Ngày 3 Tháng 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Trung ương 5 về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, mục tiêu đề ra cho đến năm 2030. Lập tức Bộ trưởng Bộ 4T, đồng thời là Phó ban Tuyên giáo Trung ương hào hứng chớp lấy để thuyết giảng về “sức thuyết phục của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Quan điểm của ông Trương Minh Tuấn đưa ra thật chắc như một người đã nhìn thấy và nắm được xã hội chủ nghĩa trong tay. Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân, ông bộ trưởng kiêm nghề tuyên giáo cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những “phát triển ngoạn mục” cho đất nước.
Những bước phát triển ngoạn mục ấy là những bước nào và nó ngoạn mục ra sao, ông bộ trưởng không nói ra. Nhưng sự thuyết giảng vòng vo để biện minh cho cái đuôi xã hội chủ nghĩa làm cho người đọc cảm thấy ông đang “nổ sảng”. Nổ sảng chính là điều ngoạn mục thường thấy nơi các nhà lãnh đạo cộng sản trước các chính sách quan trọng liên quan đến đời sống người dân mà họ chưa bao giờ vói tới. Hay nói khác đi đây là căn bệnh của ngành tuyên giáo; vì mới đây không lâu trưởng ban Võ Văn Thưởng đã châm ngòi cho vụ nổ “đối thoại” thì nay đến phiên Trương Minh Tuấn nổ về sự thuyết phục của định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Tuấn không biết vô tình hay cố ý đã nói ngược lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Vậy sức thuyết phục của thứ chưa hoàn thiện trong cả một thế kỷ ấy có đáng thuyết phục hay chỉ là sự vẽ vời?
Cũng có thể đây là tình trạng điên loạn về chữ nghĩa của ban tuyên giáo đảng trong thời kỳ mà đảng bế tắc về lý luận, mò mẫm tìm lối thoát. Vì cho đến thế kỷ này ông Tuấn vẫn khăng khăng cho rằng “Chủ nghĩa xã hội không phải một giáo điều xơ cứng mà chính là nhu cầu của cuộc sống”. Ông bỏ qua một thực tế ở ngay một nước đầu đàn của “khối 13 nước xã hội chủ nghĩa anh em” lại là nước từ bỏ trước nhất cái mô hình xã hội mà ngày nay bị đánh giá là hoang tưởng. Ông Tuấn còn đi xa hơn nữa trong sự “nổ sảng” của mình khi gán cho Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã đưa ra tư tưởng về kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ông Tuấn không khác những lãnh đạo đầu sỏ cộng sản thường tự hào và khoe khoang một cách lố bịch chung quanh chính sách gọi là “đổi mới” của đảng cộng sản từ 30 năm trước. Sự thực đây chỉ là một bước tháo lùi của chính sách độc quyền kinh tế để cứu vãn phần nào sự sụp đổ được báo trước.
Trung thành với chủ nghĩa Mác ngay từ những ngày mới tiếp thu Hà Nội năm 1955, Miền Bắc thực hiện kinh tế chỉ huy, áp dụng hình thức kinh tế bao cấp trong toàn bộ đời sống xã hội. Sau năm 1975 những nền tảng kinh tế tư bản mới phôi thai của Miền Nam trong chiến tranh lập tức bị quét sạch nhường chỗ cho chế độ bao cấp trên toàn quốc. Đó là nguyên do đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn nghèo đói, nhưng cuối cùng được cứu vãn bằng những thay đổi cấp bách từ kinh tế thị trường. Do đó nó chỉ có tính cách trở lại con đường cũ mà người khác đã đi qua và thành công.
Sau năm 1986, chính sách đổi mới ấy chỉ là áp dụng một vài bài học kinh tế tư bản nhập môn và trên thực tế nó đã đưa đất nước hồi sinh sau những cơn sống dở chết dở bởi sự ngăn sông cấm chợ, con đẻ của kinh tế chỉ huy không lối thoát. Điều khôi hài là sau này một vài lãnh đạo cộng sản thời kỳ học lóm ấy lại được đàn em ca ngợi hết lời là nhà cải cách kiệt xuất!
Phải nói một cách thành thực, tất cả những gì gọi là thành công trong 30 năm qua hoàn toàn là kết quả của kinh tế thị trường mà không hề là do tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa tạo ra. Trong khi kinh tế thị trường thúc đẩy kinh tế trổi dậy mạnh mẽ làm thay đổi mọi mặt đời sống thì “định hướng xã hội chủ nghĩa” là động lực đen tối kéo lùi kinh tế đất nước, ngăn nó không thể tiếp tục tiến lên sau những khởi sắc bước đầu. Chính ông Tuấn cũng phải thừa nhận rằng “yếu tố quan trọng nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường của chúng ta là vai trò lãnh đạo của Đảng”. Nói khác đi nó giữ vai trò hiện diện của chính trị độc quyền trong nền kinh tế cho dù đảng vẫn hô hào cải cách.
Suốt một thời gian dài, các nhà hoạch định chính sách kinh tế lúc nào cũng hãnh diện về vai trò chủ đạo của khối kinh tế quốc doanh. Tình trạng ấy tạo một sân chơi rộng lớn đầy ưu đãi cho các thế lực kinh tế trong và ngoài đảng tha hồ làm mưa làm gió, lấy kinh doanh thua lỗ làm thước đo sự thành công của các nhóm lợi ích. Thế nhưng ngày nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đòi hoàn thiện “thể chế kinh tế thị trường” mà chính ông cũng ngờ vực về tính hiện thực của nó. Điều này còn thể hiện rõ qua bài phát biểu của nguyên Bộ trưởng Đầu tư & Kế hoạch Bùi Quang Vinh trong cuộc hội thảo về xã hội chủ nghĩa vào năm 2016: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”, đã không hề làm thức tỉnh những người trong bộ máy cầm quyền mà đầu óc đang đông đặc bởi một mớ lý thuyết lỗi thời.
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Leave a Comment