Vụ Formosa ảnh hưởng cả triệu dân, lần lượt Tổng Bí thư đến Thủ tướng rồi cả Phó Thủ tướng năm ngoái về địa phương nhưng không có dấu hiệu gì muốn đối thoại với người dân địa phương.
Đến khủng hoảng lần này ở Mỹ Đức, khi người dân ‘có cái để nói chuyện’ thì Chủ tịch Hà Nội đã phải chấp nhận về địa phương trao đổi. Nhưng cuối cùng buổi đối thoại vẫn không diễn ra được vì đôi bên không đồng thuận về địa điểm: Trong khi Chủ tịch Chung muốn diễn ra ở trụ sở UBND huyện với một số đại diện nhất định thì dân Đồng Tâm lại muốn trao đổi ngay bên trong làng.
Nhưng vì sao chỉ còn 20km nữa từ huyện đi xuống xã mà ông Chung lại ngần ngại nếu như ông thực tâm muốn đối thoại?
Ông ấy lo bị dân làng bắt luôn hay sao?
Hoàn toàn không. Những thông tin vừa qua là đủ để cho thấy dân làng không có lý do gì để làm điều điên rồ đó cả. Họ không dám và cũng không dại gì tự mình phá huỷ sự thông cảm mà họ đang có từ cộng đồng để tạo thuận lợi cho một cuộc đàn áp thẳng tay sau đó.
Và hơn ai hết ông Chung thừa hiểu dân làng cũng không thể làm được điều đó trước những vệ sĩ có chuẩn bị trước của ông.
Thế thì vì sao?
Đơn giản thôi, không khác ba người lãnh đạo trung ương ở trên, ông Chung không đủ tự tin.
Kiểu cán bộ như ông Trọng, ông Phúc, ông Chung chỉ quen với kiểu cầm giấy phát biểu, trao đổi đối thoại gì cũng trong một hội trường với thành phần tham gia được chọn lọc trước, nội dung chuẩn bị sẵn, nói xong câu nào hội trường ào ào vỗ tay câu đó. Họ chỉ tự tin trong cái bối cảnh quen thuộc được kiểm soát chặt chẽ ấy mà thôi.
Ngoài bối cảnh đó, đứng trước một đám đông (không được lựa chọn trước) đầy giận dữ, nhưng cũng rất chắc chắn trong từng lập luận cả về lý lẫn tình, lại chịu cảm giác cả triệu cặp mắt công chúng đang để ý từng lời nói cử chỉ của mình trong cuộc đối thoại, những người như ông Chung khó có thể giữ được sự tự tin thông thường.
Mà không tự tin thì tạm thời dừng lại cho an toàn, vậy nên chưa có đối thoại.
Leave a Comment