“Diễn”… và nỗi khổ của báo chí nô lệ
Trên mặt báo, những thông tin về các hoạt động của các quan chức trong hệ thống “Tứ trùng” hưởng lương dân ở Việt Nam từ Đảng, Chính phủ, Nhà nước đến Mặt trận các đoàn thể… là những điều không thể thiếu và không thể bỏ sót.
Các chuyến thăm, các buổi “diễn” của quan chức liên tục được mô tả tỷ mỉ, chi tiết và hết sức hoành tráng, rực rỡ… Từng đòan xe cộ, từng cuộc đón tiếp với cờ hoa, võng lọng, băng rôn khẩu hiệu tưng bừng cùng với các kiểu kính thưa, kính mời và cuối cùng là kính gửi vô cùng long trọng.
Việc các hình ảnh về hoạt động của quan chức được đưa lên mặt báo đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu, trở thành một phong trào ngày càng rộng mở của các lãnh đạo, của báo chí và các hoạt động xã hội, chính trị cũng như… kinh tế ở Việt Nam.
Điều đó cũng tạo cho dàn báo chí công cụ của đảng nhiều thời cơ tiếp cận, đi theo, hưởng ké nhiều bổng lộc… Nhưng lắm khi cũng tạo ra không ít những gian nan vất vả và nhiều khi cũng… bí cháo.
Người ta thấy một Đinh La Thăng năng nổ, xông xáo và la hét những nơi nóng nhất, đang được chú ý nhất. Ở đó, đám báo chí làm nổi bật hình ảnh ông ta không chút ngượng ngùng, thậm chí nhiều khi là sỗ sàng, lố bịch. Thực chất, ai chẳng biết tất cả nằm trong chương trình PR hết sức quy mô tốn kém. Người ta thấy một hình ảnh Đinh La Thăng đu dây xuống đến chỗ chiếc xe bị tai nạn trên đường dốc xuống của Sapa. Nhưng không chú ý thì ít ai biết rằng nếu anh ta lo việc cứu dân bị nạn thì sẽ không thể kịp huy động đám báo chí chạy theo anh ta cả đêm thì lấy đâu ra hình ảnh đó. Người ta không khỏi ái ngại nhìn hình ảnh anh ta dọn rác với hàng chục ống kính chi chít ngắm anh ta để mong có… hình ảnh đẹp.
Thậm chí, việc đua nhau đưa hình ảnh lên báo chí cũng tạo ra sự ghen tức ngấm ngầm như “gà tức nhau tiếng gáy” nhiều khi thật hài hước mà có thật. Chẳng hạn lãnh đạo này được đưa lên với tỷ lệ nhiều hơn lãnh đạo kia thì lập tức lãnh đạo kia sẽ phản ứng ngay. Hoặc nếu hình ảnh của lãnh đạo kia lung linh quá, lãnh đạo này sẽ hẳn nhiên là không chịu… Những khi đó, đám báo chí chịu trận.
Rồi những khi “tai nạn nghề nghiệp” đã làm nhiều báo, nhiều phóng viên cười ra nước mắt. Người ta nhớ hình ảnh chị Kim Ngân xinh đẹp đổ luôn cả ống thức ăn xuống hồ cá. Người ta nhớ hình ảnh anh Thủ tướng dẫn cả đoàn xe ô tô mấy chục chiếc hùng hổ đi vào phố đi bộ trên phố cổ Hội An…
Thủ tướng hết việc làm?
Trên báo chí, những hành động của ông Thủ tướng được mọi người chú ý nhiều. Bởi mỗi hành động và việc làm của ông ta ảnh hưởng đến mọi hoạt động của cả bộ máy đất nước. Có thể nói không ngoa rằng, ông ta phải như bộ nhân hệ điều hành trong cái máy tính.
Thế nhưng, cái “nhân” của hệ điều hành đã hoạt động ra sao?
Cách đây đúng một năm, ngày 21/4/2016, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND TPHCM – ông Nguyễn Thành Phong – yêu cầu dừng ngay việc khởi tố vụ án hình sự chủ quán cà phê Xin Chào tại Sài Gòn.
Cách đây đúng nửa năm, ngày 20/10/2016, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức khẩn trương điều tra vụ 2 nam hành khách đánh nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài vào ngày 18/10/2016.
Cách đây hơn một tháng, ngày 10/3/2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ thai phụ bị hôn mê sâu ở phòng khám đa khoa 168 Hà Nội.
Xem lại các thông tin trên báo chí, thì Thủ tướng đi lo những công việc như “Kiểm tra suất ăn công nhân”, “Thị sát quán phở”, “đi chợ và kiểm tra rau quả”, “kiểm tra thực phẩm tại Sài Gòn”… Nghe những thông tin này, người ta tự hỏi: Sao ông Thủ tướng chính phủ của một đất nước gần trăm triệu dân, lại đi lo toàn những công việc của những người bảo vệ, kẻ phu xe? Chẳng lẽ những việc đó cũng cần đến tầm vóc của thủ tướng? Hay Thủ tướng hết việc làm?
