Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Mỹ đã có bản ký kết lên đến 10 tỷ USD. Các báo chính thống đồng loạt chạy tin “Ký các hợp đồng thương mại 10 tỷ USD”. Một số báo miêu tả hợp đồng này mang tính thương mại, nhưng một số báo khác như Tuổi Trẻ cẩn trọng hơn khi ghi rõ “20 hợp đồng và văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước được trao đổi với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD”, trong đó Vietjet chiếm 7,4 tỷ USD – nhưng trong đó 1 tỷ USD là bản “ghi nhớ hợp đồng”.
Trên trang web của Nhà Trắng của đăng tải tuyên bố chung, trong đó khẳng định “hai bên hoan nghênh việc công bố hơn 8 tỷ USD trong giao dịch thương mại mới.” Có nghĩa so với 10 tỷ USD thương mại mà Việt Nam công bố thì hụt 2 tỷ USD.
Vì sao có sự chênh lệch này?
Lý do là vì phía Việt Nam và Mỹ ký kết nhiều bản, nhưng trong đó ngoài “hợp đồng” (contract) có tính ràng buộc về mặt pháp lý thì còn có cả “bản ghi nhớ” (Memorandum of Understanding – MoU).
Vậy sự khác nhau giữa bản ghi nhớ và hợp đồng là gì?
Một hợp đồng là một thỏa thuận hiệu lực pháp luật giữa hai hoặc nhiều bên và mỗi bên phải có bổn phận phải làm (hoặc không làm). Văn bản này có hiệu lực pháp luật, do đó nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì Tòa án sẽ vào cuộc.
Bản ghi nhớ cũng là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên, tuy nhiên tính chất của nó là không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, không có việc bắt buộc đối tác phải có nghĩa vụ thực thi. Hiểu nôm na, đây đơn thuần chỉ là một bước đi cho thấy “thảm đỏ đầu tư” đến mức nào, để có thể tiền đề đi đến hợp đồng. Tại Mỹ, các doanh nghiệp không phụ thuộc vào chính trị, nên dù biên bản ghi nhớ được ký kết trong dịp Thủ tướng nước bạn sang thăm, thì nó cũng chỉ là câu chuyện mời chào không hơn không kém.
Đó là vì sao bạn của Luật sư Lê Công Định cho biết, trong đợt thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu “một tập đoàn nhà nước của VN phải ký kết một MOU (Bản ghi nhớ) mua bán hàng hoá với tập đoàn mà bạn ấy đang làm việc để chuyến đi có vẻ thành công về thương mại.”
⇒ Hội đàm Trump – Phúc: Được gì và mất gì?
Vấn đề là đôi khi các nhà lãnh đạo của ta hoặc báo chí chính thống lại thường “quy kết” hợp đồng và bản ghi nhớ làm một, và gây ra nhiều nhầm lẫn.
Kế tiếp đó, con số 8 tỷ USD thương mại thực tế được “ký kết” nhân chuyến thăm thì có 5 tỷ USD là con số nằm trong thỏa thuận năm ngoái, theo một thông tin trên VOA. Như vậy, con số chính xác trong chuyến thăm của ông Thủ tướng là 3 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng mà báo chí chính thống “tung hô”. Và càng thấp hơn nữa so với con số 12 tỷ USD mà ông Nguyễn Xuân Phúc vui vẻ trong đổi với các “đồng chí” trong phiên họp Thủ tướng ngay sau khi trở về Việt Nam.
Nhưng qua đây, cũng có thấy một sự cố gắng rất nhiều từ phía chính quyền Việt Nam, nhằm “lấy lòng” Mỹ, tạo sự vận động trong nền kinh tế – vốn bê bét sau khi kết thúc những quả đấm thép. Đồng thời, cũng cho thấy sự thiếu trung thực của chính quyền Cộng sản khi đề cập đến một con số kinh tế bất kỳ.
Ngoài ký kết thương mại ra, thì hai bên “cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương”, tuy nhiên, lại trên cơ sở 2 bản ghi nhớ không có tính ràng buộc trước đó (Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.)
Điều đó cho thấy rằng, chuyến đi này, hãng hàng không tư nhân Vietjet đã cứu được danh dự cho Thủ tướng với số tiền lên đến 2/3 tổng giá trị thương mại ký kết. Nhưng quốc phòng bị xếp xó, trong khi mục đích kêu gọi công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ không đạt được, con số ký kết thương mại bị “khai vống” lên – thì liệu rằng chuyến đi này thực sự thành công?
Kỳ Lâm – Việt Nam Thời Báo (www.ijavn.org)
Leave a Comment