Nếu đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKT) khiến Đinh La Thăng đau cái đau của một đấu thủ sắp thua, sắp mất hết tất cả, thì quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ khiến ông ta đau cái đau của Bá Kiến lúc nhìn bà Tư. Đó là cái đau của ông chồng trên 60 đang mắc chứng đau lưng khi nhìn bà vợ tư ngoài 40 tuổi mà “phây phây” như mới ngoài 20, cái nỗi đau của kẻ “nhai miếng thịt bò lựt sựt khi rụng gần hết răng” [1].
Có vẻ như Tổng bí thư đã chuẩn bị sẵn: bây giờ họ có thể “cách chức” những người không còn đương nhiệm như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự; nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió mai này họ cũng có thể “cách chức” cả… cựu thủ tướng!
Đinh La Thăng đã xin “quy chế đặc thù” cho thành phố Sài Gòn từ lâu, thế nhưng đến tuần này, sau khi UBKT đề nghị kỷ luật Thăng, Phúc mới tuyên bố chấp nhận. Xem như Tổng bí thư cho quân mang dụng cụ nhổ răng ra dứ, lăm le bẻ răng Thăng, thì vài ngày sau Thủ tướng mang đĩa thịt bò lựt sựt ra dứ trước mặt cho Thăng tức chơi!
Phải chăng đây là trò liên thủ tấn công, xoáy vào tâm lý của đối thủ, chọc để đối thủ “uất” lên, không uất đến mức “chết được” thì cũng mất bình tĩnh và trở nên thiếu sáng suốt?
Chơi nhau đến thế là cùng và mưu sâu này không thể không khiến chúng ta nghĩ đến Mao Trạch Đông.
Mưu kế Mao Trạch Đông
Cách Tổng bí thư Trọng đánh Bí thư Thăng trông chẳng khác nào thủ đoạn mà Mao đã sử dụng để triệt hạ những đối thủ chính trị của mình.
Sau thất bại của chính sách “Đại nhảy vọt” mà hậu quả là 30 triệu người chết đói, năm 1961 Mao chấp nhận rút lui, chỉ giữ chức vụ danh dự “chủ tịch đảng” để Đặng Tiểu Bình (tổng bí thư) và Lưu Thiếu Kỳ (chủ tịch) nắm hết quyền điều hành đất nước.
Sau 5 năm nghiền ngẫm trong bóng tối, năm 1966 Mao bắt đầu phản công. Nhưng đánh ngay Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình thì gây sốc mà cũng không dễ, do đó Mao phải đánh lòng vòng, đánh thốc từ dưới đánh lên. Mục tiêu lúc này là Bành Chân, Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh. Nhưng hạ bệ một người như Bành Chân, lúc đó cũng là ủy viên Bộ Chính trị, cũng gây sốc, do đó giới văn nghệ sĩ dưới trướng họ Bành trở thành mục tiêu!
Màn phát pháo là bài phê bình vở kịch “Hải Thụy Bãi quan”, của Diêu Văn Nguyên, bài viết được xem là khơi mào cho “Cánh mạng Văn hóa”.
Đấu tố tác giả vở kịch, tay chân của Mao thi nhau đặt câu: “Ai là kẻ bảo trợ, đỡ đầu?”.
Hàng loạt ngón tay chỉ vào Bành Chân, thế là Bành Chân bị đánh.
Bấy giờ, trong các buổi đấu tố Bành Chân, tay chân Mao lại cò mồi câu hỏi: “Thế thì ai đỡ đầu tên Bành hữu khuynh?”.
Vậy là tới số Lưu Thiếu Kỳ!
Bây giờ, ông Bí thư Thăng của Tổng bí thư Trọng cũng giống như họ Bành của ông Mao.
Tổng bí thư muốn đánh Nguyễn Tấn Dũng nhưng chưa thể đánh được, do đó phải đánh vòng, đánh thốc từ dưới lên trên. Từ Trịnh Xuân Thanh đến Vũ Đức Thuận, đến những dự án BOT, tất cả đều bị báo chí mang ra đấu tố và dĩ nhiên bao nhiêu ngón tay đề chỉ về hướng của Thăng.
