Có hai hình ảnh mâu thuẫn nhau, gợi lên từ hành vi mới nhất của cái chế độ chính trị đang làm giông làm bão trên đất nước chúng ta.
Một mặt, nó hành xử không khác những đứa trẻ sơ sinh vừa mới biết lật, biết đứng chựng hay mới chập chững tập đi: đứa trẻ vô tư nhoẻn miệng cười theo lời tung hô của người lớn trước thành tựu đầu đời mang tính chặng mốc của mình.
Một mặt, nó chai lỳ, thách thức và bất cần đời. Ở đây nó trông không khác gì một thứ gái điếm hết thời, đã mất hết hy vọng và không còn gì để mất: bán thân được là bán, chẳng cần chừa lại một phương cuối cùng để có chỗ kiếm lấy tấm chồng làm chỗ dựa cuối đời.
Nhưng tại sao nó trông giống là trẻ sơ sinh lúc mới biết lật, biết đứng hay biết đi?
Biết lật, biết đứng, biết đi
Xem ra cái cách chế độ toàn trị ca ngợi “thành tích 30 năm đổi mới” còn tệ hơn vậy. Nó chẳng nhoẻn miệng cười theo lời tung hô của ai mà chỉ có nó tự khen chính nó: đã 60, 70 tuổi rồi mà vẫn tự tung hô mình đã biết lật, biết đứng và biết đi. Đó là việc nhai nhải ca ngợi việc đạt những thành tựu sơ đẳng mà những láng giềng đã làm được từ lâu, mà đó là những láng giềng từng thua kém mình khá xa trong quá khứ.
Xét về ngày khai sinh năm 1945 thì chế độ đã có gần 72 năm tuổi.
Xét từ lúc lập lại hòa bình vào năm 1954 thì nó đã 63 tuổi đời.
Còn xét từ lúc quản trị toàn vẹn lãnh thổ từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau nó cũng đã có dư 42 năm. Cái tên “Ải Nam Quan” không còn nữa còn Mũi Cà Mau thì ngày càng cùn nhụt vì nạn xâm thực: “tuổi đời” của nó đã già trong khi thân thể đất nước ngày càng lụ khụ, hom hem thế mà nó vẫn còn hí hửng với “thành tựu” của trẻ con mới lớn.
Nó khen nó là “thức thời”, là biết “đổi mới”, biết “xé rào” để người nông dân có thể “cày trên thửa ruộng của mình”, biết dẹp những vọng gác cho thương nhân đi đây đi đó buôn bán v.v… Nghĩa là tự khen nó biết lập lại những điều cũ rích mà thế giới đã làm cả mấy thế kỷ trước, thậm chí một nửa nước Việt Nam đã từng làm từ hơn 40 năm trước.
Không chỉ là tự sướng, là “đóng cửa dạy nhau”. Nó còn phởn lên tới mức “mang chuông đi đánh xứ người”, điều đã thể hiện trong bản tin “Việt Nam đóng góp kinh nghiệm xây dựng CNXH qua 30 năm đổi mới” của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 14.5.2017.
Đó là cuộc hội thảo của giới khoa bảng tiếc nuối xã hội chủ nghĩa của Nga, gọi là “Russian Academics of Socialist Orientation” (RUSO), phóng viên TTXVN cho biết:
“Nhân 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-2017), ngày 13/5, Hội đồng Tổ chức xã hội “Các nhà khoa học định hướng xã hội chủ nghĩa toàn Nga” (RUSO) đã họp phiên toàn thể thảo luận về cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. […] Phó Bí thư Đảng ủy Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Đức Vinh đã thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tham dự và trình bày tham luận chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đạt được trong 30 năm qua.
[…] Qua 30 năm đổi mới, đúc rút kinh nghiệm từ thành tựu cũng như hạn chế, Việt Nam muốn đóng góp với RUSO 5 bài học then chốt, gồm bài học về “chủ động và sáng tạo;” bài học về “nhân dân” và “phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc;” bài học về đổi mới toàn diện, đồng bộ, tôn trọng quy luật khách quan và thực tiễn; bài học về “lợi ích dân tộc” và “phát huy sức mạnh tổng hợp;” cuối cùng là bài học về “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”.[1]
Nếu Phạm Đức Vinh chỉ là một nhà ngoại giao cắc ké còn cuộc hội thảo trên chỉ là cuộc tụ họp của những người tiếc nuối Liên Xô thì hãy để ý đến lời của một nhân vật quan trọng hơn, trong một sự kiện cũng quan trọng hơn.
