Vào ngày 14 tháng 5 tới, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi sẽ nhậm chức để trở thành vị Tổng Thống Pháp thứ 8, trẻ tuổi nhất dưới thời Đệ Ngũ Cộng Hòa và là vị Tổng Thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp.
Ông Macron đã đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai vào ngày 7 tháng 5, chiếm đa số phiếu (66,1%) trong khi bà Marine Le Pen, ứng viên Tổng Thống của đảng cực hữu Front National chỉ đạt 33,9%.
Ông Macron đã đắc cử Tổng Thống trong một bối cảnh về kinh tế, chính trị, xã hội phức tạp của nước Pháp, cũng như trong một bối cảnh đầy thử thách của thế giới cho nước Pháp trong Liên Âu. Có một số điểm rất đặc biệt sau đây trong cuộc bầu cử Tổng Thống lần này tại Pháp:
Một, lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, 2 đảng phái lớn dưới thời Đệ Ngũ Cộng Hòa, đại diện cho phe tả và phe hữu đều bị loại ở vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng Thống. Đảng Xã Hội (Parti Socialiste), phe tả, của đương kim Tổng Thống François Hollande đã bị loại với một tỷ số thấp nhất trong vòng hơn 40 năm qua và có xác xuất bị xóa tên. Đây là một thất bại nặng cho Tổng Thống Hollande. Ứng viên Benoit Hamon sau khi loại được cựu thủ tướng xã hội Manuel Valls trong vòng tuyển chọn sơ bộ, chỉ được 6,36% phiếu bầu. Về cánh hữu, ứng viên của đảng Người Cộng Hòa (Les Républicains) là cựu thủ tướng François Fillon, cũng bị loại, về hạng ba với tỷ số 20,01%, sau bà Marine Le Pen (Front National, Cực Hữu) với tỷ số 21,3% và ông Emmanuel Macron (Đảng En Marche) với tỷ số 24,01%.
Hai, đây cũng là lần đầu tiên đảng cực hữu Front National đạt được hơn 11 triệu bầu, gấp đôi số phiếu đạt được trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2002. Vào năm 2002, ông Jean-Marie Le Pen (người bố của bà Marine Le Pen) đạt được 17,79% (ông Jacques Chirac đắc cử Tổng Thống với, 82,21% phiếu bầu). Với số cử tri này, đảng Front National có nhiều xác xuất sẽ có được một nhóm dân biểu đông đảo (từ 60-80 dân biểu) trong Quốc Hội Pháp (Tổng số dân biểu 577) trong cuộc bầu cử quốc hội hai vòng vào ngày 11 và 18 tháng 6, sắp tới.
Ba, lần đầu tiên một người từ xã hội dân sự, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Hành Chánh (ENA 2004), cán bộ ngân hàng đầu tư Rothschild, Phó Tổng Thư Ký của Văn Phòng Tổng Thống Hollande năm 2012 và trở thành Bộ Trưởng Kinh Tế năm 2014 trở thành Tổng thống. Từ chức vào tháng 8 năm 2016, để thành lập một đảng phái chính trị En Marche, và đã trở thành Tổng Thống Pháp sau một thời gian vận động kỷ lục khoảng 9 tháng, do chính sức vận động và thuyết phục của ông. Ông Macron tuy có tham chính trong thời Tổng Thống Hollande, nhưng không được xem là thuộc đảng Xã Hội vì những chủ trương rất tiến bộ của ông về kinh tế, chủ quyền; và ngược lại cũng không được xem là hoàn toàn thuộc cánh hữu.
Bốn, sau vòng đầu cuộc bầu cử Tổng Thống, nước Pháp được xem là chia thành 4 khối cử tri khá tương đương và ít có xác xuất có thể hoàn toàn hợp tác với nhau hay liên minh trong cuộc bầu cử Quốc Hội 2017 sắp tới, vì quá nhiều khác biệt về quan niệm về di dân, chủ quyền biên giới, kinh tế,… Đảng En Marche của vị Tổng Thống mới đắc cử Emmanuel Macron với 24,01%, Đảng cực hữu Front National của bà Marine Le Pen, 21,3%, Đảng Người Cộng Hòa (Les Republicains) hữu khuynh với ứng viên François Fillon 20,01%, Phong Trào Nước Pháp Không Chịu Khuất Phục khuynh tả (La France Insoumise) của Ông Jean-Luc Melenchon, 19,58%. Bốn khối này đại diện cho 85% cử tri Pháp. Sự phân hóa này phản ảnh thái độ không còn tin tưởng vào giới chính trị thuộc dòng chính (establishment), vì luôn không tuân thủ những lời hứa, phản ứng theo quyền lợi và không có một chính sách rõ rệt và hiệu quả về di dân, an ninh chống khủng bố, công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Năm, ông Macron được đa số người dân Pháp tuyển chọn vì dân e ngại sự thắng cử của Đảng Front National cực hữu, hơn là vì hoàn toàn đồng ý với các chính sách của ông Macron. Các cử tri khuynh tả của ông Melenchon và khuynh hữu của ông Fillon, một tỷ số không nhỏ đã đi bỏ phiếu cho ông Macron vì không có giải pháp khác hay bỏ phiếu trắng hay không đi bầu (11,47% số phiếu là trắng hay vô giá trị đây là một kỷ lục dưới thời Đệ Ngũ Cộng Hòa). Với tình hình này, cuộc bầu cử quốc hội 2 vòng vào tháng 6 tới sẽ diễn ra với kết quả thấy trước là sẽ không có đảng phái nào có đa số thật sự trong Quốc Hội. Và Chính Phủ mới do Tổng Thống Macron bổ nhiệm chắc chắn sẽ rất khó điều hành và thông qua các đạo luật, chuẩn chi ngân sách, vì có thể bị lật đổ qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi các dân biểu thuộc các khuynh hướng khác, vì không có đa số.
Nói tóm lại, sự thắng cử của tân Tổng Thống Macron, hy vọng sẽ mở ra một thời kỳ mới cho nước Pháp, đó là các khuynh hướng chính trị dòng chính cần phải “tái phối trí” chính sách, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội của người dân một cách cụ thể, hơn là chỉ hứa suông, loay hoay vào mỗi kỳ tranh cử mà thôi.
Nguyễn Ngọc Bảo – Web Việt Tân
Leave a Comment