Thêm một lần nữa, sau rất nhiều lần, Bộ Xây Dựng lại “vẽ” ra một tương lai sán lạn: con số tổng giá trị tồn kho bất động sản ở Việt Nam chỉ chưa đầy 30 ngàn tỷ đồng, còn tồn kho bất động sản ở riêng Hà Nội và Sài Gòn chỉ có 11 ngàn tỷ đồng.
Nhưng chúng ta có thể phác ra một tiêu chí liên hệ: cứ nhìn vào cách “vẽ” tồn kho bất động sản là có thể hình dung được “tồn kho chế độ” đang ở giai đoạn nào.
Nếu Bộ Xây Dựng đưa ra con số tồn kho bất động sản để so sánh với năm 2013, thì có thể nhận ra là từ năm 2013 đến nay, chế độ vẫn giữ nguyên não trạng kém minh bạch, và ma mị về số liệu kinh tế.
Ngay vào năm 2013 đã phát lộ tính dối trá đậm đặc: trong khi tỷ lệ nợ xấu trong dư nợ thuộc lĩnh vực bất động sản được Ngân hàng Nhà nước công bố vào tháng 5/2013 chỉ là 5.68%, còn vào tháng 8/2013 Bộ Xây Dựng lại nêu ra một con số mới về tỉ lệ nợ xấu bất động sản chỉ có 6.5% – tức là có cao hơn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gần 1%, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại đưa ra một con số bất ngờ và đột biến về tỷ lệ này lên đến 33-35%.
Rõ ràng, các cơ quan như Bộ Xây Dựng và Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết tâm phong tỏa số liệu nhằm bưng bít một cuộc khủng hoảng bất động sản – ngân hàng rất có thể sẽ xảy ra.
Ngay cả những chuyên gia thâm niên trong ngành bất động sản như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất đông sản TP.HCM, cũng đầy nghi ngờ đối với các con số tồn kho do Bộ Xây Dựng nêu ra. Gần đây, ông Châu đã nêu ra một thực tế khác: chỉ riêng tại TP.HCM, với 500 dự án trên địa bàn thành phố bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án bất động sản dở dang, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, chính là “phần chìm của tảng băng hàng tồn kho”.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Xây dựng đã chỉ tính đến những dự án “bán được” trong một ít dự án được khảo sát, mà hoàn toàn không tính đến 500 dự án bị ngừng thực hiện ở TP.HCM và có thể chừng đó dự án ở Hà Nội. Do vậy, lượng tồn kho bất động sản “đẹp” là phải.
Thậm chí ngay cả những dự án “bán được” cũng có một phần được phù phép, bởi sự thông đồng giữa các công ty kinh doanh nhà đất: công ty này mua của công ty kia và rao lên rằng ‘dự án đã bán sạch”.
Không khí trái ngược giữa các con số báo cáo và con số thực về nợ xấu ở Việt Nam rất dễ làm người ta nhớ lại trường hợp Thái Lan năm 1997. Trước khủng hoảng, tỉ lệ nợ xấu bất động sản tại quốc gia này được báo cáo chỉ có 5%, nhưng đến khi xảy ra khủng hoảng thì tỉ lệ này đã tăng vọt đến 50%, tức gấp đúng 10 lần.
Chính người Anh đã cung cấp cho giới điều hành khuất tất của Việt Nam cái minh chứng đó. Vào đầu năm 2013, John Sheehan – thành viên của tổ chức Giám định bất động sản Hoàng gia Anh (FRICS-Fellows of the Royal Institution of Chartered Surveyors), đã có một chuyến thăm Việt Nam, và đã cung cấp một kinh nghiệm là tỉ lệ nợ xấu thực bao giờ cũng cao gấp ít nhất 4 lần con số báo cáo.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn tồn đọng số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng trên 500 ngàn tỷ đồng, trong đó 70% chính là nợ xấu bất động sản.
Lê Dung / SBTN:
Leave a Comment