Đó là bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều ngày10.5.2017:
“Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển; tỉ trọng trong GDP chiếm 39 – 40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh”…[2]
Sau đó hai ngày, ngày 12.5.2017 thì Tạp chí Cộng sản – hậu thân của Tạp chí Học Tập, nơi xuất thân của Tổng Bí thư – đăng bài nghị luận về một đề tài cũ như… trái đất của Nguyễn Đức Mạnh, thuộc Học viện Hành chính quốc gia: “Sự nguy hại của tham nhũng”:
“Tham nhũng là một tệ nạn của các loại hình quyền lực nhà nước trên thế giới từ xưa đến nay. Nói đến tham nhũng là nói đến sự nguy hại do nó gây ra trên tất cả các phương diện, từ chính trị, kinh tế, hành chính – pháp luật cho đến văn hóa, xã hội, đạo đức, tâm linh,…
Tham nhũng theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, là “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”(1). Theo định nghĩa này, có lẽ đối tượng tham nhũng ở nước ta chưa được khái quát đầy đủ, vì ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a hay Xin-ga-po,…, người ta đều khẳng định, công chức nhà nước nhận hối lộ cũng là tham nhũng. Nếu hiểu tham nhũng như các nước đó định nghĩa thì đối tượng tham nhũng ở nước ta không chỉ là những người có chức vụ “lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”, mà còn bao gồm cả những công chức, viên chức “nhận hối lộ” từ các thành phần dân cư khác nhau trong xã hội để giải quyết các yêu cầu công việc của họ có liên quan đến thủ tục hành chính – pháp luật của Nhà nước.[…]”[3]
Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó lẽ ra phải có những bài viết nặng ký, mang tính dẫn đường. Thế mà đến bây giờ, sau bao nhiêu năm kêu gào chống lại “quốc nạn tham nhũng”, nó chỉ có thể ê a như trẻ con mới tập đọc qua một bài viết lủng củng, thừa thãi, lập đi lập lại, có vẻ như tác giả không biết mình đang viết cái gì.
Theo World Bank thì “tham nhũng” là sự “lạm dụng quyền lực công để phục vụ lợi ích cá nhân” (the abuse of public power for private benefit). Khi một “công chức, viên chức “nhận hối lộ” từ các thành phần dân cư khác nhau trong xã hội để giải quyết các yêu cầu công việc của họ có liên quan đến thủ tục hành chính – pháp luật của Nhà nước”, thì dĩ nhiên là họ đang thực hiện việc mà chính tác giả đã nêu: “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”.
Khi nói, khi lý luận thì từ Tổng Bí thư đến “Cơ quan lý luận và chính trị” của Trung ương Đảng, hết thảy đều ngây ngô y như là trẻ con. Thế nhưng khi làm, họ lại chai mặt y như một ả gái điếm đánh đĩ cả 10 phương, thể hiện qua vụ “Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa”.
Tân Đại biểu tỉnh Thanh Hóa
Viên “tân đại biểu” này là Đinh La Thăng, nguyên là Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.
Theo chính lời của Tổng Bí thư thì Thăng “có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ ông Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”. Do đó Thăng bị kỷ luật, bị mời ra khỏi Bộ Chính trị, cách chức Bí thư Thành ủy và chuyển về làm Phó ban Kinh tế Trung ương.
Song song với quyết định này, Thăng được thả dù xuống Thanh Hóa làm “đại biểu Quốc hội”.
Ở đây, chúng ta thấy ông đại biểu Thăng giống hệt một thứ “ve sầu thoát xác”. Thăng đắc cử đại biểu tỉnh Thanh Hóa trong Quốc hội khóa 13 (2011-2016), và nay đang là đại biểu của TPHCM trong Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) thì được “chuyển sinh hoạt” từ TPHCM về lại nơi cũ.
Bản tin của phóng viên Hoàng Thùy trên VnExpress ngày12.5.2017 cho biết:
“Ngày 11/5, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng ký công văn gửi Đảng đoàn Quốc hội và Trưởng Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), để trả lời văn bản ngày 10/5 của Đảng đoàn Quốc hội. Theo đó, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này có sự đồng thuận tuyệt đối việc ông Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt về Đoàn.
“Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 (2011-2016), ông Đinh La Thăng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Thanh Hóa và trúng cử với tỉ lệ phiếu bầu rất cao, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ĐBQH, được cử tri tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao”, công văn nêu.
