Ngày hôm nay, 24 tháng 3, là ngày giỗ lần thứ 91 của Phan Châu Trinh, một nhà lãnh đạo của phong trào dân quyền đầu thế kỷ 20.
Hôm nay, những thứ chúng ta đang có như chữ viết đã được Phan Châu Trinh cùng phong trào Duy Tân khi đó cổ xuý và phổ biến.
Phong trào Duy Tân không đơn giản là hô hào đòi dân quyền mà là một quyết tâm cải cách toàn diện, làm Mới Con Người, làm Mới Xã Hội.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận xét: “Một điều đáng khâm phục là thế hệ sĩ phu đầu thế kỷ được đào tạo trong tinh thần nho học, theo tinh thần khoa bảng nhưng hiểu ra rằng phải có cuộc canh tân về giáo dục ở bề sâu. Hiểu ra rằng Việt Nam là một bộ phận của thế giới bao la chứ không chỉ là thế giới Hán hóa”.
Nhân ngày giỗ của ông, Luật Khoa xin giới thiệu bài viết về cuộc đời của Phan Châu Trinh gắn với phong trào Duy Tân.
Xin mượn lời của cố học giả Nguyễn Văn Xuân để mở đầu cho bài viết: “Duy Tân đối với chúng ta không mới mà nhất định chưa cũ. Đó là vấn đề ngày nay, ngày mai. Chúng ta còn phải học người xưa rất nhiều để thực hiện một cuộc Duy Tân vừa toàn bộ, vừa không xa rời Dân tộc tính, Nhân bản tính”.
Bài viết sử dụng nhiều tư liệu từ cuốn sách “Phong trào Duy Tân” do cố học giả Nguyễn Văn Xuân biên soạn và xuất bản năm 1970.
Phan Châu Trinh sinh năm 1873 tại Tây Lộc, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông mất mẹ năm 6 tuổi và mất cha năm 13 tuổi. Cha ông là Phan Văn Bình, quản lý đồn điền và tiếp tế cho phong trào Cần Vương, một phong trào chống Pháp thời đó.
Lớn lên ông được dạy võ, học bắn súng tạo nên bản lĩnh vững vàng của một chiến sĩ trước khi thành văn sĩ. Ông là người nhiều tình cảm tuy rất nóng tính và khi tranh luận thì không bao giờ thiếu lý lẽ. Bản tính chống bất bình cá nhân của ông là bước căn bản để chống bất bình xã hội.
Thơ văn của Phan Châu Trinh gắn liền với đời sống nhân dân, thương kẻ nghèo, phê phán xã hội, ví dụ: “Thịt chuột thì ít, con nít thì nhiều”, “Lấy chi mà trả cái ân, lấy chi nạp cống ngân cho làng”, “nghênh ngang như làng không ông xã”.
Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân năm 1900, đỗ Phó bảng năm 1901 rồi ra làm Thừa biện Bộ Lễ cho triều đình Huế. Trước đó, ông đã quen thân với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vì cùng là bạn học, cũng chính hai người này đã đẩy Duy Tân thành một đại phong trào.
Ra làm quan tại Huế, ông được tiếp xúc với nhiều tân thư từ Trung Hoa đưa sang như tư tưởng cách mạng của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi hay các tư tưởng phương Tây của Rousseau, Montesquieu, Voltaire,… Những tân thư này đã góp phần hình thành tư tưởng dân quyền của ông.
Dân quyền lúc này là một ý tưởng cực kỳ mới. Phan Châu Trinh muốn vượt lên ý thức hệ cũ, đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt dân quyền lên ngai vàng, tức là ông muốn chấm dứt quan hệ văn hóa với nước Tàu, tiếp thu văn hóa Tây phương và thay đổi giáo dục, tập quán sinh hoạt của một xã hội còn tối ngòm.
Ông cho rằng: “Cái độc tài, chuyên chế cùng cái hủ nho của ta, đã thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do dân quyền Âu Tây chính là vị thuộc đắng đầu chữa bệnh đó.”
Năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan về Quảng Nam và lần đầu gặp Phan Bội Châu. Lúc này, Sào Nam (tức Phan Bội Châu) đến Quảng Nam để thành lập Hội Quang Phục, một hội bạo động để đánh đuổi Pháp, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến. Hội bầu Cường Để là cháu đích tôn 4 đời của vua Gia Long làm hội chủ.
