Từ lâu, những người yêu môn nghệ thuật thứ bảy đều biết rõ Hollywood là kinh đô của điện ảnh thế giới. Có thể nói không quá, nước Mỹ nắm phần quyết định, ảnh hưởng đến toàn bộ nền điện ảnh thế giới (tất nhiên là trừ những xứ các lãnh đạo tối cao tự cho mình quyền can thiệp và chỉ đạo sâu vào tất cả mọi việc).
Hollywood là nơi quy tụ những diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch… hàng đầu, tài năng nhất thế giới. Những bộ phim bom tấn (cả về mặt nghệ thuật) luôn thu hút hàng trăm triệu lượt người xem trên toàn thế giới (cả lãnh đạo Triều Tiên cũng say mê phim Mỹ như điếu đổ).
Bởi thế, sức thu hút, lan tỏa và tầm ảnh hưởng của các ngôi sao, nghệ sỹ lớn tại Mỹ dĩ nhiên là cũng rất lớn.
Nhưng điều có ý nghĩa hơn, là giới nghệ sỹ Mỹ không đứng ngoài cuộc sống. Hay chính xác hơn là không xa rời đời sống chính trị. Họ hiểu giá trị tiếng nói và tầm ảnh hưởng của mình, để dũng cảm nói lên tiếng nói của lương tri, góp phần xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn, công bằng hơn.
Bên cạnh đó, Oscar – giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences) được xem là giải thưởng danh giá bậc nhất, mà bất kỳ diễn viên điện ảnh nào cũng ao ước. Lễ trao giải thưởng Oscar từ 90 năm qua luôn là một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất, quy tụ những ngôi sáng chói, quyến rũ nhất thế giới. Thu hút sự quan tâm đặc biệt của tất cả những người yêu và quan tâm đến điện ảnh, của giới truyền thông toàn thế giới.
Liên quan đến lễ trao giải Oscar, mọi khía cạnh của người nghệ sỹ đều được “soi” đến từng chi tiết nhỏ nhất. Từ chuyện các cô đào mặc váy thương hiệu gì? kiểu tóc ra sao? đi với ai? cho đến những câu chuyện bên lề.
Tuy nhiên, có một khía cạnh tuy có vẻ như chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, nhưng cũng vô cùng lý thú và luôn được dư luận rất quan tâm. Đó là chuyện các ngôi sao điện ảnh sẽ nói gì, bươi móc hay thậm chí “chửi bới” điều gì – đến nhà lãnh đạo cao nhất – đương kim tổng thống Mỹ tại giải Oscar.
Thật khó tin, nhưng ở Mỹ các nghệ sỹ thường thoải mái phê phán, châm chọc tổng thống – về những phát ngôn, hay đường lối, chính sách của ông ta – mà … chẳng sao cả! Lại còn được các fan ủng hộ, hoan nghênh!
Đó là tôi không nói đến chuyện chấm giải Oscar như thế nào – hoàn toàn là do các thành viên trong Ban giám khảo lựa chọn, quyết định. Không hề có chuyện phải phụ thuộc hay bị bất kỳ sự chỉ đạo, lãnh đạo nào từ phía Chính phủ, tổng thống. Nếu tổng thống hay Bộ văn hóa chẳng hạn, mà có ý kiến ý cò chỉ đạo về chuyện nội dung phim ảnh, kịch bản, hay chính trị chính sách, v.v… – là sai luật, xâm phạm quyền tự do sáng tạo, tự do biểu đạt của công dân.
Ngày 26- 2-2017 vừa qua, lễ trao giải thưởng điện ảnh (Oscar) lần thứ 89 đã diễn ra hoành tránh như thường lệ, tại Nhà hát Dolby, Los Angeles, Mỹ. Trong bối cảnh nhiều nhà bình luận cho rằng các chính sách về quyền của người chuyển giới, quan điểm về biến đổi khí hậu, cho đến sắc lệnh hạn chế nhập cư vào nước Mỹ đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo – do tổng thống mới đắc cử Trump đưa ra sẽ là “mồi lửa” bùng phát tại Oscar – qua phát biểu của một số nghệ sĩ có tên trong danh sách đề cử danh giá.