Trước đó ngày 10/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận được văn bản của Đảng đoàn Quốc hội thông báo đề nghị Đoàn cho ý kiến về việc ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt từ đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa”.[4]
Chuyện này làm người ta nghĩ đến lời sỉ vả của bà cô Thị Nở, mắng cô cháu gái “ba mươi tuổi mà chưa trót đời”, khi cô kể chuyện tình của mình với Chí Phèo: “Ðã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!”.
Thị Nỡ đã ba mươi tuổi mà “chưa trót đời”. Và nói theo giọng của Nam Cao thì cả chính quyền lẫn Quốc hội cũng đã trên 70 tuổi rồi cũng vẫn “chưa trót đời”.
Đã dàn cảnh tấn công đàn em Thăng rồi tấn công Thăng trên mặt báo, lề trái lẫn lề phải, rồi tổ chức cả Hội nghị Trung ương để hạ Thăng, thì cũng nên dàn cảnh cho trót.
Dù rằng Thăng đã từng đắc cử đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa vào năm 2011, nhưng đó là Quốc hội khóa 13, đã mãn nhiệm năm 2016. Không thể vin vào lý do này để đưa Thăng trở lại đây.
Đại biểu Quốc hội do dân “bầu” lên. Dù biết rằng trò “Đảng cử dân bầu” chỉ là trò hề thì nếu diễn hề thì cũng nên diễn cho trọn tuồng, cũng phải bày trò gì gì đó cho “danh chính ngôn thuận” một chút.
Trong cuốn Bên Thắng Cuộc II: Quyền Bính, chương “Tam Nhân Phân Quyền”, nhà báo Huy Đức đã diễn tả lối hành xử của Tổng Bí thư với Chủ tịch Quốc hội:
“Với Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt, ông Đỗ Mười bao giờ cũng thể hiện sự tương kính. Khi có việc gì cần trao đổi, đích thân ông Mười đi thẳng vào “Thành” gặp ông Lê Đức Anh hoặc ra tận sân tennis gặp ông Võ Văn Kiệt. Nhưng với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thì ông lại thường thể hiện cách “lãnh đạo” rất khác thường. Khi Quốc hội không phê chuẩn ông Đào Đình Bình, một ứng cử viên trẻ vào chức Bộ trưởng Bộ Giao thông, từ hàng ghế đầu, ông Đỗ Mười đã nhấp nha nhấp nhổm. Đến giờ giải lao, ông bước ngay lên bục Chủ tịch Đoàn, đuổi theo ông Nông Đức Mạnh ra tận hậu phòng của Hội trường Ba Đình. Ông Đỗ Mười dí tay sát cổ áo Chủ tịch Quốc hội và nói: “Anh lãnh đạo Quốc hội thi hành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như thế à?”[5]
Điều này cho thấy gì?
Dù xem nguyên Chủ tịch Quốc hội Mạnh không ra gì, nguyên Tổng Bí thư Mười vẫn xem trọng màn kịch “bầu bán” của Quốc hội: Quốc hội phải thông qua nghị quyết của Trung ương Đảng, phải phê chuẩn ông Đào Đình Bình làm Bộ trưởng Giao thông.
Nếu đã soạn nên vở tuồng “cử tri TPHCM bầu” Thăng vào Quốc hội, thì hãy làm trọn vở tuồng để cử tri tại đây quyết định số phận của Thăng.
Thăng bày tỏ “nguyện vọng chuyển sinh hoạt” để làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhưng còn “nguyện vọng” của cử tri tỉnh này.
Họ không thèm đếm xỉa đến, thậm chí còn nói huỵch toẹt là sự dàn xếp giữa Thăng với “Đảng đoàn Quốc hội”.
Nếu ngạn ngữ có câu “Làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng” thì trong câu chuyện “Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Đinh La Thăng” nói trên, chế độ toàn trị đã đánh đĩ cả 10 phương, không buồn che đậy cái sự thật bầy hầy của cái gọi là “Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Lê Trọng Hiệp – Bauxite Việt Nam
—
Tham khảo
[1] http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-dong-gop-kinh-nghiem-xay-dung-cnxh-qua-30-nam-doi-moi/446108.vnp
[2] http://vov.vn/chinh-tri/dang/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-xii-622852.vov
[3] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2017/44844/Su-nguy-hai-cua-tham-nhung.aspx
[4] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-dinh-la-thang-chuyen-sinh-hoat-ve-doan-dai-bieu-quoc-hoi-thanh-hoa-3583597.html
[5] http://www.vinadia.org/ben-thang-cuoc-huy-duc-quyen-ii-quyen-binh/chuong-18-tam-nhan-phan-quyen/
Leave a Comment