Tuy có cùng mục đích nhưng cách thức của hai ông trái ngược nhau. Đối với Phan Bội Châu thì sao cũng được, ai cũng tạm được, chỉ cần khôi phục quốc gia là được. Nhưng đối với Phan Châu Trinh phải là học thuyết, chủ trương, đường lối, phải là quảng đại quần chúng.
Sau lần gặp đó, Phan Bội Châu đi Trung Quốc rồi sang Nhật để gặp các nhà cách mạng giúp đỡ cho Hội Quang Phục, mặt khác đưa học sinh sang Nhật và sáng tác văn thơ đả kích chính phủ Pháp.
Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi vào Nam để nắm tình hình và kết nối các nhân sĩ Nam kỳ. Lúc này Phong trào Duy Tân manh nha bắt đầu
Sau khi Nam tiến về, Phan Châu Trinh đọc sách của Phan Bội Châu gửi về từ Nhật, có chỗ đồng ý có chỗ phản đối. Ông thấy cần gặp Sào Nam (Phan Bội Châu) để hỏi cho rõ, đồng thời cũng muốn hiểu rõ về mưu đồ của Nhật.
Trước lúc sang Nhật, Phan Châu Trinh ra Bắc để bàn kế duy tân với Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, rồi vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế, lúc này là lãnh đạo của phong trào Duy Tân tại Nghệ Tĩnh. Sau đó ông thuyết phục Hoàng Hoa Thám về tình thế hiện tại khó có thể bạo động nhưng bất thành.
Phan Châu Trinh gặp Sào Nam ở Nhật vào tháng 4/1906 nhưng ông sớm trở về nước do đường hướng hoạt động trái ngược nhau.
Phan Châu Trinh muốn dựa vào thế mạnh của Pháp vứt bỏ quân chủ, tuyên bố dân quyền, khi dân đã có quyền thì chuyện gì cũng làm được kể cả đánh Pháp, còn trông vào nước Nhật là hy vọng viển vông. Ngược lại, đối với Sào Nam thì lợi dụng quân chủ để đánh Pháp, nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Riêng chỉ có chuyện đưa du học sinh sang Nhật là Phan Châu Trinh ủng hộ.
Kể từ đó, xuất hiện từ hai luồng tư tưởng trái ngược nhau, hai tổ chức đối lập.
Ba năm sau, Nhật cấu kết với Pháp ra lệnh trục xuất du học sinh, Cường Để và Phan Bội Châu về nước. Phong trào Đông Du tan rã.
Sau khi về nước, Phan Châu Trinh đi diễn thuyết khắp nơi, chủ yếu là nói về sự viển vông khi nhờ Nhật giúp đỡ, ông nói : “Người mình không khai dân trí, liên lạc đoàn thể để làm cơ sở mà chỉ ngồi trông người ngoài: cái bệnh dục tốc kiến tiểu (muốn cho nhanh để đạt được mục tiêu), không ích gì mà lại có hại”.
Ông quyết định liên lạc với chính quyền Pháp để công khai và hợp pháp hóa tư tưởng và hoạt động của phe mình. Tháng 8/1906, ông viết “Đầu Pháp chính phủ thư”, được xem như tuyên ngôn của phong trào Duy Tân.
Bức thư gây tiếng vang lớn, nêu lên nỗi cùng cực của dân nghèo, thực dân dung túng quan lại, quan lại thì ức hiếp nhân dân, đẩy nhân dân vào bước đường cùng “tát hết nước mà bắt cá”. Ông cũng nêu cách giải quyết rành mạch: trọng dụng nhân tài, quan lại thưởng phạt rõ ràng, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, mở rộng báo chí, bỏ khoa cử, cải cách pháp luật, thuế má và giáo dục.
Những cải cách đó không trông cậy mỗi vào Pháp, phong trào Duy Tân đã tự gánh vác, nhân sĩ khắp miền cùng bắt tay thực hiện.
Như vậy, năm 1906, phong trào Duy Tân được phát động không chỉ trong Quảng Nam mà ra cả Trung Nam Việt.
Khí thế của phong trào đã lên, tư tưởng, chí hướng và phương pháp đã có, các nhân sĩ tự gánh vác công việc nhưng vẫn có liên kết. Nhiều tổ chức được thành lập như thương hội, nông hội, trường học, hội mặc đồ tây, hội diễn thuyết…
Một đợt sóng phong trào dân sự cấp tiến nở rộ.
