‘Kinh tế thị trường định hướng XHCN:’ Đảng ngáng chân chính phủ

Phạm Chí Dũng - Người Việt

- Quảng Cáo -
Vẫn khư khư ôm ấp

Một hiện tượng truyền thông đáng chú ý là từ sau hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu Tháng Năm, cho đến nay chỉ rất ít tờ báo nhà nước còn đả động đến “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Mà có nhắc đến, cũng như thể chiếu lệ, cho có. “Tổng bí thư tháp ngà” muốn kiên định giữ vững chủ nghĩa xã hội, đó là chuyện riêng của ông. Nhưng rõ là đã chẳng có bất kỳ thay đổi nào theo hướng đỡ giáo điều, bảo thủ và phi thực tế hơn.

Bằng chứng lộ diện nhất là khi đối chiếu giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách, nhưng lại hoạt động quá tệ. Ít nhất 30% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối này chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội. Gần như ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 1/3 tài sản, chẳng mấy được ưu đãi về tín dụng và chỉ có thể “hớt cặn” vốn ODA, lại còn bị phân biệt đối xử đủ đường, nhưng lại tạo ra đến 2/3 tổng sản phẩm xã hội.

Nhưng đến năm 2017, khi hơi thở khủng hoảng toàn diện đang phả hầm hập vào gáy chế độ, nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn khư khư ôm ấp doanh nghiệp nhà nước cùng vai trò chủ đạo của nó, trong lúc chỉ hé miệng đôi chút về “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.”

- Quảng Cáo -

Bài viết của tác giả Vũ Ngọc Hoàng về vai trò then chốt của kinh tế tư nhân bị gỡ khỏi báo điện tử Vietnamnet, trùng với thời gian diễn ra của hội nghị trung ương 5, cho thấy chủ nghĩa bảo thủ vẫn đang trì độn đến thế nào. Đáng chú ý, ông Hoàng lại là người từng công tác tại Tạp Chí Cộng sản với ông Nguyễn Phú Trọng, từng là phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương và được xem là người gần gũi với ông Trọng về ý thức hệ lẫn quan điểm chính trị.

Trước đại hội 12 và sau đại hội này, ông Hoàng đã “hiến dâng” cho Tổng Bí Thư Trọng một loạt bài, cũng trên trang Vietnamnet nhưng không bị gỡ, về chủ đề “chống nhóm lợi ích” và “kiểm soát quyền lực.”

Nhưng vào đầu năm 2017, khi ông Vũ Ngọc Hoàng bắt đầu mang hơi hướng “cải cách” và có vẻ xa rời lý thuyết chủ nghĩa xã hội, tuổi thọ những bài viết của ông lập tức trở nên ngắn ngủi thấy rõ.

“Có thứ đó đâu mà tìm”

Thực ra, ông Hoàng chỉ là một trường hợp dè dặt, quá dè dặt về nhận thức lại những gì đáng bị xét lại. Vào giữa năm 2015, Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh trở thành một trong số những người dám nói thẳng ngay trong một cuộc tập huấn chính trị “có thứ đó đâu mà tìm,” khi ông được học viên hỏi về tương lai của chủ nghĩa xã hội.

Nửa cuối 2015 là là thời gian mà lần đầu tiên ngân sách quốc gia rơi vào cảnh tán loạn. Không bao lâu sau khi trực chỉ “không tìm thấy chủ nghĩa xã hội,” Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh lại giáng một đòn choáng váng đối với đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức với tiết lộ “ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì.”

Chủ nghĩa xã hội của Tổng Bí Thư Trọng đang “bất diệt” như thế đó. Sau một thời gian dài để mặc quốc nạn tham nhũng tàn phá xã hội, cuối cùng mọi chuyện đã tồi tệ đến mức nợ công quốc gia lên đến 210% GDP (khoảng $420 tỷ), cùng lời tán thán của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm 2017 về “sụp đổ tài khóa quốc gia.”

