Sáng 24.05.2017, Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự. Bà Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho hay, hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng.
Bà Xuân đề nghị: “Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này, tôi đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155, điều 156 tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Trước đó vào sáng 18/05/2017, người dân có vẻ như hồ hởi đón chào một tín hiệu rất đáng khích lệ từ ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam không sợ đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.
Từ phát biểu này của ông Thưởng, nhiều luồng ý kiến khác biệt được bàn luận một cách nghiêm túc về sự khả tín của đảng cộng sản có thiện chí đối thoại hay cũng chỉ là chiêu bài chính trị trong bối cảnh kinh tế, chính trị, ngoại giao, phản kháng và hỗn loạn xã hội, nội bộ chính trị đang ở ngưỡng đụng trần để đạt lợi ích cho phía đảng.
Thành phần nào có tiếng nói phản biện nhiều hơn cả trong dân? Chắc chắn là giới trí thức, các nhà bất đồng chính kiến hay các nhóm hoạt động xã hội dân sự. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy mánh lới chính trị của nhà cầm quyền đã để lại những bài học xương máu cho các thành phần phản kháng ôn hòa. Bên Trung Quốc thời giữa những năm 1950 đã sử dụng chiêu kế “dụ rắn ra khỏi hang để đàn áp trí thức”.
Trong Chương 6 Bộ Luật Hình Sự đã thủ sẵn những điều luật mơ hồ vi phạm nhân quyền để bắt giam bất cứ ai lên tiếng phản biện. Chẳng hạn điều 79, 87, 88, đã được Hà Nội sử dụng thường xuyên trong các vụ án chính trị từ trước đến nay. Những năm gần đây, nhiều điều luật khác cũng được sử dụng triệt để bắt giam những tiếng nói đối lập như 245, 257, 258.
Từng bấy nhiêu điều luật giăng ra để dập tắt bất cứ tiếng nói phản biện nào thì đảng sẽ “đối thoại” với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng như thế nào đây?
Bà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân đề nghị bổ sung thêm những khung hình phạt cho đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt thực phải chăng hợp thức hóa việc sắm thêm vũ khí để chống lại những tiếng nói của nhân dân khi tố cáo tham nhũng, lạm quyền, gây tổn hại cho nhân dân và đất nước của giới lãnh đạo?
Lãnh đạo thanh liêm trong sạch, nhà nước do dân, vì dân mà phục vụ vị tất người dân đâu có cái cớ gì mà tố cáo, lên án? Ngược lại, lãnh đạo tham nhũng, nhà nước bạc nhược thì người dân có quyền phản biện, cớ sao lại suy diễn và quy chụp thành bôi nhọ, chống phá, xuyên tạc đây?
Đề nghị của bà Xuân đang đi ngược lại các nguyên tắc phổ quát về các quyền tự nhiên của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí. Một ý niệm dùng luật pháp để trói buộc quyền con người trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa ngày hôm nay, đó là một sai lầm lớn, một bước thụt lùi trên nền tảng pháp lý mà bà Xuân vấp phải.
Sử dụng các điều luật vi hiến xâm phạm quyền con người để dập tắt các tiếng nói của nhân dân sẽ không củng cố sức mạnh của đảng mà chỉ tạo ra thêm những hố sâu ngăn cách trong lòng dân đối với đảng, sự hòa hợp hòa giải dân tộc càng trở nên mịt mờ, tối tăm hơn vì những vũ khí luật pháp trói buộc quyền con người mà thôi.
Cởi trói, buông bỏ những điều luật bắt giam người phản biện, bất đồng chính kiến là điều đảng cộng sản nên làm để thể hiện thiện chí chân thành muốn đối thoại với nhân dân. Bằng không thì chỉ là ngửa mặt lên trời phun nước miếng.
24.05.2017
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment