Việc lấn chiếm vỉa hè để xây dựng trái phép hay buôn bán từ lâu đã diễn ra ở các thành phố lớn, ít nhiều với sự làm ngơ của chính quyền không phải là một điều mới lạ, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Nhà cầm quyền CSVN từng đưa ra các chỉ thị giải tỏa vỉa hè để dành cho người đi bộ. Nhưng mọi thứ đều trở thành như cũ, thậm chí ngày một lan rộng khi mà dân nhập cư vào thành phố lớn ngày đông hơn.
Lý do là các tiệm buôn, tiệm ăn muốn nới rộng hơn cơ sở của mình, hậu quả là họ phải lấn ra vỉa hè. Nhưng muốn làm được điều này, họ phải đóng tiền “làm ngơ” của cán bộ Phường hay cấp cao hơn. Đó là lý do vì sao từ năm 2011 khi Thành phố Sài Gòn đưa ra chủ trương khá quyết liệt thời đó là “giải phóng vỉa hè” với một đội ngũ giải toả lên đến vài trăm người, nhưng thất bại.
Lần này, sau những ngày đầu xuân Đinh Dậu vừa kết thúc, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Quận 1 đã quấy động dư luận khi ông đích thân xuống đường chỉ đạo nhân viên “giải phóng vỉa hè” như một ông tướng “xông trận”.
Việc làm của ông Hải đã tạo ra hai luồng phản ứng: tán thành, khen ngợi, cũng có chê trách gọi đó là một hành động cưỡng ép vô pháp luật, nhất là tỏ ra bất nhân với người nghèo.
Những hình ảnh xuất hiện trên các trang mạng xã hội cho thấy những chiếc búa tạ, những chiếc xe cẩu và đông đảo người của đơn vị “trật tự đô thị” thường thấy trước đây trong những lần xô đẩy, bắt bớ những người bán hàng rong đang kêu gào khóc lóc. Nhưng lần này nổi bật nhất là hình ảnh của ông Đoàn Ngọc Hải không khác gì viên tướng cầm đầu thời “vệ binh đỏ” hoành hành.
Về mặt chính quyền, việc dọn dẹp những “chướng ngại” lấn chiếm vỉa hè là đúng, nhưng cách làm của Quận 1 đang tạo ra nhiều vấn đề trong cách suy nghĩ của mỗi người. Khi đã tạo ra vấn đề, nhất là qua hình ảnh đằng đằng sát khí của viên Phó chủ tịch quận lúc ra tay, sẽ không tránh khỏi sự phê phán. Từ đó chẳng những mục tiêu của công việc không đạt được mà còn trở thành sự đàm tiếu hay bị xuyên tạc. Nhưng có lẽ với quyền hạn mà ông Hải nghĩ là tuyệt đối của mình, ông không cần biết đến những điều đó.
Giá như ông Hải và Quận 1, hay nói một cách tổng quát là cả Thành phố Sài Gòn, làm việc theo một trình tự hoàn toàn hành chánh và đúng luật lệ như:
Thứ nhất, đưa ra một thông báo chính thức và đề ra công việc phải làm nhằm đòi hỏi các cơ quan công quyền, các tư nhân phải triệt hạ, dọn dẹp những gì mà họ đã gây trở ngại trên hè phố. Song song với thông báo công khai, Quận 1 cần thông báo trực tiếp đến những địa điểm bị coi là lấn chiếm vỉa hè để mọi người cùng biết. Điều này Quận 1 hoàn toàn bỏ qua để chọn lối đánh bất ngờ, mạnh tay ngay từ lúc đầu.
Thứ hai, quy định thời gian cho những nơi này tự làm những gì cần làm. Nếu đã có thông báo chính thức mà không đưa ra một thời gian hạn định để các nơi thi hành thì công việc sẽ kéo dài mà không biết bao giờ mới xong; vì cũng có thể có nơi sẽ lờ đi coi như không phải phần việc của mình. Cuối cùng thì vỉa hè thay vì thoải mái cho người đi bộ sẽ trở nên nhếch nhác hơn.
