Tin đồn” về việc chính quyền quận 2 sẽ giải tỏa khu trường học của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xuất hiện vào Tháng Hai, lập tức thu hút sự chú ý và chia sẻ từ cộng đồng mạng, giới Công Giáo và những người yêu quý di sản văn hóa. Sau vài lần chứng kiến “giải tỏa hụt” tại đây, công luận nhân quyền một lần nữa lại dậy sóng.
Tổng lãnh sự Canada tại Sài Gòn đã phải đưa ra lời cảnh báo về tương lai cận kề giải tỏa trắng tu viện này và nhà thờ Thủ Thiêm, hàm ý rằng các di sản của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm còn lâu đời hơn cả Canada, đồng thời lên tiếng cảnh báo việc nhà cầm quyền thành phố dự định phá dỡ cơ sở tôn giáo này.
Thế nhưng từ đó đến nay lại chưa có động tĩnh gì từ phía chính quyền. Phía trước nhà thờ vẫn thậm thụt láo lác vài ba nhân viên an ninh, nhưng không thấy hiện ra xe ủi theo kiểu “cày sâu cuốc bẫm.”
Vậy vì sao “tin đồn” giải tỏa xuất hiện và nhằm mục đích gì?
Quá khứ “tin đồn”
“Tin đồn” trên lại có nét khá tương đồng với “tin đồn” sẽ cưỡng chế và giải tỏa chùa Liên Trì của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, xuất hiện đều đặn hàng năm và đặc biệt trước Tháng Tám, 2016. Cứ thỉnh thoảng, Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, lại được Phật tử nào đó cho biết là chính quyền quận 2 “sẽ cưỡng chế chùa vào ngày X…” Nhưng điều lạ lùng là có vẻ những nạn nhân tương lai của vụ giải tỏa không mấy tự hỏi là làm sao Phật tử lại có thể biết được kế hoạch chi tiết ngày giờ cưỡng chế giải tỏa của chính quyền – những chi tiết luôn nằm trong độ “tuyệt mật” của ngành công an, dù là công an cấp quận?
Tất nhiên, sau tin tức đầy đe dọa đó được đưa ra, cả chùa mất ngủ, còn Thầy Không Tánh lên huyết áp. Không khí trong chùa vào thời gian gần “ngày X” căng như dây đàn. Thông tin về giải tỏa chùa cũng được đưa lên mạng xã hội và gửi đến các cơ quan ngoại giao lẫn các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Nhưng đến “ngày X,” mọi chuyện vẫn yên tĩnh. Chỉ có công an mặc thường phục lượn lờ xung quanh chùa.
Phải đến vài ba lần sau khi có “tin đồn” tương tự trên, cũng là vài ba lần Hòa Thượng Thích Không Tánh đau tim và phải đi bệnh viện, chùa Liên Trì mới chính thức bị một lực lượng cưỡng chế lên tới vài ba trăm công an và dân phòng. Thời điểm giải tỏa đó – Tháng Tám, 2016 – lại khá bất lợi cho chùa Liên Trì: quan hệ Việt – Mỹ bất chợt lạnh đi dù Tổng Thống Mỹ Barack Obama vừa khoát tay gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, còn công an Việt Nam thì vừa ngạo mạn “Việt Nam sẽ vào TPP mà chẳng cần thả đứa nào” vừa bắt đầu khởi động chiến dịch “bắt người,” trong lúc giới chức sắc tôn giáo ly khai bị gia tăng đàn áp
Tiền vẫn trên hết
Giờ đây, “tin đồn” tái xuất dành cho giới tu sĩ hiền lành, thậm chí hiền lành thái quá, của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Hiện thời cũng là giai đoạn chưa có gì khả quan về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Ngay trước khi “tin đồn” trên xuất hiện, hàng loạt người bất đồng chính kiến bị công an bắt bớ, hàng loạt người khác bị “côn đồ công vụ” đánh đập dã man, một cuộc tuần hành khiếu kiện của bà con giáo dân giáo xứ Song Ngọc ở miền Trung bị công an Nghệ An hành hung không thương tiếc. Trong khi đó, quan hệ giữa Vatican với chính quyền Việt Nam vẫn chưa đạt được “quan hệ đầy đủ” khi tòa thánh vẫn chưa quyết định đặt đại diện thường trú tại Việt Nam.
Rõ là tiền vẫn trên hết. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tọa lạc tại một vị trí sát sông Sài Gòn, nhìn thẳng sang khu trung tâm quận 1, có diện tích đến vài chục ngàn mét vuông với giá thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng/mét vuông, quá đủ để khêu gợi con mắt thèm thuồng của những đại gia và quan chức “2 Đ” (đất và đô la), và hứa hẹn không biết bao nhiêu lợi lộc nếu ai đó “chiếm” được. Diện tích này lại lọt thỏm trong quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền luôn lấy cớ quy hoạch để giải tỏa đất tôn giáo.
Cũng vào năm 2015, nghe nói chính quyền ở Sài Gòn đã “cân lên đặt xuống” giữa chùa Liên Trì và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xem “cái nào giải tỏa trắng dễ hơn.” Nếu xét về bản lĩnh, rõ ràng Hòa Thượng Thích Không Tánh thuộc dạng “cứng đầu” hơn nhiều so với các soeur ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. So với thái độ dứt khoát không nhận bồi thường của hòa thượng, các soeur lại có vẻ thiếu kinh nghiệm, thiếu thống nhất và không mấy quyết liệt vạch rõ âm mưu chiếm đất của dòng tu này. Chính cách cư xử quá “mềm” như thế có thể ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế của Công Giáo Việt Nam và sự tồn vong của dòng.
Nhưng dòng này lại được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ của Giáo Hội Công Giáo trong nước mà cả giáo hội khắp thế giới. Chuyến thăm của Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đến dòng hồi đầu năm 2016 đủ nói lên mối quan tâm đó.
Thế là thay vì “bứng” Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước, chùa Liên Trì đã bị chính quyền thành phố cho “thế mạng.” Vai trò của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lại luôn bị chính quyền Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật, càng khiến chùa trở thành ốc đảo chơ vơ dễ bị xâm phạm hơn.
“Ném đá dò đường”
Sau khi chùa Liên Trì bị san phẳng không còn bất kỳ vết tích gì, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đương nhiên nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền. Nhiều thông tin cho biết chính quyền quận 2 (đứng đằng sau là chính quyền thành phố) cùng những tổ hợp nhóm lợi ích sẽ không buông tha cho dòng.
So với chùa Liên Trì chỉ có diện tích hơn 600 thước vuông, khu đất quá rộng của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm sẽ là phần thưởng xứng đáng cho giới tài phiệt có đủ dũng khí “vì nước quên thân, vì dân phục vụ.”
Cái cách xuất hiện “tin đồn” về giải tỏa khu trường học của dòng Tháng Hai rất có thể là một động tác “ném đá dò đường,” tuân thủ chặt chẽ chiến thuật tạo tác động tâm lý và từ đó gây khủng bố tâm lý hàng giáo phẩm giáo hội Công Giáo, vượt quá sức chịu đựng của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm khiến giới các vị nơi đây buộc phải xống áo ra đi vào một ngày nào đó.
Nếu không bị cộng đồng và dư luận trong ngoài nước phản ứng mạnh mẽ, việc chính quyền làm nhiều cách để lấn ép các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và giải tỏa khu nhà thờ này sẽ chỉ còn là thời gian nào trong năm 2017 mà thôi.
**
Phạm Chí Dũng – Người Việt
Leave a Comment