Nổi tiếng khi đó có bài ca “Khuyến học” của Trần Quý Cáp, tóm tắt phần lớn tư tưởng Duy Tân: (1) xây dựng một nền giáo dục toàn diện, học đúng đường để làm rạng danh dân tộc; (2) thế giới mạnh thắng, yếu thua, nước muốn mạnh phải giàu, đạt được giàu mạnh phải khôn, khôn là từ học mà ra; (3) dùng chữ quốc ngữ để phổ cập dân chúng; (4) phải biên dịch sách để mở mang đầu óc; (5) hiệp thương, hùn vốn mở công ty để tự thân tự lực.
Thương hội là bộ mặt rất nổi của Duy Tân. Bấy giờ nhân sĩ đứng ra buôn bán là một điều mới mẻ, vì sĩ phu thường coi khinh tiền bạc. Công việc kinh doanh vào tận miền trong rồi ra miền ngoài. Nhân sĩ coi đó là quốc thương, đóng tiền lời của thương hội để phát triển giáo dục và xã hội.
Liên Thành là một công ty do Phan Châu Trinh và Nguyễn Trọng Lợi sáng lập, thương hiệu còn tồn tại đến ngày nay, ngoài ra còn có Hồng Tân Hưng, Minh Tân khách sạn ở Sài Gòn, Tân Hợp Long ở Long Xuyên…
Phan Châu Trinh rất có tài diễn thuyết, mỗi lần diễn thuyết dân chúng kéo đến xem rất đông. Hội diễn thuyết là do Phan Châu Trinh lập, không chỉ để truyền bá tư tưởng dân quyền mà còn để kêu gọi quốc dân hưởng ứng nền tân học, học pháp văn, chữ quốc ngữ, xã hội đông tây, kinh tế, địa lý và trở thành con người hữu dụng.
Nhiều trường lớn được lập ra như Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Quảng Phước… Người dạy đều tự lực cánh sinh, không có lương bổng, trường học thiếu thốn vậy mà rất nhiều người tìm đến học.
Phong trào Duy Tân đã để lại một cải cách lớn trong giáo dục Việt Nam. Các trường được lập ra nhằm đào tạo người có tư tưởng, yêu nước, mở trí não để làm ra của cải, giáo dục lý thuyết lẫn thực hành gắn chặt với đời sống nông nghiệp. Nhà trường không chỉ đào tạo trí thức, mà còn đào tạo tính khí, nhân cách và lý tưởng.
Trường học còn được mở rộng ra các miền khác nhau, điển hình có Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, vốn có thanh thế rất lớn do được tập trung đầu tư, nhiều lãnh tụ tham gia và khoảng 700 học sinh theo học. Lập Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là ý của Phan Châu Trinh để giải tỏa áp lực cho các tỉnh trung kỳ.
Có thể nói mô hình giáo dục của phong trào Duy Tân khá toàn diện.
Bên cạnh giáo dục, phong trào còn xóa bỏ những sinh hoạt lạc hậu, cản trở hoạt động như để móng tay dài, quần áo luộm thuộm, ăn trầu. Tuy nhiên, cắt tóc là việc làm trước tiên, mà trước hết là các nhà nho là người đi đầu với bộ tóc ngắn, gây xúc động mạnh mẽ và có những ảnh hưởng rất tốt.
Thời đó, phong trào cắt tóc đang lên. Tóc ngắn là dấu hiệu của những người theo tư tưởng mới. Nhiều thanh niên sắm cho mình một cái kéo, đi tuyên truyền và vận động cắt tóc, vừa cắt tóc vừa đọc vè:
Cúp hề! cúp hề!
Tay mặt cầm kéo, tay trái cầm lược
Đũng đĩnh cho khéo
Bỏ cái ngu mày, bỏ cái dại mày
Học theo người Tây
Hãy còn ăn mặn, hãy còn nói láo
Phen này ta cúp, phen này ta cạo
Các nhà Duy Tân còn phải tập nhiều thói quen mới từ việc bỏ mặc cái áo dài lượt thượt sang mặc đồ Tây. Phan Châu Trinh có lẽ là nhà nho mặc đồ Tây đầu tiên đến nổi thành mốt; cạo trắng răng; bỏ tục ăn trầu phun nhổ kém vệ sinh; tập cầm bút sắt khác với bút lông; ngồi bàn viết thay còng lưng trên phản; tập đi giày, thắt cà vạt; tập tranh luận có phương pháp; tập bắt tay; lập tổ chức mới phải có chủ trương, phân công và tổ chức rõ ràng.
