Trong mùa bầu cử TT Mỹ năm ngoái, báo chí nhà nước CS chẳng những theo dõi, tường thuật mà còn sôi nổi bình luận, ủng hộ bên này, chống đối bên kia nhiều khi còn hăng say, nhiệt tình hơn cả công dân Mỹ.
Những phân tích, bình luận của các “nhà báo” Việt Nam không phải vì ứng cử viên nào thắng sẽ có lợi hay gây bất lợi cho Việt Nam mà chỉ nhắm vào việc thỏa mãn tính tò mò của người đọc.
Đối với họ, bầu cử ở Mỹ hồi hộp và gay cấn như một trận bóng trong giải vô địch của các liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp ở Châu Âu chứ không phải là quyền rất thiêng liêng của mỗi con người mà ai cũng có.
Tuần này cũng thế. Các báo Việt Nam tường thuật khá chi tiết diễn tiến cuộc bầu cử địa phương tại Campuchia, một nước từng nghèo nàn, chậm tiến hơn Việt Nam trên nhiều lãnh vực. Lần đầu tiên sau 30 năm, vị trí của Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia của ông ta bị đe dọa.
Hun Sen, nguyên là trung đoàn phó của một đơn vị Khmer Đỏ đào thoát theo CS Việt Nam. Sau một thời gian dài núp dưới bóng CSVN, những năm vừa qua Hun Sen đã nghiêng về phía Trung Cộng. Lý do, nếu kinh tế Campuchia không phát triển, đảng Cứu Quốc Campuchia sẽ chiếm lấy quyền lãnh đạo đất nước.
Theo kết quả bầu cử mới nhất, tại các địa phương xa, đảng Nhân Dân Campuchia vẫn còn chiếm đa số nhưng tại các trung tâm du lịch và cả thủ đô Nam Vang, đảng Cứu Quốc Campuchia đang thắng thế. Một hình thức lưỡng đảng đang hình thành tại Campuchia. Cuộc bầu cử quốc hội năm tới chắc sẽ rất hấp dẫn. Ai thắng ai thua chưa biết nhưng cạnh tranh dân chủ tương xứng đã bắt đầu. Những bông hoa dân chủ đang mọc lên trên những Cánh đồng Chết (The Killing Fields) Campuchia. Mừng cho dân tộc này.
Nếu thế kỷ 19 là thế kỷ của thuộc địa bóc lột, thế kỷ 20 là thế kỷ của thế giới chiến tranh và độc tài Cộng Sản, thế kỷ 21 đang chứng minh là thế kỷ của dân chủ và phát triển toàn diện trên phạm vi toàn cầu. Hành trình hướng đến một tương lai tươi sáng đang được hầu hết các dân tộc trên thế giới hăng say phát động.
Dân chủ đối với đa số nhân loại không còn là khát vọng mà là một thực tế, không còn là ước mơ mà là hành động, không còn là một mục tiêu khai phá mà là một tiến trình không thể đảo ngược. Từ Botswana, Ghana ở châu Phi cho đến Mông Cổ, Campuchia ở châu Á, con người đang sống ra người.
Việt Nam thì sao?
Đối với một số không nhỏ người Việt trong nước, chuyện ứng cử hay bầu cử là chuyện nước ngoài.
Với họ, sự có mặt của đảng CS tại nước Việt Nam cũng chẳng khác gì thời tiết. Con người chỉ có thể xoay xở để sống quanh năm nhưng không thể nào thay đổi được nắng mưa. Họ vui khi hoa mai nở vào xuân và cắn răng chấp nhận cái rét căm căm khi mùa đông đến.
Bộ máy tuyên truyền và bạo lực chuyên chính CS đã xoay ngược kim đồng hồ nhận thức của họ lui lại thời phong kiến ngày xưa, xa đến mức chấp nhận chế độ đang cai trị mình như số phận an bày.
Hôm trước đọc một số nhận xét trên các trang mạng về chuyện ai sẽ là bí thư Sài Gòn thay thế Đinh La Thăng mà không khỏi cảm thấy tội nghiệp cho trình độ nhận thức chính trị của một số người.
Những người này bất bình khi nghe tin Tòng Thị Phóng được Nguyễn Phú Trọng đề nghị thay thế Đinh La Thăng và sau đó thở dài nhẹ nhõm khi nghe tin Nguyễn Thiện Nhân lên thay. Lý do, Nguyễn Thiện Nhân mặt mày sáng sủa, đẹp trai trong khi Tòng Thị Phóng mặt mày xấu xí, giống sinh vật này, động vật kia. Họ không biết dù Tòng Thị Phóng hay Nguyễn Thiện Nhân họ vẫn phải sống trong cái rọ CS của ngày hôm qua và sẽ tiếp tục sống cho tới đời con cháu.
Nhưng không phải ai cũng sống theo chủ nghĩa số phận như lớp người tệ hại vừa nêu.
Rất đông người Việt nhận thức được hiểm họa Trung Cộng không chỉ ngoài biển Đông mà cả trong đất liền, ý thức được sự cấp bách phải thay đổi cơ chế chính trị, căm giận tập đoàn cầm quyền bán nước hại dân, đau xót cho một dân tộc có truyền thống hào hùng đã phải chìm sâu trong độc tài nô lệ. Vâng, nhưng tiếc thay thành phần dân tộc có nhận thức đúng này lại cũng đang im lặng.
Đồng bào ơi, im lặng đến bao giờ?
Leave a Comment