Theo tờ Taipei Times, hôm thứ Ba 14 tháng Ba năm 2017, cựu Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Richard Armitage đã đến Đài Loan, ngay trước chuyến công du Châu Á của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.
Ông Richard Armitage là một trong những người ủng hộ Đài Loan lâu dài nhất. Năm 2001, trong vai trò Thứ trưởng ngoại giao, ông đã vận động Tổng Thống G.W.Bush thông qua ba khế ước bán vũ khí cho Đài Loan. Cũng được biết, trong chiến tranh Việt Nam, ông Richard Armitage là sĩ quan cấp Tá tốt nghiệp học viện Hải Quân Hoa Kỳ. Ông là phụ tá cho các vị Đô Đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong chiến trường sông rạch và đặc biệt trong lực lượng thủy bộ cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Ông có tên Việt Nam là Trần văn Phú.
Cựu Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Richard Armitage và phái đoàn của Dự án 2049 – một dự án ra đời năm 2008, có sứ mạng cao cả là giúp Đài Loan thịnh vượng và hạnh phúc – đã thảo luận với các giới chức Đài Loan về mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, về an ninh ở eo biển Đài Loan, an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên quan đến Đài Loan.
Trước và sau chuyến đi của ông Armitage, các hãng thông tấn Đài Loan và AP đã đồng loạt đưa tin:
1-Đài Loan đã ký nhận hai Tuần dương hạm USS Taylor và USS Gary tại Charleston, South Carolina.
2-Đài Loan chuẩn bị nhận thêm vũ khí từ Hoa Kỳ. TT Hoa Kỳ Trump sẽ tuyên bố trong buổi gặp gỡ với Tập cận Bình vào tháng Tư sắp tới.
3-Tổng Thống Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẽ đóng Tiềm Thủy Đỉnh cho chính đất nước mình, khi bà viếng thăm Hải quân công xưởng Kaohsiung ở phiá Nam Đài Loan ngày 21 tháng Ba, 2017.
Những bản tin trên có lẽ sẽ giải tỏa phần nào tâm trạng lo âu cho Đài Loan khi Tổng Thống Hoa Kỳ D.J Trump tuyên bố vẫn tôn trọng “Chính sách một nước Trung quốc” của Hoa Lục, sau khi tiếp nhận cuộc điện đàm với Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, một điều chưa hề xảy ra dưới các thời đại của các vị Tổng Thống từ 38 năm qua.
Và qua chuyến viếng thăm Đài Loan của ông Richard Armitage, người ta thấy rõ thông điệp của Hoa Kỳ về vị thế độc lập dân chủ của Đài Loan cũng như uy tín và sự công bằng trong tương quan của Hoa Kỳ với thế giới.
Đối với Hoa Lục, ứng cử viên TT Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến trong thời gian tranh cử đã cam kết với quốc dân Đài Loan rằng đảng của bà sẽ “theo đuổi quan hệ hòa bình với Trung Quốc và duy trì nền dân chủ” trên đảo quốc Đài Loan.
Có lẽ quan điểm “Theo đuổi quan hệ hòa bình với Trung Quốc” là một lựa chọn và thái độ sống khôn ngoan của Đài Loan trước hoàn cảnh thực tế không thể nào làm khác hơn. Vì tính về địa lý, Đài Loan nhỏ bé, cách Hoa Lục khổng lồ nhiều tham vọng và thù hận chỉ có một eo biển rộng chừng 180 cây số.
Nhưng để “Duy trì được nền dân chủ” mà Đài Loan đã hãnh diện và trân trọng, vì khó khăn lắm mới giành được, thì ngoài khả năng giữ đảo quốc được độc lập về kinh tế, chính trị, quốc phòng; ngoài bang giao tốt đẹp với những quốc gia láng giềng cùng chia xẻ những giá trị chung. Đài Loan đã may mắn có được sự bảo trợ từ người bạn Hoa Kỳ giàu có, hào hiệp và nặng tình. Mối tương quan này đến từ ràng buộc của lịch sử, nhưng bền vững được, phải vì danh dự và uy tín của hai quốc gia.
