PARIS (CTM Media) – Theo bản phúc trình của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố hôm 26 tháng Tư 2017, thì Việt Nam vẫn là một trong những nước đàn áp quyền tự do báo chí thông tin của người dân tệ hại nhất trên thế giới.
Bản tường trình đi kèm với bản chỉ số tự do báo chí năm 2017 (2017 World Press Freedom Index) được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố với những nhận định không mấy sáng sủa cho tự do báo chí, một quyền phổ quát mà tất cả các nước đã ký vào Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhưng lại làm ngược lại tại những nơi có chế độ độc tài đảng trị, quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín.
Trong bản tường trình của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam là một trong số rất ít nước trên thế giới vẫn đang cầm tù nhiều người cầm bút nhất, bên cạnh Trung Quốc.
RSF tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam là lạm dụng các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự như điều 88- “tuyên truyền chống phá nhà nước”, điều 79- “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và điều 258 – “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” để biện minh cho việc bắt giữ các blogger và nhà báo công dân.
RSF đặc biệt lên án các vụ bắt giữ để “đánh chặn” đối với ba blogger Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.
Theo RSF, vụ bắt giữ ba nhà hoạt động này, đã biến Việt Nam thành “nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới đối với các nhà báo công dân”, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Một nhà báo công dân khác được nêu tên là Nguyễn văn Oai, bị bắt hôm 19 tháng Giêng tại Nghệ An vì đã cưỡng lại nhân viên thi hành công lực, và ra khỏi nhà trong thời gian bị quản chế.
Bị bắt năm 2011 và tuyên án 4 năm tù cộng với 3 năm quản chế theo điều 79 BLHS, ông Oai mãn hạn tù vào tháng Tám 2015.
Tháng Mười 2016, RSF lên án chính sách của nhà nước Việt Nam cô lập hoá các nhà báo và blogger, cũng như có hành động trả thù có hệ thống chống lại những người cả gan liên lạc với thế giới bên ngoài.
Trong bảng sắp hạng báo chí năm 2017 của RSF, Việt Nam lại bị xếp gần chót, hạng 175 trên tổng cộng 180 nước được khảo sát.
Leave a Comment