(VNTB) Lợi dụng quyền lực báo chí, nhiều phóng viên – nhà báo quốc doanh tiến hành công cuộc làm tiền doanh nghiệp lẫn người dân.
***
Công an TP. Thái Bình triệu tập 3 người “tự xưng” là phóng viên báo chí đến “cưỡng đoạt tiền của Bệnh viện Đa khoa Hoàng An ở TP. Thái Bình”, trong đó có 2 người là phóng viên thử việc của báo Kinh doanh và Pháp luật.
Trưởng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật ở Hải Phòng bị cơ quan công an bắt vì liên quan đến lợi dụng danh nghĩa nhà báo để cưỡng đoạt tiền của nhân dân.
Trưởng đại diện báo Bảo vệ Pháp luật tại Tp. Hồ Chí Minh vừa bị công an thành phố này bắt vì gợi ý “bôi trơn” 100 triệu đồng để chạy án.
Những trường hợp nêu trên trở thành “bộ phận không nhỏ” trong mảng báo chí – truyền thông nước nhà, là một trong những ví dụ điển hình của hiện trạng sử dụng quyền lực báo chí để đòi hỏi “bôi trơn” từ phía doanh nghiệp và người dân.
Điều mâu thuẫn là khi mà truyền thông – báo chí dần chứng tỏ được sức nặng của mình với cơ quan công quyền thì sự nhũng nhiễu này càng tăng, báo chí trở thành “công cụ” làm tiền đúng nghĩa, nguyên tắc “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” chỉ còn tồn tại trên lý thuyết. Điều gì đã khiến nó như vậy, nếu không vạch thẳng ra là hệ quả lớn của tư duy làm báo “công cụ” do nhà nước áp đặt, nơi mà tìm mọi cách để lách pháp luật và né sự thật. Nơi của sự tởm lợm về mặt đạo đức nhà báo, và nhận thức ăn xổi ở thì, và chính từ đấy, những kẻ bồi bút, ăn xỏ nói leo được dáng mác “nhà báo”.
Những nhà báo kiểu băng hoại về mặt đạo đức – và bán rẻ lương tâm của nghề cầm bút không thiếu trong cái xã hội nhũng nhiễu này, trở thành một công cụ đắc lực cổ võ đã khiến cho nhà báo trở thành mối mọt trong mắt không ít người. Câu nói nhà báo nói láo ăn tiền quay ngược trở lại, đập mạnh vào cái gọi là đạo đức của báo chính thống.
Trong khi mải mê làm tiền, những “nhà báo” này đồng thời thực hành xuất sắc việc bỏ lơ vai trò – trách nhiệm trong giám sát và phản biện chính trị – xã hội. Gần 900 cơ quan báo chí, với 18.000 nhà báo, bao nhiêu trong đó tự suy nghĩ mình như một trụ cột về mặt lương tâm và trách nhiệm xã hội hơn là một công cụ để rồi từng bước bị tha hoá? Thiếu hơi thở chính trị và xã hội, báo chí chính thống giờ đây rơi vào hoàn cảnh gọi là bị “ngự trị” bởi sự “nhàm chán, vô bổ hoặc nhố nhăng” về mặt nội dung, đề tài báo chí.
“Làm tiền” là bỉ ổi, nhưng lợi dụng ngay cả trường hợp “đòi công lý” của người dần đã trở thành một sự vô lương tâm đến tận cùng. Vụ án ấu dâm liên quan đến một cán bộ Ngân hàng ở Vũng Tàu nổi lên gần đây và được nhiều báo chí trong nước đăng tải, nhưng không ai biết rằng, trong một chia sẻ vào tháng 8/2016, mẹ cháu bé là Facebooker Truong Nam Thi đã cay đắng nhìn nhận rằng, dù sự việc diễn ra cực kỳ nghiêm trọng, nhưng khi chị tìm đến các trang báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, chị đã cảm thấy như “thương thảo một hợp đồng thất bại”. Thậm chí, một phóng viên – nhà báo tên Hồng, đang làm ở Trung tâm trợ giúp pháp lý Tp. Hồ Chí Minh khi gọi cho chị đã đề nghị về “tiền công” với báo giá rõ ràng. Ông ta cho người mẹ đáng thương đang đấu tranh cho công lý con gái một cái giá 300 triệu cho việc đăng bài trên 20 tờ báo lớn và khẳng định, nếu không có những người như ông ta vào cuộc thì người mẹ sẽ không làm nổi việc gì.
Những nhà báo như ông Hồng, hay hàng tá các nhà báo vẫn ngày đêm miệt mùi trui rèn ngôn ngữ đểu giả, với trái tim suy đồi nghề nghiệp vẫn ngày đêm làm tiền doanh nghiệp, gạ gẫm bôi trơn ở người dân. Những kẻ “nhà báo” như thế, đúng như Facebooker Truong Nam Thi nói: hãy lui về viết quảng cáo, PR, phù phiếm mà kiếm tiền. Mặt trận này không dành cho các anh, những kẻ tham lam và hèn nhát.
Nhưng “Mặt trận” ở đây không chỉ dành là mặt trận đấu tranh lôi kẻ ấu dâm ra ngoài, mặt trận này rộng hơn, lớn hơn rất nhiều. Đó là Mặt trận của Công lý, là mặt trận của nhân quyền và sự thống khổ của người dân. Anh sẽ không tìm được sự bảo vệ cho chính mình trong tương lai, nếu anh cứ mải miết chạy theo việc kinh doanh quyền lực và báo chí; cứ mãi mãi là công cụ đảng phái và chính quyền. Vì lúc đó, anh đã tự tước bỏ sự tôn trọng vốn có của người dân đối với anh, trở về làm một “thằng nhà báo, chỉ biết nói láo, và ăn tiền” trong sự khinh bỉ của người dân không hơn không kém, mà người ta gọi là những “điếm bút” thời hiện đại.
Và với những “nhà báo” làm ô danh báo chí như thế này thì sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về nhân quyền và tự do báo chí sẽ là số 0 tròn trĩnh…
Leave a Comment