Có vẻ như bao nhiêu căm hờn uất ức dồn nén trong tâm can Tổng bí thư đã có dịp bùng ra. Những uất ức dồn nén từ lúc Tổng bí thư rơm rớm nước mắt trong Hội nghị Trung ương 6 năm 2010, khi cả trái núi đẻ ra… đồng chí X. Không phải ngẫu nhiên mà trong kết luận điều tra, UBKT còn đánh luôn cả các quan chức tại Bình Định, nơi đã “cơ cấu” cậu công tử Nguyễn Minh Triết của Nguyễn Tấn Dũng về làm Bí thư Tỉnh đoàn.
Có vẻ như Tổng bí thư đã chuẩn bị sẵn: bây giờ họ có thể “cách chức” những người không còn đương nhiệm như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự; nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió mai này họ cũng có thể “cách chức” cả… cựu thủ tướng!
Nhiều người đã bàn tán về những lý do sâu xa cùng hệ lụy của vụ này, nói nữa thì e thừa. Bây giờ người viết xin đề cập đến những chuyện bên lề nhưng lại thể hiện những bản chất cốt yếu của hệ thống chính trị từng sản sinh ra một sản phẩm như Đinh La Thăng!
Như một sản phẩm
Nói tới sản phẩm thì phải nói tới tính “hàng loạt”, do đó chúng ta cần nhìn ra những mẫu số chung.
Hơn một năm qua “Bí thư Đinh La Thăng” đã nổi lên như một hiện tượng với những “phát ngôn gây sốc”, “tác phong sâu sát với quần chúng” và “hành động quyết liệt” tại Sài Gòn, tuy nhiên ông Đinh không phải là “hiện tượng” riêng lẻ.
Cũng nổi lên với phong cách này từng có Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Bá Thanh. Ông Nhân nay đã chìm, chỉ ngồi chơi xơi… nghị quyết, ông Thanh chết một cái chết thê thảm. Còn ông Thăng thì đang lo âu, không biết “mai này đời sẽ ra sao”.
Ba người, mỗi người mỗi vẻ nhưng như là sản phẩm của cùng một hệ thống chính trị nên vẫn có những nét chung.
Mẫu số chung thứ nhất là cả ba đều có bằng… tiến sĩ. Trong ba bằng thì bằng của Nguyễn Bá Thanh có nhiều nghi vấn nhất. Ông Thanh khai là mình có bằng Tiến sĩ quản lý kinh tế nông nghiệp nhưng nhiều người tố cáo rằng đây là bằng mua, giá là một lô đất tại Đà Nẵng. Còn lại bằng của Nguyễn Thiện Nhân thì khả tín nhất, còn bằng của Đinh La Thăng thì ít được đề cập nhất, nhưng chuyện này không quan trọng.
Điều quan trọng là cái thói sính bằng nói lên bản chất nào của hệ thống chính trị?
Đa phần, những kẻ càng thiếu thực học thì càng mặc cảm và trở nên sính bằng cấp. Tính sính bằng cấp cho thấy đó là một hệ thống chính trị đầy mặc cảm tự ty về cái học của mình.
Mẫu số chung thứ hai là máu “phát động phong trào”.
Ông Nhân và ông Thăng cùng trưởng thành trong phong trào Đoàn. Ông Nhân du học tại Đông Đức và tại đây là bí thư Đoàn của nhóm sinh viên du học. Còn ông Thăng xuất thân là kế toán nhưng chuyển sang hoạt động Đoàn chuyên nghiệp, từng là Bí thư Đoàn của Tổng công ty Sông Đà.
Ông Thanh thì trưởng thành từ phong trào hợp tác nông nghiệp. Nếu sinh hoạt Đoàn chủ yếu là các đợt “phát động phong trào” thì hợp tác xã của Thanh cũng không khá hơn: mọi việc nhàm chán trôi qua, thỉnh thoảng thì sôi nổi thời “ra quân / phát động phong trào”.
Tính chất lòe loẹt, phô trương của lối làm ăn “phát động phong trào” cho thấy đó là một hệ thống đang phân vân và lạc hướng. Nếu đã biết mình ở đâu, phải làm gì, và sẽ phải đi đến đâu, hệ thống đó đã có một chính sách với một lộ trình rõ ràng. Chính vì không biết làm gì, không biết đi đâu, thì mới dựng cờ vỗ trống “phát động phong trào” để lên giây cót tinh thần cho nhau.
Đất nước chẳng bao giờ khá lên nổi với lối làm ăn như gánh xiếc rong này. Ngược lại, nó chỉ tạo cơ hội cho những kẻ giỏi pha trò, giỏi “quậy” và giỏi nịnh. Càng “phát động” xôm tụ thì càng được cấp trên chú ý, do đó càng dễ lên cao. Đó là một trong những lý do khiến giới lãnh đạo cao cấp chỉ giỏi hô khẩu hiệu, giỏi ra nghị quyết mà không thể đưa ra những chính sách thiết thực, hiệu quả hay có viễn kiến!
Mẫu số chung thứ ba là cả ba đều khoái trò chơi chính trị dân túy, hay nói giản dị là chính trị bình dân, khai thác sự mê tín, sự bất an hay lòng tham của công chúng để gãi đúng chỗ ngứa, nói những điều làm họ sướng hai lỗ tai.
Thói thường, các đảng viên cộng sản không cần lá phiếu của dân mà chỉ cần chứng tỏ với nội bộ đảng rằng họ được việc là lên chức, có thể ngồi vào vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, do tính cách, hay do toan tính riêng, cũng có những đảng viên cộng sản hào hứng với trò chơi này.
Đó là trường hợp ông Nhân khi được cử làm Bộ trưởng Giáo dục vào năm 2006. Ông ta gây tiếng vang một thời, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì và bây giờ thì “ngôi sao” này đã tắt. Dù leo cao hơn, những gì ông ta làm hay nói đều bị lơ là, dư luận chả tha thiết quan tâm.
Còn ông Thanh thì cũng chẳng có chính sách nào làm Đà Nẵng phát triển về kinh tế. Tất cả chỉ là bán đất để lấy tiền tạo ra một bộ mặt bề thế và vung tiền ra mua chuộc lòng dân. Chưa nhậm chức ông ta tuyên bố “hốt liền”, nhưng nhậm chức rồi thì bị trói tay, chẳng làm gì được, thậm chí còn bị phanh phui ra chuyện tham nhũng.
Nếu còn sống, con người xông xáo Nguyễn Bá Thanh bây giờ cũng há miệng mắc quai với nhiều hệ lụy chết người: đất chiến lược Đà Nẵng lọt vào tay Trung Quốc, chủ trương “phá sơn lâm đâm hà bá” ở Sơn Trà, v.v…
Đa số những chính trị gia dân túy chỉ thành công khi lòng người đã chán nản với tình thế chính trị hiện tại. Cử tri Mỹ chán nản với những chính trị gia truyền thống nên ông Donald Trump mới thành tổng thống. Người Đức chán ngán với đời sống khó khăn của nước Đức sau Đệ nhất Thế chiến nên Adolf Hilter mới thành thủ tướng rồi sau đó là quốc trưởng!
Sự tung hô đối với những kẻ như ông Nhân, ông Thanh và ông Thăng là dấu hiệu cho thấy người dân đã quá chán ngán với hệ thống chính trị hiện tại!
Nhà quản trị Đinh La Thăng
Thăng không phải về Sài Gòn mới gây tiếng vang: năm 2011, mới được Dũng thăng làm Bộ trưởng Giao thông, ông cũng đã “nổi” như cồn rồi.
Ngày 4/10/2011 Thăng đến thị sát công trình xây dựng nhà ga hành khách tại phi trường Đà Nẵng. Thấy công việc tại đây ì ạch, chậm tiến độ đến hai năm, ông ta lập tức ra lệnh cách chức Trưởng ban quản lý dự án Đặng Hồng Cương.
Mở màn là như thế, đến khi kết thúc nhiệm kỳ, Bộ trưởng Giao thông Thăng cũng làm màu bằng một vụ cách chức.
Ngày 3/2/2016, hai ngày trước khi nhận quyết định chuyển về làm “Tổng đốc Sài Gòn”, Thăng ra lệnh cách chức Nguyễn Viết Hiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội. Lý do là Hiệp đề nghị mua toa xe cũ của Trung Quốc.
Thế nhưng như báo chí tiết lộ sau đó, Hiệp chỉ là con chốt thí vì sự việc liên quan đến những quan chức cao hơn tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cách làm của Thăng có đáng hoan nghênh hay không?
Nhiệm vụ của một Bộ trưởng Giao thông là phải hoàn thiện tình trạng giao thông. Còn Thăng thì nổi danh nhờ những vụ cách chức nhưng tình trạng giao thông vẫn không khá hơn: vay vốn ngân hàng để xây đường thì cho ra toàn “đường chờ lún”, xe vẫn bị kẹt, tai nạn giao thông không giảm trong khi dân nghèo méo mặt vì các trạm thu phí BOT liên quan đến các nhóm lợi ích!
