Quảng Cáo

Kỷ niệm trong tù về Tù Nhân Lương Tâm Lê Thanh Tùng

Ông Lê Thanh Tùng. Ảnh: Internet

Quảng Cáo

Ngày 26.05.2017, tại Thái Bình, Tòa Phúc thẩm tuyên y án đối với ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng tổng cộng 25 năm tù giam. Ông Trần Anh Kim, 13 năm và ông Lê Thanh Tùng, 12 năm tù về cái gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 của Bộ Luật hình sự. Ngoài ra, mỗi người còn bị quản chế 4 năm ở địa phương.

Trước đây, ông Trần Anh Kim bị kết án 5 năm 6 tháng tù sau khi bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ông Lê Thanh Tùng bị kết án 4 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Kim ra tù mới được 8 tháng, ông Tùng ra tù 6 tháng thì bị bắt lại.

Ông Lê Thanh Tùng và ông Trần Anh Kim tại phiên sơ thẩm ngày 16.12.2016. Ảnh: Vietnamnet

Trong một ngày đầy cảm xúc của phẫn uất đối với thể chế cầm quyền thối nát, nỗi buồn cho cả một dân tộc chịu nhiều thê lương đau khổ, và thương mến cảm phục hai ông Kim và ông Tùng. Trong tôi bung ra những kỷ niệm trong tù mà tôi được ông Lê Thanh Tùng đã giúp đỡ tôi những lúc khó khăn nhất.

Tôi và ông Tùng cùng bị bắt trong một thời gian, nhưng khác vụ án, hồi năm 2012 an ninh bộ công an chuyển tôi lên trại giam Hỏa Lò (Trại giam số 1) nhốt trong buồng giam thâm sơn cùng cốc, không nhìn thấy mặt trời, không thấy con người. Nó là một buồng giam kín nằm ở mặt sau dãy buồng giam K dành cho người nước ngoài.

Tôi bị giam tại đó khoảng 6 tháng. Một quãng thời gian ngục tù cơ cực nhất của những cơ cực. Ít lâu sau, nhờ mấy tù nhân đưa cơm cho biết tin là có ông Tùng cũng bị giam ở Hỏa Lò, cùng dãy K nhưng ở phía trước. Tất nhiên chúng tôi không thể nhìn thấy nhau và cũng chẳng trao đổi được gì cả.

Ông Tùng biết tôi sống trong môi trường thiếu thốn, đói khổ vì không có gia đình thăm nuôi. Bằng nhiều cách thức, ông tìm cách liên lạc với tôi thông qua tù nhân đưa cơm bằng chuyển lời hỏi thăm hay viết trên các mảnh báo rách nát. Dù chỉ là vài từ ngắn ngủi hay vài lời thông chuyển nhưng nó khiến cho tinh thần của chúng tôi mạnh mẽ, vui tươi lên rất nhiều.

Tôi thường xuyên rơi vào tình trạng không có đồ ăn, không có bất cứ một thứ gì đó cho vào cơm để cảm nhận vị mặn, ngọt, chỉ biết nhai cơm thật kỹ cho nó ra cái vị ngọt của bột gạo mà cố gắng nuốt hết chén cơm qua bữa qua ngày. Ăn vậy hoài thấy chán ngán và khô họng, tôi lại đổ nước trắng vào cơm, dầm ra cho nhuyễn rồi cố gắng nuốt, không cảm nhận được bất cứ vị gì.

Ông Tùng thăm gặp gia đình nên có đồ ăn tiếp tế, ông gởi cho tôi lúc thì một gói lạc rang, lúc thì một gói ruốc khô. Có ăn vào cho có chất. Vừa ăn, vừa ngậm để cảm nhận cái vị chát bùi của lạc, cái vị ngọt mặn của ruốc bông mà nước mắt ứa. Niềm vui hay trạng thái cảm xúc đó không phải vì có đồ để ăn mà vì tình cảm ông dành cho tôi, một thứ tình cảm của người chung lý tưởng, chung một niềm tin, chung một con đường.

Đôi khi trong gói lạc hay gói ruốc, có một mẩu giấy bé tí. Trên đó ông viết những lời động viên, khích lệ và những câu Kinh Thánh hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Như vậy là vừa được của ăn vật chất vừa được của ăn tinh thần, tâm linh.

Không chỉ ông đối xử tốt với tôi. Ông Tùng còn dạy tiếng anh, những bài học nhân tình thế thái cho một cậu trẻ bị giam cùng. Tháng cuối ở trại Hỏa Lò, tôi được chuyển về đúng buồng giam của ông Tùng ở mặt trước thoáng đãng, khi đó ông Tùng đã có án và chuyển đi trại khác. Cậu trẻ này kể rất nhiều về ông Tùng với lòng biết ơn và thầm cảm phục. Tôi đọc được bút tích có ghi trên tường nhà báo Lê Ái Quốc tức là ông Lê Thanh Tùng.

Ông Tùng một lòng một dạ vì dân tộc này, tuy vậy, nhân tình thế thái cuộc đời nghĩ mà xót xa, ông Tùng bị đảng cộng sản cầm tù là một lẽ, thế mà nhiều lúc lại thấy ông cô đơn, hiu quạnh giữa chốn đông người. Với tôi, lòng biết ơn và nhớ về ông cũng như biết bao người đã hi sinh cho sự đổi thay của đất nước luôn luôn được khắc ghi trong tâm khảm mình.

26.05.2017
Paulus Lê Sơn

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux