Vụ nổ lò cao của Formosa ở Hà Tĩnh tối ngày 30/05 lại vừa đánh dấu sự chia rẽ chưa từng có trong lịch sử báo chí dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Tựa đề “Cả một vùng ở Hà Tĩnh rung chuyển” do báo Thanh niên đặt cho clip quay cảnh nổ ở lò cao có nguy cơ làm ông tổng báo này lên bàn mổ của tuyên giáo.
Cái tựa đề “Cả một vùng ở Hà Tĩnh rung chuyển” đang bị thành phần quá khích chỉ trích. Lý do thì đại loại là Thanh niên đặt tựa như thế gây hoang mang dư luận. Những trang của Dư luận viên lao vào chửi báo Thanh niên như thể báo này kích động quần chúng. Tuy nhiên, tựa đề của báo Thanh kể lại sự việc rõ ràng rằng một vùng ở Hà Tĩnh rung chuyển, nay cả nước ai ai cũng đều biết. Rõ ràng đất đai và bầu khí đã rung chuyển, một vùng như vậy. Thanh Niên không nói là một vùng có diện tích bao nhiêu, do đó tựa đề của báo Thanh niên là không sai. Những kẻ tố cáo báo Thanh niên không có lô-gic, muốn buộc tội báo Thanh niên nhưng cũng khó, những bài viết hạ cấp đều không có ký tên.
Cuộc chiến giữa hung thần Formosa và nhân dân miền Trung Việt Nam đang bước vào hồi kịch tính. Rất nhiều người ví miền Trung thời điểm hiện tại giống như một chảo lửa, sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào. Đảng Cộng sản Việt Nam muốn giữ lại Formosa, nhưng không dám ra một tuyên bố rõ ràng bằng văn bản là giữ hay không giữ. Tứ trụ triều đình, bao gồm Tổng bí thư đảng cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội đều không ai dám hé răng để một lời dứt khoát về Formosa. Nếu nói ủng hộ Formosa thì ngay lập tức sẽ bị cả dân tộc nguyền rủa, nhẹ thì trở thành nạn nhân của biểu tình đòi sa thải đích danh cá nhân, nặng thì trở thành đối tượng thí thân của thời đại. Còn nếu một vị lên tiếng đòi đuổi Formosa thì rất có thể, vị đó sẽ bị các đồng chí “xử đẹp”, vì đảng giờ đây đã không ai còn lý tưởng phù dân cứu nước như xưa. Làm gì nói gì bây giờ cũng rất nguy hiểm.
Biết là dân phản đối hành động bảo kê cho Formosa khắp cả nước, Đảng vẫn ra sức dùng truyền thông để nói tránh nói giảm một thảm họa mà do một phần rất lớn vào “công lao” của Đảng. Các báo được Đảng, mà cụ thể là cơ quan tuyên giáo, quán triệt kỹ để không đưa những tin nhạy cảm về môi trường. Nhưng các báo không hiểu sao trên bảo dưới không nghe, cứ dăm bữa nửa tháng lại đăng lên một tin bất lợi. Khi thì biển sạch rồi, cá ăn được rồi, khi thì biển đã chết, cá không ăn được, báo chí quốc doanh đưa tin theo ý Đảng tức là đã vạch mặt Đảng là đảng nói dối. Nguyên nhân là do Đảng không nói thật, không có định hướng báo chí rõ ràng, quan điểm của Đảng đối với báo chí là quan điểm giằng hai: vừa bảo báo chí hãy đưa sự thật, vừa bảo báo chí hãy đưa theo lời Đảng. Cuối cùng chẳng được gì trong hai mục tiêu đó: dân không mua báo in do nhà nước cấp nữa, bảo là báo nói dối, mà báo chí cũng không nghe lời đảng nữa, cứ chốc chốc lại đưa một tin về thảm họa môi trường. Đảng ra lệnh gỡ, tòa soạn quốc doanh gỡ, nhưng nhân dân đã kịp sao chép và phát tán.
Có một cách giải thích khác nữa, đó là sức ép cạnh tranh khắc nghiệt của ngành báo chí. Nếu cho đăng bài muộn, tờ báo còn gì là tin tức, ai mà thèm đọc? Thời đại công nghệ, anh xe ôm hay chị bán trà đá cũng muốn xem thấy báo nào đăng tin sớm nhất, chậm một giờ hai giờ đã là lạc hậu. Các ông tổng biên tập hiểu quy luật cạnh tranh khắc nghiệt này, nên đôi lúc cũng không kìm được máu nghề nghiệp mà lệnh cho nhân viên đăng bài sớm. Tưởng là không sao đâu, ai ngờ ông tổng báo Thanh niên hứng ngay thảm họa truyền thông. Nghĩ cho cùng, cũng chỉ vì ông ta lỡ chọn đứng nhầm bờ sông.
Link Clip của báo Thanh niên đã bị buộc phải gỡ bỏ:
Nguồn: VNTB
Leave a Comment