Với câu hỏi đó, người bình thường nhất cũng có thể tìm ra câu trả lời. Nhưng trong trường hợp tòa biệt thự và cơ ngơi cực kỳ hoành tráng của vợ chồng ông Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây cất trái phép bị phát hiện và yêu cầu xử lý thì không dễ giải đáp chút nào. Mà chẳng phải chỉ có vụ này, rất nhiều vụ lâu nay đều khó đưa ra lời giải.
Hai ngày nay, dư luận khá gay gắt xung quanh thông tin biệt thự của ông Nguyễn Sĩ Kỷ – đương kim Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk vấp quá nhiều sai phạm trong xây dựng. Bởi đây không phải tài sản bình thường mà là cực kỳ “khủng”, nếu gọi là dinh là phủ cũng chả sai, nên nó tạo ra sự bức xúc. Cũng vì gia sản quá lớn, dẫn đến những nghi ngờ làm cán bộ lấy đâu ra lắm tiền thế, xây nhà to thế, sống xa hoa hưởng lạc thế. Khi đã rơi vào vòng xoáy của dư luận và báo chí, chả cấm được, có giãi bày mấy cũng chẳng ăn thua.
Đã qua rồi cái thời cào bằng sự nghèo, đánh giá nhau chỉ có nghèo mới trong sạch. Nhà nước đang khuyến khích dân làm giàu. Dân giàu nước mạnh. Dân giàu thì cán bộ cũng có quyền giàu. Làm cán bộ mà không giàu, chẳng thà làm dân. Chỉ có điều, bất cứ ai giàu có đều phải bằng sức lao động, trí tuệ, sự phấn đấu không mệt mỏi của mình. Làm cán bộ, nhất là cán bộ to càng phải chứng minh tài sản mình kiếm được không do lợi dụng chức quyền, không từ tham nhũng tiêu cực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu xây dựng một chính phủ liêm chính là vì vậy. Việc kê khai tài sản cán bộ cũng có mục đích giữ gìn, kiểm soát từ xa như vậy.
Thực ra cái biệt thự của ông Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk làm từ nguồn tiền nào, tôi không quan tâm lắm. Tất cả rồi sẽ được làm rõ, chứng minh. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra tầng tầng lớp lớp sẽ vào cuộc, rồi sẽ có kết luận. Tôi chỉ muốn nêu ra khía cạnh khác liên quan đến bộ máy quản lý nhà nước đang tồn tại.
Theo bà Quách Thị Tuất, vợ ông Nguyễn Sĩ Kỷ, chủ của cơ ngơi hoành tráng nói trên, khai báo với chính quyền địa phương, từ năm 2011 đến nay, bà đã cho tiến hành xây dựng khu biệt thự với nhiều hạng mục gồm: căn biệt thự 2 tầng diện tích gần 200m²; khu nhà bếp, nhà khách 91m²; căn nhà chòi 19m²; hồ bơi 153m²; đào một hồ diện tích 80m² nối vào hồ cá kết hợp dựng nhà chòi diện tích 625m²…
Nếu đúng như thế thì việc xây dựng trái phép, vi phạm pháp luật đã kéo dài và công khai suốt hơn 6 năm nay. Và đó không phải xây dấm dúi cái nhà cấp 3, cấp 4 mà như một đại công trường. Không khác gì dinh, phủ của đại quan ngày xưa. Đố giấu được ai. Cũng có khả năng ông Kỷ là cán bộ to của địa phương nên ỷ vào chức quyền cứ làm liều, “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Rồi dân chúng cũng có thể phát hiện ra nhưng thấp cổ bé miệng, nghĩ mình tố ra cũng chả đi đến đâu, có khi còn vạ đến thân. Nếu vậy đã đành một nhẽ, nhưng bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật thì không thể vô can.
Điều cần nói trắng phớ ra, để người vi phạm xây tòa cơ ngơi hoành tráng như vậy trong suốt thời gian dài (hơn 6 năm) mà cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại không hề biết, không quan tâm. Đùng một cái, chả biết vì lý do gì, bây giờ mới giở ra bảo là sai phạm, xây trái phép, cần phải phá…
Thế thì phải xem lại bộ máy cầm quyền, hệ thống chính trị ở nơi này tồn tại để làm gì.
Ông Phó ban Nội chính nếu sai phạm, phải xử lý kiên quyết để làm gương. Cơ ngơi chục tỉ không phải thứ bỏ đi, tuy nhiên đã sai vẫn phải chịu cưỡng chế. Luật pháp không thiên vị ai, không dễ với người này, khó với người khác. Tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật, quan cũng như dân. Làm cán bộ to thì càng phải gương mẫu, khi mắc sai phạm càng cần được xử lý kiên quyết. Không trị được cán bộ sai, đừng mong xử lý được dân sai.
“Thủ phạm” dẫn đến cái sai trong vụ biệt thự ông Kỷ, ngoài vợ chồng ông, chính là hệ thống công quyền. Lỗi ở cả ông Kỷ lẫn bộ máy công quyền. Giá như cứ căng thước thợ mà ngăn chặn ngay, không vị nể, ngại ngần, e dè, bỏ lơ, bao che, vô pháp thì đâu dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười, lãng phí thế này. Hệ thống thiên la địa võng quân-dân-chính-đảng-đoàn thể các cấp ở Đắk Lắk gần như bất lực, cực kỳ cồng kềnh mà hiệu quả rất kém.
Sực nhớ vụ cái chuồng gà của nhà văn Hoàng Quảng Uyên ở xứ Cao Bằng xây không phép, lý do như nhà chức trách giải thích, cái gì đã có móng là phải có phép, dù chuồng gà. Ông nhà văn vừa mới xây đã có nhà chức việc tới liền, bắt phá. Chuồng gà sai phép cũng phải phá. Luật rất nghiêm. Một người thân còn kể ở quê tôi tình trạng xây dựng trái phép diễn ra nhan nhản, chỉ có điều dân dựng lên cái tum thôi thì vài tiếng sau có người đến hỏi thăm ngay, chứ cán bộ rất thoải mái. Cùng cái cổng lớn của pháp luật, con kiến dân bước vào là bị phát hiện, còn con voi quan có giậm chân ành ạch khi đi qua cũng chẳng ai hay. Ông Hoàng Quảng Uyên không may rơi vào trường hợp thứ nhất.
Cho nên người ta mới nghi ngờ bộ máy thực thi pháp luật có vẻ chỉ nghiêm với dân. Ông Kỷ xây ròng rã dinh phủ hơn 6 năm, không ai “hỏi thăm”. Nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội mới kinh, ngay giữa của giữa thủ đô, xây vượt mấy tầng chán chê, cơ quan chức năng mới biết. Bán đảo Sơn Trà còn kinh nữa, chỗ có thể nói là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cực kỳ nhạy cảm, thế mà có anh nhà giàu đưa máy móc, vật liệu xé rừng bạt núi vào khoét đất đổ xây 40 cái móng biệt thự khủng, cuối cùng nhà chức trách mới biết nhờ tin báo của ông dân thường đi đánh cá phát hiện… Còn bao nhiêu nữa những vụ vi phạm pháp luật về xây dựng, vi phạm công khai mà vẫn kín như bưng.
Dân biết nhưng trên thực tế dân không thể làm gì dù “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Còn bộ máy hoặc không biết, hoặc có biết nhưng cứ lờ đi, không muốn làm. Để rồi cái sảy nảy cái ung.
Leave a Comment