Nhiều người khác, nhất là đám Dư Lợn viên thì thi nhau hót: “Đấy, đất nước ta hòa bình, an ninh và ổn định đến thế đấy. Đến mức mà Thủ tướng của đ. có việc gì làm, toàn đi làm những việc đ. hiểu là việc gì” – đ. là tiếng chửi tục cửa miệng của đám dư lợn viên bựa trên mạng.
Trong dân gian, người ta đã chẳng hài hước bảo nhau rằng: Đất nước cũng như cái vườn, trăm bãi cứt chó mà không có miệng thủ tướng cũng không xong. Chúng tôi đã có bài viết: “Chức năng của Thủ tương và chuyện mấy bãi cứt chó” nói về đề tài này.
Thực ra, báo chí đã làm người dân hiểu sai về công việc của Thủ tướng. Trò PR quá lố đã làm hại ông ta. Bởi Thủ tướng có nhiều việc để làm, những việc kia chỉ là việc nhỏ của một tên “đầy tớ nhân dân” tận tụy. Nhưng bất cứ một động tác nào của ông ta đều được báo chí đăng tải ầm ầm nhằm bưng bô, nên cơ sự mới thành ra thế.
Thủ tướng cấm khẩu?
Mấy hôm nay, người ta thấy lạ.
Sự kiện ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng ba chục cây số – nghĩa là cách chỗ làm việc của thủ tướng và các lãnh đạo đất nước có khoảng 20 phút ô tô kéo còi hụ của thủ tướng – dân nổi dậy bắt một loạt đến mấy chục cán bộ, chiến sĩ công an, cỡ một Trung đội có vũ trang hẳn hoi.
Dân đã bắt nhốt công an, cán bộ và “rào làng chiến đấu” sang ngày thứ 5. Cuộc chiến đảng và dân vô cùng khốc liệt. Ở đó đã có nhiều “tù binh”, đã có bệnh nhân, gãy xương, đã có nhiều tình trạng nguy hiểm, bạo lực rất dễ dàng bùng phát… Tóm lại, sinh mạng người dân, cán bộ và sự an nguy của cả hệ thống chính quyền và người dân ở đây bị đe dọa nghiêm trọng.
Mạng xã hội đầy rẫy video, hình ảnh, bài viết… về vụ việc này.
Khắp trong và ngoài nước sôi sục hướng về đó, bàn tán, bình luận, mong ngóng… Nghĩa là ai ai cũng biết.
Duy chỉ có hệ thống cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước, các cơ quan đoàn thể, mặt trận cũng như mọi hội hè được nuôi bằng tiền của dân thì coi như điếc và mù.
Lạ thế.
Có lẽ không cần bàn luận nhiều, chỉ nêu mấy câu hỏi mà người dân thắc mắc để ngẫm xem nó là điều gì?
– Tại sao sự kiện nóng đến thế, thậm chí đe dọa nóng hơn khi người ta đồn dân tẩm xăng vào cán bộ, chiến sĩ công an… sẵn sàng nướng chả nếu bị tấn công. Thế mà không thấy ông Thủ tướng và các lãnh đạo khác ở đâu cả?
– Tại sao với lực lượng gần nửa trăm cán bộ, chiến sĩ ưu tú bị đặt trong trạng thái nguy hiểm – nghĩa là nằm trong tay nhân dân thù địch – nhưng các lãnh đạo không đếm xỉa đến họ, coi như chuyện đàn lợn đưa sang Trung Quốc không bán được và đang bị đổ chôn sống.
– Lẽ nào mấy chục mạng cán bộ, chiến sĩ công an này không quan trọng bằng một cô nhân viên hàng không sân bay, hay một bệnh nhân nào đó trở bệnh trong bệnh viện?
Thế rồi người ta ước rằng:
– Giá như mấy chục công an, cán bộ kia đều là những nhân viên hàng không.
– Giá như cả Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chỉ là một quán phở như quán “Xin Chào’… thì Thủ tướng còn dễ ra tay, xử lý. Đằng này cả xã đến gần chục ngàn dân thì làm sao thủ tướng dám đứng ra?
Nhưng, những người có hiểu biết hơn về vụ việc lại phán một câu “xanh rờn”: Đừng nghĩ thế, căn bệnh “đánh trống mở cờ” xưa nay vẫn là căn bệnh cộng sản. Ở vụ việc này, sở dĩ các lãnh đạo phải ngậm tăm là có lý do.
Dù xưa nay cha ông đã nói “Kẹt chân thì há miệng”. Nhưng không phải tất cả những khi kẹt chân đều có thể há miệng.
Bởi cha ông cũng đã nói: “Há miệng, mắc quai”.
Hà Nội, ngày 19/4/2017
Leave a Comment