trình điều tra, tùy thuộc việc phát hiện hành vi cấu thành tội phạm hay không, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc tiếp tục khởi tố bị can. Sự việc ở Đồng Tâm “mới chỉ ở bước đầu vụ án””.
Tuy nhiên, đoạn kết luận của The Economist cho thấy họ cũng có phần sắc sảo khi nhìn vào thực tế xử lý vụ việc của chính quyền Việt Nam:
“One theory in the capital is that the courts will pass relatively lenient sentences, and that some kind of quiet compromise will be found to save face. But even if the government finds a fudge for the dispute in Dong Tam, lots more farmland will be paved over before Vietnam’s galloping urbanisation runs its course. Expect more battles to come.”
“Một lý thuyết/khả năng/kịch bản tại thủ đô là các tòa án sẽ tuyên một số án tương đối nhẹ, và một dạng thỏa hiệp im ắng nào đó sẽ được dùng để giữ mặt mũi. Nhưng cho dù chính quyền có tìm được cách né vụ tranh chấp ở Đồng Tâm, còn nhiều đất ruộng nữa sẽ bị san lấp trước khi Việt Nam kết thúc quá trình đô thị hóa vội vã của họ. Còn nhiều trận đánh nữa sẽ tới.”
Vâng, sẽ còn nhiều trận đánh.
Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí
Leave a Comment