Thảm họa môi trường Formosa xảy ra đã hơn một năm với những hệ quả khủng khiếp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Trong suốt một năm qua, báo chí trong nước nhắc tới thảm họa môi trường này với cụm từ “sự cố” và nếu có nhắc đến những cuộc nổi dậy của người dân thì luôn lồng yếu tố bị ‘kích động’.
Hãng tin Reuters vào ngày 18 tháng tư có bài tựa đề ‘Anger over Vietnam’s poisoned coast’, tạm dịch ‘Nỗi căm phẫn vì bờ biển nhiễm độc’.
Đó là lời chia sẻ của anh Mai Xuân Hòa, một ngư dân ven biển Hà Tĩnh, đang gỡ vài con cá nhỏ trong lưới, kiếm vài đồng nuôi gia đình. Hãng Reuters dẫn lời người ngư dân không may Mai Xuân Hòa.
Cũng như anh Hòa, hàng trăm ngàn người dân khác đã gần như mất đi miếng cơm manh áo sau khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra.
Tháng 4 năm ngoái, nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xả thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt nổi trắng xóa ven biển các tỉnh bắc Trung Bộ.
Sau khi Formosa nhận lỗi, chính phủ nhận tiền thì người dân vẫn tiếp tục nhận thảm họa.
– Linh mục Đặng Hữu Nam
Kể từ khi thảm họa ập đến những vùng quê vốn yên bình, người dân mất đi kế sinh nhai vì lượng cá còn lại rất ít, vả lại bị mang tiếng là cá vùng ô nhiễm nên mang bán chẳng được bao nhiêu tiền. Giá thành có khi sút chỉ còn ¼ giá cũ. Hàng ngàn người cũng vì vậy mà phải bỏ xứ đi lên thành phố xin làm công nhân hay đi tha hương nơi xứ người với cái mác “xuất khẩu lao động”. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra số liệu thống kê cho thấy hơn 40.000 người dọc 4 tỉnh bắc Trung bộ bị tác động trực triếp và trên khắp cả nước khoảng 250.000 người chịu ảnh hường từ thảm họa môi trường Formosa.
Trước đây, khách du lịch rầm rộ đua nhau về đây tắm biển, ngắm cảnh thì bây giờ bãi biển người dân mô tả “như chùa bà đanh”. Trước đây cũng vì du lịch phát triển nên nhiều hộ ăn nên làm ra với những nhà hàng hải sản ven biển. Nhưng bây giờ “nhà hàng của chúng tôi như đang chết dần chết mòn”, chị Mai Ngọc Kỳ, chủ một tiệm ăn hải sản bày tỏ. Hay anh Nguyễn Việt Long, một người chuyên buôn bán hải sản cho biết “cứ tình hình này nhà tôi đến phá sản mất thôi”.
Trước sự nổi dậy phản đối trong dân chúng, tháng 7 năm ngoái nhà máy Formosa đã bồi thường cho những người dân chịu thiệt hại khoản tiền 500 triệu đô la và giao khoản tiền này cho chính phủ. Tuy nhiên, nỗi uất hận vì mất biển, mất sinh kế chưa nguôi, nay thêm sự bất minh bạch của chính quyền trong công tác bồi thường thiệt hại, đã khiến hàng loạt các cuộc biểu tình nổi lên trong dân chúng. Linh mục Đặng Hữu Nam, một người đã nhiều lần đồng hành cùng người dân đi khiếu kiện, biểu tình đòi lại công bằng, cho chúng tôi biết: Suốt 3 tháng đấu tranh của người dân yêu cầu nước sạch cho cá và minh bạch cho dân, nhà cầm quyền đã bao che cho Formosa, đổ lỗi cho ông giời và con người cũng như đàn áp người dân biểu tình một cách tàn ác. Sau khi Formosa nhận lỗi, chính phủ nhận tiền thì người dân vẫn tiếp tục nhận thảm họa. Nhà cầm quyền hứa sẽ chi trả khoản 500 triệu đô la sớm nhất đến tay người dân nhưng cuối cùng những đồng tiền đó cũng không đến được tay người dân.