Thứ ba, sau khi đã quá thời gian quy định, các cơ quan công quyền có trách nhiệm sẽ huy động việc tháo gỡ ở những nơi không làm. Nếu câu chuyện giải tỏa vỉa hè bị lấn chiếm được tiến hành tuần tự như vậy sẽ không có ai vì bất cứ lý do gì phản đối. Và nếu phản đối thì đương nhiên bị coi là vi phạm một lệnh hành chánh, sẽ chịu sự chế tài của chính quyền. Nền tảng của một xã hội ổn định là sự tuân thủ pháp luật, trước hết về phía người cầm quyền; nên sẽ không có cảnh nay hùng hổ xuống đường đập phá như một chiến dịch để rồi ngày mai trở lại như cũ có khi còn tệ hơn. Ở đây, Quận 1 lại tỏ ra cứng rắn và quyết liệt một cách vô ích, ngoài sự bất ngờ lúc đầu, còn lại chỉ là chính người cầm quyền đã vi phạm luật pháp.
Hơn thế nữa, cần phải phân biệt giữa những công trình được xây dựng cố định trên vỉa hè và những chiếc xe đậu trái phép trên lề đường. Ông Hải chỉ nên cho nhân viên phá bỏ những công trình nào mà rõ ràng có chủ mưu chiếm vỉa hè lâu dài để làm lợi. Trục đi hay phạt một vài chiếc xe đậu sai luật chỉ là chuyện để thị uy lấy tiếng và là sự lạm dụng quyền lực quá đáng.
Nhưng thử tìm hiểu tại sao ông Hải và Quận 1 không thông báo trước theo quy định hành chánh mà ra tay một cách đột ngột và rầm rộ trong những ngày vừa qua? Có thể vì hai lý do:
– Ngại các cơ quan khác dùng quyền lực cấp cao hơn tạo áp lực để Quận 1 không dám làm, như trường hợp tháo dỡ 4 chốt do Bộ Công an lập ra để giữ kho bạc Ngân hàng Nhà nước trong khu vực Quận 1 để rồi phải lắp lại. Đây có thể là một suy nghĩ không sai, nhưng ngoài ra trong phần nhiều những vụ công khai lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đều có ăn chia “tiền chỗ” với địa phương như đã đề cập bên trên. Trong trường hợp này, giành lại vỉa hè cũng chính là giành lại nguồn lợi từ những thế lực khác. Nhưng cũng chính vì không thông báo trước, nên việc làm của Quận 1 gây ra phản ứng khó chịu những nơi bị càn quét.
– Cũng có thể Quận 1 cho rằng nếu thực hiện theo đúng trình tự luật pháp quy định, một số tư nhân sẽ đối phó bằng cách di dời tạm thời nhưng sẽ mang dựng trở lại trong tương lai. Những chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần nhưng với một chính quyền yếu kém, thờ ơ, việc giải quyết giống như “bắt cóc bỏ dĩa”. Ngoài ra có điều khó hiểu là tại sao chỉ có Quận 1 làm mà các quận khác ngồi yên? Không lẽ chỉ có vỉa hè của Quận 1 bị lấn chiếm? Hay là các quận khác không dám làm, chờ Quận 1 làm thử rồi tính sau? Tâm lý trông chờ “ăn cổ đi trước, lội nước đi sau” của các quận cho thấy phần nào sự vô trách nhiệm của chính quyền trước tình trạng hỗn loạn của xã hội.
Nói tóm lại, dù lý giải như thế nào, qua việc làm của ông Hải và Quận 1 cho người ta nhìn thấy lối hành xử luật pháp rất tùy tiện trong những chế độ cực quyền.
Vụ giải tỏa vỉa hè đáng lý ra nó phải là một chủ trương thống nhất từ Thành phố và các Quận, Phường liên hệ chỉ thi hành theo một trình tự pháp lý có hướng dẫn và thống nhất. Trong khi chỉ thấy Quận 1 trực tiếp xuống đường giải tỏa vỉa hè, các Quận khác im lặng khiến cho người ta nghĩ rằng ông Hải chỉ làm theo nhu cầu quyền lực của đảng ủy Quận 1 chứ không phải cho lợi ích người dân. Rồi đây chính những người lao động vất vả mưu sinh hàng ngày trên các phố phường sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Xem ra, muốn “giành lại vỉa hè” hay muốn biến Quận 1 thành “một Singapore thu nhỏ” không chỉ cần những nhát búa hùng hổ của ông Hải.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment