Không biết có nên dùng từ chính trường trong ngoặc kép hay không, đối với giới chính khách Việt đang đấu đá nhau sôi sục, mà có người ví y như… “chuồng gà”.
Vào cuối tuần trước, trong lúc vụ Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cùng Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tạm lắng, lại nổi lên cuộc chiến quyết liệt tại Đà Nẵng. Tình thế dường như đã đến lúc “có tôi không có anh”.
Tuy chỉ là một trong 63 tỉnh thành ở Việt Nam, Đà Nẵng lại thường được xem là thủ phủ miền Trung, giống như Hà Nội là trung tâm miền Bắc và Sài Gòn là trung tâm Miền Nam. Mà đã mang tính “trung tâm” tất cũng dẫn đầu về số lượng nhân sự được ưu tiên “vào trung ương” lẫn kèn cựa đấu đá nhau.
Trong lịch sử của chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây và cho đến thành phố Đà Nẵng hiện nay, chưa bao giờ không khí đấu đá lại khẩn trương và manh động như lúc này. Chẳng khác gì chiến thuật được các phe phái sử dụng tấn công nhau trước đại hội 12, một lần nữa mạng xã hội lại trở thành kênh truyền tải các đơn thư tố cáo cùng các bài viết nặc danh đánh lẫn nhau.
Tuy nhiên có một điểm khác với tiền đại hội 12 là vào lần này, một số tờ báo nhà nước đã “vào cuộc”. Cùng với vụ Chủ tịch Bắc Ninh bị “các cá nhân từ trung ương đến địa phương đe dọa” liên quan vụ cát tặc, nhiều dấu hiệu ho thấy một số thế lực chính trị kết hợp với nhóm lợi ích kinh tế đang hợp tác với nhau theo cung cách mafia chính trị. Bầu không khí này khiến người ta nhớ lại khung cảnh vài năm sau thời hậu Xô viết: cũng là các tập đoàn mafia xuất hiện nhan nhản, chủ yếu là lớp cựu quan chức của chế độ cũ cùng số con ông cháu cha… Loạn chính trị cũng từ đó mà ra.
Vào cuối tuần trước, miền Trung còn ghi dấu một động thái liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: vài thư tố cáo “bất ngờ” hiện ra, tố ông Phúc chỉ đạo đập bỏ tòa nhà văn phòng chính phủ do mê tín dị đoan. Và một thư khác trưng ra văn bản ông Phúc từng chỉ đạo cho Formosa thuê đất 70 năm sai pháp luật. Tuy nhiên, thư tố cáo này không đề cập đến những nhân vật khác liên quan trách nhiệm, chẳng hạn như ông Hoàng Trung Hải…
Còn nhớ khoảng nửa năm trước đại hội 12, một số đơn thư tố cáo ông Nguyễn Xuân Phúc cũng xuất hiện. Địa chỉ được xem là lộ diện tấn công ông Phúc dữ dằn nhất là trang mạng Chân Dung Quyền Lực. Tuy nhiên từ đó đến nay, người ta không còn thấy trang Chân Dung Quyền Lực tiếp tục đăng bài, dù trang này vẫn được truy cập không mấy khó khăn.
Kịch bản cũ dường như đang được lặp lại. Một phần mạng xã hội, cộng với yếu tố mới là một số tờ báo nhà nước đang trở thành “người phát ngôn” cho các thế lực chính trị trong đảng. Đặc biệt khi có thông tin Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền sắp diễn ra và có thể “thảo luận sâu” về công tác nhân sự.
Nếu tuần trước bất ngờ bùng nổ hàng loạt vụ việc đấu đá quyết liệt, có khả năng tuần này là một sự tiếp nối với mức độ căng thẳng hơn.
Lê Dung / SBTN : http://www.sbtn.tv/chinh-truong-tiep-tuc-soi-suc/
Leave a Comment