Anh Peter Trần Sáng lại cho rằng thực chất người dân biểu tình không phải vì những đồng tiền bồi thường mà do họ quá bất mãn với sự trắng trợn của nhà cầm quyền: Những người được nhận đó thì có những người là bà con của lãnh đạo xã, nhà cầm quyền, họ không phải là người đi đánh bắt cá, họ chỉ bán cá ở ngoài chợ. Rồi họ cũng đổi nghề nghiệp để lấy số tiền bồi thường đó. Còn những người đi đánh cá thì không được nhận bồi thường.
Biển chết, dân thất nghiệp
Chính phủ Hà Nội hiện tại đã thông báo rằng biển đã sạch trở lại và người dân có thể tiếp tục cuộc sống thường nhật trước kia. Tuy nhiên nhiều ngư dân cho biết nguồn cá dồi dào trước kia nay đã không còn nữa, thay vào đó chỉ còn lác đác một vài con. Anh Hòa cùng hai ngư dân khác lặn lội trên biển cả ngày trời mà không kiếm chung nhau nổi một chậu cá. Khoản bồi thường hơn 17 triệu đồng liệu nuôi sống anh và gia đình được bao nhiêu ngày?
Anh Báu, một ngư dân ở Nghệ An, cho biết tác động của thảm họa này đến đời sống người dân khu xóm anh: Cá mực câu về giảm hẳn đi rất nhiều. Họ có nuôi con hào nhưng bị chết rất nhiều. Trước kia được 10 thì giờ chỉ được 3,4, không đủ tiền chi phí người dân bỏ ra. Giờ nghề biển không làm được cũng dẫn đến nợ nần chồng chất. Ví dụ một con tàu người ta đóng hết 5,6 tỷ nhưng bây giờ dân hoang mang không biết kiếm tiền ở đâu mà trả.
Một ngư dân khác ở Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết rằng hiện nay gia đình anh phải đi vay mượn từng đồng sống qua ngày: Hiện nay người dân không có việc làm. Biển cả đi đánh bắt về không ai mua để ăn vì cũng sợ cho nên mất việc hoàn toàn, thất nghiệp. Nói chung, người đi biển cũng như người buôn bán tại chợ đi các tỉnh thì hiện nay đang bị thất nghiệp. Thời gian vừa qua có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bây giờ người dân trông chờ ở biển, trông chờ đi chợ, buôn bán… Các ngành nghề bị ‘dập tắt’ tất cả nên có nguy cơ dẫn đến tình trạng chết đói.
Đầu tháng 4 vừa rồi Chính phủ báo rằng trong số 53 vi phạm của Formosa được cơ quan chức năng Việt Nam nêu ra sau khi xảy ra thàm họa môi trường, thì đã khắc phục được 52 lỗi, chỉ còn một lỗi duy nhất là chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2019. Tuy hiện tại chưa hoàn thành nhưng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên Môi trường đến Formosa gần đây cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cho lò cao số 1 trở lại hoạt động trong năm nay. Điều này lại một lần nữa gây hoang mang trong dân chúng vì e sợ rằng Formosa lại một lần nữa bức tử môi trường biển. Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh từng đưa ra nhận xét rằng “Nếu Nhà nước cho Formosa hoạt động trở lại khi chưa hoàn thành công tác chuyển dập cốc là vô trách nhiệm”.
Formosa đã hứa hẹn sẽ đầu tư thêm 350 triệu đô la để sửa chữa nhà máy, hi vọng có thể hoạt động lại trong năm nay.
Tháng Hai vừa rồi chính phủ Hà Nội đã tuyên bố sẽ không cấp phép cho những dự án có rủi ro ô nhiễm môi trường cao. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng từng yêu cầu Bộ Tài Nguyên Môi trường phải củng cố lại các điều luật và siết chặt hơn nữa quá trình thanh tra, rà soát các dự án trong giai đoạn đầu tư và xây dựng.
Nguồn:RFA
Nguồn ảnh:Rueter/kham
Leave a Comment