Có hai yếu tố quan trọng mà Thăng không dám làm, mà hai yếu tố này đều liên quan đến công an và… Trung Quốc.
Thứ nhất, trong vai trò Bộ trưởng Giao thông, lẽ ra Thăng phải có tiếng nói, phải “quyết liệt” với “nghị định” từ Cục phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Công an, theo đó xe hơi phải trang bị bình chữa cháy. Phải chống vì đây là chính sách làm giàu cho Trung Quốc, là nước sản xuất bình này, đồng thời cũng là điều có thể gia tăng xác suất tai nạn giao thông vì bình chữa cháy có thể nổ bất cứ lúc nào nếu để lâu ngoài nắng!
Thứ hai, trong vai trò tân Bí thư Thành ủy, Đinh La Thăng rất “sâu sát”, thị sát tình hình tiêu thụ bò sữa tại Củ Chi, ra lệnh làm đường và làm nhà cho mẹ liệt sĩ Củ Chi. Thế nhưng ông đã ở đâu khi công an đập phá vòng hoa tưởng niệm những đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến biên giới 1979 trước tượng đài Trần Hưng Đạo vào ngày 17/2/2016?
Tính cho đến lúc đó thì Thăng có thể thực sự là một “đồng chí” đối với đảng cầm quyền, nhưng hoàn toàn không phải là một “đồng bào” với hàng chục triệu người Việt Nam.
Nhưng bây giờ thì cả từ “đồng chí” này cũng là một điềm gở cho Thăng!
Đồng chí Thăng
Trên phương diện pháp lý thì Thăng chỉ mới bị “đề nghị kỷ luật”, chưa bị cách chức và khai trừ đảng. Như vậy thì Thăng này vẫn còn là Ủy viên Bộ chính trị, còn là Bí thư thành ủy và, sau cùng, vẫn còn là một đảng viên, tức “đồng chí”. Thế nhưng báo chí đã sốt sắng khai trừ và cách chức ông ta trên phương diện danh xưng, kể cả những tờ báo có tiếng là “năng nổ” và “bạo dạn” của Sài Gòn như Tuổi Trẻ và Thanh Niên.
Mới đây thì hầu như ngày nào hai tờ cũng đưa tin về “Bí thư Đinh La Thăng” và trong cách diễn đạt thỉnh thoảng cũng gọi là”đồng chí”. Nay thì những danh xưng này bị lột sạch, chẳng bí thư và thậm chí chẳng còn là đồng chí, chỉ cộc lốc “ông Đinh La Thăng”.
Ngày nào mấy tờ báo này xì xụp tung hô, diễn tả ông ta như một vị tư lệnh quyết liệt, lời nói và hành động đi đôi với nhau, đã đem lại luồng sinh khí mới cho thành phố.
Nay thi họ đang cắt xẻ thi thể chính trị của ông ta, từ những sai lầm của thời làm ông trùm PBC mà con số thất thoát lên đến hàng tỷ đô la.
Sắp tới Bộ Chính trị sẽ họp để xem xét “đề nghị” nói trên, như là một ủy viên, chắc chắn Đinh La Thăng sẽ “bị” tham dự để nghe đấu tố mình. Tại đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xưng hô vơi họ Đinh như thế nào?
