Ngày hôm nay, những người yêu nước tưởng niệm 29 năm giỗ đảo Gạc Ma và 64 tử sĩ Gạc Ma.
Tại Hà Nội, nhiều người bị canh, chặn không cho ra khỏi nhà: Lê Anh Hùng, Hà Thanh, Hoàng Công Cường, Nguyễn Tường Thụy…
Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ tổ chức Lễ hội hoa anh đào. Những người đến thắp hương cho các tử sĩ Gạc Ma bị những chiếc loa điện xua đuổi, chửi họ là phản động, chống phá nhà nước. Một số tên nam có, nữ có đã quen mặt gây sự, chửi bới những người đi tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma.
Một số người bị bắt về đồn: Trương Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Phương Bích, Huỳnh Ngọc Chênh, Trần Thị Thảo, Dung Thế Phụng, Trịnh Bá Phương, Đào Tiến Thi…
Một nhóm khoảng 10 người ra Sông Hồng làm lễ tưởng niệm để tránh bị phá. Sau khi tưởng niệm xong, Nguyễn Việt Dũng, Đỗ Thanh Vân bị đánh trả thù gần đồn công an phường Bách Khoa khi các bạn đi đòi chị Trần Thị Thảo bị bắt.
Những lễ tưởng niệm trước đây cũng đều trong tình trạng tương tự.
Sau nhiều năm im lặng do nhà cầm quyền cố tình che giấu lịch sử, cách đây gần 10 năm, sự kiện Gạc Ma mới được những người yêu nước nhắc lại. Từ đó, mỗi năm, họ đều tìm mọi cách tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân những người lính đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tuy nhiên, năm nào, việc tưởng niệm ấy cũng bị ngăn cản từ phía nhà cầm quyền.
Không chỉ Gạc Ma, việc tưởng niệm Hoàng Sa 19/1, Chiến tranh biên giới 17/2 cũng đều chung tình trạng như thế.
Lịch sử chưa bao giờ ghi nhận việc người dân đi tưởng niệm những người lính vị quốc vong thân bị nhà cầm quyền ngăn cản, bắt bớ, đánh đập. Chuyện này mới chỉ thấy ở Việt nam.
*
Ngày 14/3/1988, Cộng sản Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Những người lính Gạc Ma đứng thành hàng như những cột mốc xác định chủ quyền, mặc cho đạn pháo của Trung Cộng nã vào mà không có sự chống trả. Tại sao vậy? Vì họ được lệnh không được nổ súng. Vũ khí chỉ có vài khẩu AK nhưng cũng không được sử dụng
Sự kiện này được tướng Lê Mã Lương xác nhận tại hội thảo Minh Triết Biển Đông ngày 14/6/2014. Tướng Lương cho biết một lãnh đạo cấp cao “đã lệnh là bộ đội ta không được nổ súng nếu như Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa”.
Tướng Lương nói tiếp “trong một cuộc họp của bộ chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đập bàn và nói: Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?”
Lãnh đạo cấp cao đó là ai? Mặc dù tướng Lê Mã Lương không nói ra nhưng ai cũng đều hiểu đó là Lê Đức Anh, khi đó là Bộ trưởng quốc phòng và sau này làm chủ tịch nước.
Những người lính ngã xuống vì chủ quyền của đất nước trước quân xâm lược Trung Quốc đều có nỗi đau chung là bị nhà cầm quyền cố lãng quên. Các cuộc chiến tranh này không được đưa vào sách giáo khoa. Các lễ tưởng niệm đều bị ngăn cản, cấm đoán.
Các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh Biên giới phía Bắc dù sao cũng đã nổ súng tiêu diệt kẻ thù trước khi nằm xuống.
Tử sĩ Hoàng Sa có nỗi đau riêng. Các Anh đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc nhưng không được nhà cầm quyền công nhận. Nói thế, có lẽ tôi cũng nhầm. Nói Các Anh không cần nhà cầm quyền công nhận, mà chỉ cần nhân dân công nhận mới đúng.
Liệt sĩ Gạc Ma, còn đau hơn. Các Anh đã chết tức tưởi vì không được phép nổ súng mà chết. Lực lượng Trung Quốc hôm ấy không đông. Theo tướng Lê Mã Lương, chúng “chỉ có hơn 40 lính với mấy cái xuồng bằng hợp kim nhôm đổ bộ vào”. Nếu Các Anh được phép đánh trả như lẽ thường trong bất cứ một cuộc chiến nào khác thì Tổ quốc có mất Gạc Ma không? Các Anh có chết đến 64 người không và nếu hy sinh tất cả thì trước khi hy sinh, các anh đã bắt quân thù trả giá ít nhất cũng là tương xứng.
Wikipedia và một số trang báo khác gọi sự kiện 14/3/1988 là Hải chiến Trường Sa. Điều này cần phải xem lại. Đánh nhau là phải có kẻ đánh, người đánh lại. Nếu không đánh lại thì cũng phải chống đỡ làm tiêu hao sức mạnh hoặc vô hiệu hóa sức mạnh đối phương thì mới gọi là đánh nhau. Trong sự kiện Gạc Ma, chỉ có một bên tấn công, nổ súng, còn một bên chịu trận thì có gọi là hải chiến được không. Vậy nên cần phải gọi sự kiện Gạc Ma sao cho đúng bản chất chứ không thể gọi là hải chiến.
Đó là cái chết tức tưởi.
Sau đó, sự kiện Gạc Ma không được nhắc lại, không được ghi vào sách giáo khoa môn lịch sử. Báo chí cũng không được phép nhắc đến. Không có một lễ tưởng niệm, tôn vinh nào từ phía nhà cầm quyền. Chỉ có những người dân uống nước biết nhớ nguồn nhớ đến các anh. Tất cả các hoạt động tưởng niệm Các Anh đều bị phá, có cả đổ máu.
Lính đánh thuê cũng không đến nỗi bị đối xử như thế.
Thêm một lần tức tưởi nữa.
Cái tức tưởi của 64 liệt sĩ Gạc Ma là như vậy.
Ngày giỗ Gạc Ma lần thứ 29
Nguyễn Tường Thụy
Blog Nguyễn Tường Thụy, RFA
—
Lời Tử Sỹ – Gạc Ma 1988 (Click xem video clip)
Leave a Comment