Mặc dù ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xin lỗi và cho rút lại việc cấp phép danh sách 300 bản nhạc kể cả bản Tiến cuân ca mà CSVN hiện đang xử dụng làm quốc ca, nhưng đa số dư luận đều cho rằng đây không phải là một sự “vô ý gây ra hiểu nhầm” mà là cung cách làm việc của những quan chức ngành văn hóa dưới chế độ chuyên chính.
Đây không phải là lần đầu tiên Cục nghệ thuật biểu diễn ra lệnh cấm rồi rút lại sau khi bị dư luận phản đối dữ dội. Gần đây nhất là vào trung tuần tháng 3, 2017 Cục này đột ngột ra văn bản hành chánh cấm 5 bài hát sáng tác trước 1975. Những ca khúc ấy đã được trình diễn và phổ biến rộng rãi trong xã hội. Lý do cấm đưa ra thật khó hiểu và không kém phần mù mờ. Cục ấy nói sau khi đã đối chiếu với bản nhạc gốc và xem lại “ca từ”, Cục phát hiện năm sáng tác trên có nhiều dị bản, tên tác giả, ca từ chưa chính xác vân, vân… Cuối cùng trước những phê phán nặng nề của dư luận, Cục bèn xin lỗi và rút lại lệnh cấm.
Mới đây, có lẽ do thiếu việc làm, ngồi chơi xơi nước hơi nhiều theo nghĩa câu “nhàn cư vi bất thiện”, lần này Cục Nghệ thuật Biểu diễn không kèn không trống biểu diễn một đường gọi là “cập nhật hơn 300 bài hát cách mạng, còn được gọi là nhạc đỏ” trên website của cơ quan này vào hôm 19 tháng 5. Đã gọi là nhạc đỏ tất nhiên có uy thế hơn nhạc vàng, vì chúng được sản sinh trong lòng chế độ, nói khác đi là những đứa con của cách mạng vô sản.
Thế mà giờ đây chúng bỗng bị lôi ra “cập nhật”, một điều mà ai cũng có thể hiểu đây là một hình thức Cục cấp giấy phép thêm cho 300 bài hát này. Tiếu lâm hơn hết bản quốc ca của chế độ cộng sản, bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao cũng nằm trong số những bài hát được Cục cấp giấy phép ngang xương, cho dù nó đã được chế độ dùng hàng ngày nhằm làm mọi người “rưng rưng” khi hát như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2014.
Trước những phản ứng của dư luận, câu chuyện “cấp phép quốc ca” vang lên um sùm trong nước thành một ca khúc tồi hay một chuyện tiếu lâm thời đại. Cũng giống như lần trước, câu chuyện “cấp phép quốc ca” tạm dừng lại sau khi Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương “xin lỗi” và “nhận trách nhiệm trước quốc hội”.
Rõ ra khi một cán bộ nhà nước làm sai và bị người dân phản ứng, cứ nhận trách nhiệm trước quốc hội là xong chuyện, còn trách nhiệm với dân thì bất cần. Đáng lý ra nếu ông Nguyễn Đăng Chương là một Cục trưởng có hiểu biết nhất định, ông sẽ chỉ giữ cương vị của một cơ quan kiểm duyệt, còn cho phép hay không cho phép là quyền của tác giả ca khúc, không phải của chính quyền. Tuy nhiên cũng như hầu hết cán bộ cộng sản thuộc làu câu sai đâu sửa đó, dây thần kinh hỗ thẹn của Cục trưởng Chương đã đứt từ lâu.
Việc hành xử bất nhất của Cục này cho thấy là giới cầm quyền cộng sản còn đeo nặng lối hành động duy ý chí, cứ muốn là làm không cần biết đúng sai do quyền lực vô giới hạn trong tay. Người ta còn nhớ nhiều năm trước đây, do nhắm mắt trước thực tế, những người cầm quyền cộng sản nhất quyết tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa nền kinh tế bằng hàng loạt tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Ý chí không khắc phục được khả năng quản lý kém cỏi, dốt nát nhưng khả năng tham ô vô cùng to lớn của cán bộ lãnh đạo cuối cùng đưa các công ty đến tình trạng sụp đổ dây chuyền là điều không tránh khỏi.
Mặt khác, trong chế độ vẫn còn tồn tại chế độ xin-cho từ lâu đã tạo ra mối quan hệ bất bình đẳng giữa người bị trị và người cai trị. Cũng chính do não trạng xin-cho mới đi đến chuyện buồn cười “quốc ca” đã ghi trong hiến pháp do quốc hội thông qua, thế mà nay Cục lại cấp phép cho hát, tức là đứng trên cả thẩm quyền của quốc hội. Vậy làm sao dân không bảo nhau thực sự đó chỉ là “cuốc hội”, một cơ quan đảng bảo đâu cuốc đó? Đúng là một sự tréo cẳng ngỗng nhưng có lẽ đối với Cục này nhiều lần đã là một sự bình thường, vì Cục chưa biết quyền hạn của mình nằm đâu.
Trong mối liên hệ giữa người dân và chính quyền các cấp, khi mà cán bộ công chức nhà nước còn quen với não trạng xin-cho như Cục Biểu diễn Nghệ thuật , làm sao có thể có sự sự đối thoại công bằng hay tôn trọng sự độc lâp của nghệ thuật. Hay ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương coi sự biểu diễn nghệ thuật giống như chuyện cày bừa nên cần sự chăn dắt tận tình? Xin-Cho chính là con đường từng bước đưa tới nạn tham ô và cường quyền chính trị mà người dân sẽ lãnh đủ cay đắng trong cuộc sống hàng ngày. Thế rồi trước búa rìu dư luận, như một đứa trẻ con làm bậy bị bắt gặp tại trận, một lần nữa Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đã xin lỗi và rút lại giấy phép “cập nhật 300 bài nhạc đỏ”.
Qua những sự việc trên, người ta thấy chừng nào lề lối hành xử xin-cho và bắt nạt trong cơ chế cộng sản còn tồn tại thì ngày ấy còn những rào cản to lớn khiến cho dân chúng không dám mạnh dạn đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình.
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Leave a Comment