Có lẽ ông ta sẽ còn được gọi là đồng chí, nhưng gọi như là những nhát chém. Hãy nghe câu chuyện Nhà thơ Trần Mạnh Hảo kể dưới đây để hiểu sức nặng của từ “đồng chí” này: [2]
“[…] Thôi! Bây giờ trở lại hai bài thơ Khóc Nguyên Hồng. Đó là hai bài thơ tôi viết vào dịp bác Hồng mất, năm 1982. Bài đầu in báo Nhân Dân, còn bài sau thì không thể in được. Khi ấy tôi đang ở trại viết và tôi làm trưởng trại. Trong trại hồi đó có Nguyễn Quang Thân, Nhật Tuấn… Hồi ấy gọi là “trại”, nghe sợ sợ là. Tôi làm trại trưởng, gọi cho nó oai, chứ trại trưởng thực chất chỉ là đi bê cơm, báo cơm chứ có gì đâu… […]
Bữa cơm trại trưa đó, vô tình tôi đọc được ở tờ báo Nhân Dân kê nồi. Tôi chợt nhìn thấy dòng cáo phó có tên Nguyên Hồng, không có quê hương, không có địa chỉ, không có một dòng sự nghiệp. Rồi chúng tôi bàn nhau tổ chức. Nguyễn Quang Thân viết một bài, tôi viết một bài thơ. Và tôi đã làm bài thơ đúng trong 15 phút có tên Cho một nhà văn nằm xuống. Lời đề từ cũng rất hiện đại: “Kính tặng anh Nguyên Hồng và kính tặng hương hồn lũ chúng ta”. Chính cái chết của bài thơ này bắt đầu từ “hương hồn lũ chúng ta”. Sau này người ta đai ra thành chuyện lớn. Bài này tôi bị đánh “nặng nề”. Trên tạp chí Sân Khấu còn đăng bài của Hoàng Tùng và Hoàng Mạnh Tường, nói là Trần Mạnh Hảo đã quay súng bắn vào Đảng. Tạp chí Sông Hương còn tường thuật lại vụ này. Anh nên nhớ rằng hồi ấy Bùi Minh Quốc và Dương Thu Hương đọc bài này đã đỏ gay mặt. Hồi đó Dương Thu Hương đang phấn đấu vào Đảng. Bài thơ này đã sinh ra hệ lụy, tôi không muốn kể. Bài thơ và sự việc bài thơ còn kéo dài một năm nữa để khai trừ Đảng tôi nhưng không có lý do để khai trừ. Tôi cũng cố gắng để không bị khai trừ. Vì nếu khai trừ, hồi đó có lẽ tôi sẽ bị bắt”.
[…]
Xin nói tiếp, tại sao lại phải làm thêm một bài thơ nữa về Nguyên Hồng. Thời ở trong rừng, tôi có biết ông Võ Trần Chí và ông Võ Văn Kiệt, mà ông Hoài Vũ lại là bạn thân của hai ông này. Hoài Vũ là cố vấn riêng cho Võ Trần Chí. Mà Nguyễn Quang Sáng và Hoài Vũ, Thép Mới đều biết rõ “sự kiện” bài thơ này. Ông Thép Mới có bảo với ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí sai Hoài Vũ đến gọi tôi lên.
Đúng vào tối 19/5/1983 tôi vào gặp hai ông ở văn phòng Bí thư Thành ủy. Câu đầu tiên ông Kiệt nói là:
– Hảo à! Đù má… Mày làm cái gì mà dữ vậy?
Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu ĐM kèm theo. Thân tình mới có câu ĐM. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là “có chuyện”. Nghe được lời mắng của anh Sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm ĐM, tôi biết ngay là ‘thoát’”.
Đề cập đến ông Võ Văn Kiệt, cũng xin nhắc lại việc ông bị cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gọi là “thằng”, còn vợ ông (bà Phan Lương Cầm) thì bị gọi là “con mẹ Giang Thanh”. Nhà báo Huy Đức thuật lại trong Bên thắng cuộc:
“Theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Nguyễn Văn Linh đi đâu cũng nói xấu ông Võ Văn Kiệt. Một lần, tôi dẫn các cán bộ trẻ trong Ban Tổ chức tới thăm, vừa vào nhà, ông Linh đã chỉ trích ông Kiệt ngay, bất kể người nghe là các cháu cán bộ còn ít tuổi”. Thư đề ngày 23-8-1995 của ông Đặng Văn Thượng còn nói rõ hơn: “Thật tình tôi rất buồn. Dù sai lầm đến đâu, giữa cuộc họp có cán bộ đảng viên, có cán bộ trí thức mà gọi đồng chí mình là thằng này, thằng nọ. Gọi vợ của đồng chí mình là con mẹ Giang Thanh này, Giang Thanh nọ”. [3]
Trên mặt báo thì “Bí thư Thăng” đã thành “Ông Thăng”. Vậy thì trong những lời thì thầm bàn mưu tính kế hay câu chuyện nhàn đàm bên tách trà hay mâm nhậu, những đảng viên cao cấp đang kèn cựa nhau này có gọi vợ chồng Thăng bằng ngôn ngữ tương tự?
L.T.H.
—
Chú thích:
[1] Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.
[2] Much ado about nothing, Phạm Xuân Nguyên
[3] http://www.vinadia.org/ben-thang-cuoc-huy-duc-quyen-ii-quyen-binh/chuong-19-dai-hoi-viii/
Nguồn: Lê Trọng Hiệp – Bauxite Việt Nam
Leave a Comment