Quả thật, đạo diễn người Iran Asghar Farhadi, đã từ chối bay sang Los Angeles dù có tên trong danh sách đề cử Oscar – để phản đối chính sách nhập cư của ông Trump.
Hay như George Clooney, hôm 22/2/2017, khi báo chí đưa tin ông Trump nói rằng “Hollywood là vùng đất của những tinh hoa ngạo mạn”, nam diễn viên đã chế nhạo lại: “Donald Trump được người khác thể hiện tới 22 vai diễn. Ông ta thu về 120.000 USD một năm từ quỹ hưu trí của Nghiệp đoàn Diễn viên. Chính ông ta cũng là một “tinh hoa” Hollywood”!
Hay hồi tháng 1/2017, tại giải Quả cầu vàng 2017, nữ diễn viên Meryl Streep đã phát biểu phê phán thái độ của tổng thống Trump khi chế giễu một phóng viên khuyết tật. Còn nhà sản xuất Judd Apatow thì nói chính quyền của ông Donald Trump làm anh cảm thấy như bị ”cưỡng hiếp” và “Tôi chỉ không biết khi nào thì mình sẽ bị giết thôi”.
Thật thú vị khi biết rằng khi chương trình lễ Oscar đang diễn ra, MC đồng thời là diễn viên hài Jimmy Kimmel đã lên Twitter (mạng xã hội yêu thích của tổng thống Trump) gắn tên tài khoản tổng thống Trump vào và hỏi một cách châm chọc “ngài có đấy không? Meryl gửi lời chào đến ngài”.
(Được biết ông Trump đã không hồi đáp Jimmy Kimmel, nhưng sau đó trả lời phỏng vấn với CNN rằng: “Họ (các nghệ sỹ) đã quá tập trung vào chính trị đến mức không thống nhất hành động với nhau ở cuối buổi trao giải. Có một chút buồn. Điều này đã làm mất đi vẻ đẹp của giải Oscar”. Hê, Trump cũng “ăn miếng trả miếng” khá đáo để).
Nói chung, bất luận thế nào, thì chúng ta vẫn thấy được một nước Mỹ thực sự bình đẳng và dân chủ – tất nhiên không phải là đã hoàn hảo. Mỗi cá nhân đều có quyền nói lên chính kiến, quan điểm của mình. Đều có quyền phát biểu giữa chốn đông người về việc đồng ý hay không đồng ý với quan điểm, chính sách của nhà lãnh đạo cao nhất mà không có gì phải e ngại. Họ sẽ không sợ bị chụp mũ là “phản động” hay bị bỏ tù vì dám “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chẳng hạn.
Nhưng điều có ý nghĩa hơn, là giới nghệ sỹ Mỹ không đứng ngoài cuộc sống. Hay chính xác hơn là không xa rời đời sống chính trị. Họ hiểu giá trị tiếng nói và tầm ảnh hưởng của mình, để dũng cảm nói lên tiếng nói của lương tri, góp phần xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn, công bằng hơn.
Còn tổng thống thì cũng không tiểu nhân hay hèn hạ đến mức ra lệnh cho lính “xử lý” hay dọa nạt, thông qua mệnh lệnh hành chính. Kiểu như: “tao là lãnh đạo tối cao. Cái gì tao nói ra đều là chân lý. Mày nói ngược với tao là không được”!
Thực ra, bản chất và quan điểm về nghệ thuật giữa các nước tư bản và các nước độc quyền, độc tài (như Trung Quốc hay Triều Tiên) là khác xa nhau. Nếu như Trung Quốc, giới nghệ sỹ đừng mơ đến chuyện làm một bộ phim phê phán chủ tịch Tập Cận Bình. Mà thậm chí một bộ phim có tên “chủ tịch Tập” chẳng hạn – chắc chắn sẽ bị bóp chết từ trong ý tưởng. Trong khi Mỹ hay các nước châu Âu, điều ấy là quá bình thường. Chẳng hạn như rất nhiều bộ phim Mỹ nói về các tổng thống, phim về nữ hoàng Anh, về công nương Diana …vv.
Thôi thì cứ từ từ.
LS Trần Hồng Phong
Blog Bình luận án
Leave a Comment