Phổ biến chữ quốc ngữ là công việc có ý nghĩa lớn lao nhưng cũng lắm gian nan. Sự ảnh hưởng của nho học lúc này còn lớn, chữ quốc ngữ lại mang dáng dấp phương Tây nên bị nhiều người nguyền rủa, tẩy chay. Lợi thế của chữ quốc ngữ là học nhanh, lại dùng tiếng Việt để suy luận rồi viết nên nhanh hơn, thích hợp để phổ cập cho quần chúng, còn chữ Hán phải mất 8, 9 năm mới hiểu được.
Từ những con người trì trệ, kiểu cách, khinh đời, nhà nho mới trở nên linh hoạt, tự nhiên, gần gũi với nhân dân. Vậy là đã xuất hiện một thành phần nhà nho cấp tiến muốn đoạn tuyệt, muốn rời bỏ quá khứ, bỏ cái thói giáo điều.
Tháng giêng năm 1908, dân biến bắt đầu phát ra ở Đại Lộc, Quảng Nam do tri huyện dùng sưu thuế hà hiếp dân nghèo.
Dân nghèo các xã được lấy chữ ký xin giảm thuế, rồi đến gặp tri huyện nhờ trình lên tỉnh. Tri huyện lúc này hoảng sợ bỏ chạy lên tỉnh rồi lên Tòa công sứ Pháp ở Hội An. Dân ùn ùn kéo nhau lên Tòa công sứ, ngồi lỳ không đi.
Đất Hội An là nơi buôn bán, tin tức truyền đi khắp nơi, tin giả sẽ được miễn thuế cho xã này xã kia lan ra, thành thử dân chúng kéo đến ngày một đông. Ai đi xin xâu (sưu) cũng cắt tóc ngắn, trở thành một dấu hiệu của phong trào.
Hoạt động của nhân dân rất có tổ chức. Hết lớp này tọa kháng xong về nghỉ, lại đến lớp khác đến thay, được tiếp tế cơm nước nên ngày càng dai dẳng. “Cơm đùm, cơm gói xuống nha/Rủ nhau kéo hết xuống tòa xin xâu”. Theo Phan Châu Trinh có ngày lên đến 6.000 người, có bài văn tế ghi là 8.000 người, là con số kỷ lục thời ấy vì dân cư còn thưa thớt.
Tin dân Quảng cúp tóc xin xâu lan đi khắp nơi từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa. Đâu đâu cũng có cúp tóc xin xâu, rồi trở thành “dân biến kháng thuế”.
Đụng vào sưu thuế là đụng vào nồi cơm của Pháp. Thực dân ra tay đàn áp khốc liệt, đoàn người xin xâu tan vỡ, lệnh giới nghiêm được ban hành. Thời kỳ khủng bố trắng bắt đầu.
Dân biến kháng thuế là thành tựu lớn nhất của phong trào Duy Tân, là khi tư tưởng dân quyền của phong trào đã phổ biến và tác động rộng rãi trong dân chúng.
Tư tưởng dân quyền đã soi sáng người dân. Nhưng tư tưởng để làm gì khi phải è cổ ra đóng thuế, nên dân phải trỗi dậy thực hành cái dân quyền của mình. Dân chỉ van xin gào thét, thỉnh cầu, đày đọa thân xác chứ nhất định không bạo động. Phan Châu Trinh đã nói: “bạo động tất tử”.
Tuy các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân không lãnh đạo trực tiếp “cắt tóc xin xâu” nhưng các cụ là người chủ trương về chiến lược. Các sĩ dân đã hành động quá tích cực, vượt khỏi dự liệu của những người chủ trương.
Sau dân biến tháng 4 năm 1908, Pháp thẳng tay đàn áp, bắn, chém dân và giam các sĩ phu, dùng mọi phương cách để tiêu diệt lực lượng mới nổi này.
Các lãnh đạo của phong trào Duy Tân mặc dù không trực tiếp điều hành nhưng đều bị liên lụy. Huỳnh Thúc Kháng bị bắt, Trần Quý Cáp bị xử tử. Phan Châu Trinh cũng bị bắt từ Hà Nội đưa về Huế (4/1908) nhưng do đối đáp rành mạch, lại có sự sự bảo hộ của Hội Nhân quyền nên chỉ bị đày đi Côn Lôn.
Trang sử của phong trào đến đây tạm kết thúc.
Xin mượn lời của học giả Nguyễn Văn Xuân để kết lại phong trào Duy Tân: “Những kẻ, những tổ chức rành rỗi về chính trị không sợ những cá nhân dù cá nhân ấy tài giỏi tới đâu. Họ không sợ những trí thức dù trí thức ấy ồn ào, la hét om sòm gây xúc động. Nhưng họ rất sợ quần chúng khi quần chúng đứng lên. Và nhất là quần chúng có lãnh đạo, có tổ chức, có sách lược tranh đấu, có mục tiêu hướng tới”.
Hai năm sau khi Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo, Hội Nhân quyền Pháp đã can thiệp để ông được tự do, nhưng ông bị giam lỏng ở Mỹ Tho.
Không chịu cảnh mất tự do, ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương yêu cầu một là được sang Pháp, hai là trở lại Côn Đảo. Năm 1911, chính quyền Đông Dương cho Phan Châu Trinh sang Pháp cùng con trai là Phan Châu Dật.
Sang Pháp, ông ở nhà luật sư Phan Văn Trường, tiếp tục tranh đấu cho dân quyền. Ông gặp gỡ, thảo luận với Kiều bào và cả người Pháp ủng hộ tự do, dân chủ. Cũng vì thế, chính quyền Pháp cắt trợ cấp của ông và học bổng của con trai. Phan Châu Trinh tin rằng muốn tự do tư tưởng thì phải tránh lệ thuộc vào kinh tế, nên ông sinh sống bằng nghề rửa ảnh.
Cuộc sống ở Pháp tuy vất vả nhưng chí khí của ông vẫn không giảm. Năm 1914, ông bị bắt giam do nghi ngờ dính líu đến Đức nhưng sau đó được đảng Xã hội Pháp can thiệp nên được thả. Trong thời gian này, Phan Châu Trinh đã gặp gỡ Nguyễn Tất Thành và thành lập Hội người Việt yêu nước tại Pháp.
Ông luôn tận dụng cơ hội để tranh đấu cho người dân trong nước. Năm 1919, ông cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1920, ông hội kiến với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Pháp đòi cải cách chính trị Đông Dương. Khi vua Khải Định sang Pháp, Phan Châu Trinh đã viết “Thất điếu thư”, 7 điều buộc tội Khải Định và khuyên vua về nước để không làm nhục quốc gia.
Đến cuối tháng 5 năm 1925, Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp về lại Sài Gòn. Ông Ninh đưa Phan Châu Trinh về khách sạn của cha mình là Chiêu Nam Lâu để tá túc, gần với phố Nguyễn Huệ bây giờ.
Không lâu sau, cụ rời Sài Gòn về Mỹ Hòa, Hoóc Môn, nhà của cha Nguyễn An Ninh, để tiện đón tiếp bạn bè và chữa bệnh.
Mặc dù sức yếu, nhưng ông vẫn diễn thuyết thêm hai đề tài là Đạo đức và Luân lý Đông tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, làm thức tỉnh nhiều người trẻ tại Sài Gòn.
Ngày 24 tháng 3 năm 1926, Nguyễn An Ninh bị bắt tại nhà. Đêm hôm đó lúc 9 giờ 30, Phan Châu Trinh qua đời tại Chiêu Nam Lâu khi vừa mới 53 tuổi.
Đám tang của ông được cử hành tại Sài Gòn. Hơn 60.000 người đã đến dự và lễ truy điệu được các sĩ phu tổ chức khắp cả nước.
“Đám tang cụ Phan Châu Trinh từ đây đi đến nghĩa địa Gò Công là sự bày tỏ tâm tư, ước vọng lớn nhất về đất nước, cuộc sống xã hội của người Việt Nam ở Sài Gòn, một đám tang khổng lồ với lượng người đi rước, các cửa tiệm của người Việt ở Sài Gòn – Chợ Lớn đều đóng cửa, mà báo chí Pháp nói ngày đó là ngày Việt Nam thức tỉnh”. (*)
* Bài có sử dụng ảnh bìa của Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời, có chỉnh sửa.
Tài liệu tham khảo:
1. Phong trào Duy Tân (Nguyễn Văn Xuân, NXB Lá Bối)
2. Phan Châu Trinh và cuộc đời cách mạng (Báo Đà Nẵng)
3. Cụ Phan Châu Trinh và Phong trào Duy Tân (RFA)
(*). Sài Gòn – Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người (Nguyễn Đức Hiệp, NXB Văn hóa – Nghệ thuật)
====
Leave a Comment