Năm 2017 lại là năm thật ấn tượng, không chỉ bởi vụ kỷ luật một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, mà hơn cả là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm khiến lần đầu tiên đảng phải chịu hạ mình viết cam kết trước những người nông dân chỉ chực chờ “nổi loạn.” Cũng là lần đầu tiên, đảng phải ngỏ lời về một khả năng “sẽ đối thoại với những người khác biệt về quan điểm” với đề án cụ thể chứ không phải đầu môi chót lưỡi như trước đây.

Đến lúc này, ngay cả những tờ báo tỏ ra chuyên chính nhất như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân cũng không còn quá mặn mà với điệp khúc “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Đảng ngáng chân chính phủ

Thế nhưng, cứ sau mỗi hội nghị trung ương, tất cả quan chức lại phải cắp cặp đi “học nghị quyết.” Cái nghị quyết về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn sờ sờ ra đó mà không cách nào tẩy xóa được.

Song thật tréo ngoe, trong tất cả các định chế về vay mượn tín dụng trên thương trường quốc tế, lại hoàn toàn không có một nội dung nào đề cập hoặc chấp nhận “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” mà chỉ là kinh tế thị trường…

Việt Nam lại là quốc gia tỏ ra hăng hái với kinh tế thị trường, trên đầu môi chót lưỡi, đặc biệt khi cần phải “vác rá xin viện trợ.”

Từ năm 2013, những chuyến đi Mỹ của các nhân vật như ông Trương Tấn Sang – khi đó còn là chủ tịch nước, và ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là thủ tướng, vẫn một mực đề nghị “Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.” Không hề có tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn kèm cửa miệng.

Đó là thói khôn vặt của giới chính khách Việt! Khi cần tỏ ra kiên định thì luôn “chua” tính từ trên vào bất cứ khẩu hiệu nào. Nhưng để đối ngoại thì lại giấu kín vào túi quần.

Nhưng bây giờ, mọi chuyện không còn dễ lập lờ như trước. Từ Tháng Bảy, các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã thống nhất Việt Nam sẽ phải vay tín dụng với những điều kiện không còn ưu đãi như trước, nghĩa là với mặt bằng lãi suất sẽ tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa. Còn muốn có được một phần vay ưu đãi thì Việt Nam phải dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.

“Đúng nghĩa” có nghĩa là phải minh bạch, công bằng, chống tham nhũng… như những tiêu chí của kinh tế thị trường mà quốc tế quy định. Nhưng về tất cả nhũng mặt này, Việt Nam vẫn luôn là “điển hình tiên tiến” trên thế giới khi nằm trong nhóm hàng đầu về tham nhũng và chót bảng về độ minh bạch.

Ngay trước mắt, trong khi các cánh cửa cho vay đang dần khép chặt trước mũi giới chóp bu Việt Nam, bản nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Tổng Bí Thư Trọng được ban hành thành văn bản đang thực sự ngáng chân chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Phúc sẽ làm thế nào để trả lời câu hỏi “làm thế nào để một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được vay vốn và quan hệ thương mại song phương?” của các tổ chức tài chính quốc tế?

Mà không vay được tiền thì lấy cái gì để nuôi cái đảng sắp hết sạch tiền này?

Chứng quả đã lộ diện ngay trong chuyến đi Mỹ cuối Tháng Năm của Thủ Tướng Phúc, tại cuộc gặp giữa ông với Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Mỹ Wilbur Ross, khi hai bên nhắc lại “Khởi động lại cơ chế trao đổi về quy chế thị trường cho Việt Nam.”

Sau nhiều năm, mọi việc lại trở về điểm xuất phát zero…

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

  1. Chiếc bánh xhcn do mác nghĩ ra làm cho làm chonhiều nước tìm kiếmmà ko sao tìm đượccuộc tìm kiếm hao người tốn của làm nản lòng người các nước đông âu đã bỏ nó nay còn số ít còn mơ hồ tìm nó hay cố giữ nó để duy trì hệ thống vốn dĩ đãngày càng bộclộ yếu kém?

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here