Năm 1949, Mao Trạch Đông chiếm Hoa Lục, Hoa Kỳ không công nhận chế độ cộng sản, nên tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Đài Loan, lúc đó có tên là Trung Hoa Dân Quốc. Trong thập niên 1960 Trung Hoa lục địa định “giải phóng” Đài Loan, đã có những cuộc không chiến giữa không lực Trung Hoa Dân Quốc và Trung Cộng. Sự thiệt hại thì cứ bốn phi cơ Trung Cộng đổi lấy một phi cơ Đài Loan. Hai đảo Kim Môn và Mã Tổ nằm sát lục địa Hoa Lục và nằm trong tầm pháo của Trung Cộng, hàng ngày bị hàng ngàn quả pháo từ lục địa bắn sang, nhưng vẫn đứng vững.
Nhưng vào thập niên 1970 nhận thấy bang giao với Hoa Lục là cần thiết cho kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ, nên Tổng thống Hoa Kỳ thời đó là ông Jimmy Carter đã chính thức công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cộng sản và cắt đứt bang giao với Đài Loan vào đầu năm 1979, đồng nghĩa với việc Đài Loan bị hất chân ra khỏi Liện Hiệp Quốc.
Quyết định này của chính quyền Carter đã khiến đa số các nhà lập pháp Hoa Kỳ phẫn nộ. Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (The Taiwan Relations Act) đã nhanh chóng được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 10 năm 1979, như một phần vực lại danh dự cho Hoa Kỳ và xoa dịu vết thương cho Đài Loan.
Đạo luật này gần như đưa cho Đài Loan địa vị tương tự như bất kỳ quốc gia nào được Hoa Kỳ công nhận, và Hoa Kỳ có một cơ quan đại diện “không chính thức” ở Đài Loan, nhưng tương đương cấp Đại sứ quán, đó là Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan)
Đạo luật Quan hệ với Đài Loan có sáu điểm quan trọng:
1-Hoa Kỳ sẽ không đặt ra thời điểm ngưng bán vũ khí cho Đài Loan
2-Hoa Kỳ sẽ không tham vấn với Hoa Lục (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) trước khi bán vũ khí cho Đài Loan
3-Hoa Kỳ sẽ không đóng vai trò hòa giải giữa hai bên Hoa Lục và Đài Loan
4-Hoa Kỳ sẽ không sửa đổi Luật về quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act)
5-Hoa Kỳ sẽ không thay đổi quan điểm về chủ quyền Đài Loan
6-Hoa Kỳ sẽ không gây sức ép để Đài Loan phải đàm phán với Trung Quốc
Vào năm 1995 và 1996, Đài Loan lại bị Hoa Lục bắn hỏa tiễn sang sát vùng duyên hải của mình. Dựa vào “Đạo luật Quan hệ với Đài Loan” Hoa Kỳ đã ngay lập tức ra lệnh cho Hàng Không Mẫu Hạm Nimitz từ biển Ba Tư đến eo biển Đài Loan, sau đó tăng cường một Hàng Không Mẫu Hạm nữa và hai hải đoàn xung kích để bảo vệ Đài Loan. Trung Cộng tạm từ bỏ mộng thôn tính Đài Loan.
Tương quan giữa Hoa Kỳ và Đài Loan tuy không chính thức nhưng vô cùng hữu hiệu, vừa giúp Đài Loan yên tâm phát triển đất nước thịnh vượng, vừa tránh cho Đài Loan những quấy phá phiền nhiễu từ Hoa Lục.
Chuyến đi của cựu Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ông Richard Armitage đến Đài Loan giữa tháng Ba vừa qua, nhằm thực hiện Dự án 2049, nhưng đồng thời cũng nhằm duy giữ và thực hiện “Đạo luật quan hệ với Đài Loan” từ 38 năm qua, mà Tổng Thống Hoa Kỳ D.Trump muốn cho Bắc Kinh biết rằng, Hoa Kỳ muốn công khai, và trân trọng mối tình De Facto này.
25 tháng Ba năm 2917
PDH.
Leave a Comment