Ngày 14/02/2017, ngày lễ ngọt ngào với nhiều người nhưng không phải với những người Việt ở miền Trung. Một cuộc tuần hành đòi công lý với lá đơn kiện nhà máy Formosa đến toà án Nhân dân huyện Kỳ Anh. Họ bị giải tán giữa đường trong một nỗ lực ngày càng hung bạo của chính quyền, lá đơn không bao giờ đến đích và công lý còn rất xa vời.
Tuy nhiên câu chuyện Formosa chưa kết thúc. Nó sẽ vẫn còn đó cùng với những tổn hại lâu dài ở vùng biển miền Trung và những tác động khó lường tới sức khỏe con người. Bi kịch của người dân ở đây không phải câu chuyện của riêng ai. Hầu như toàn bộ người dân trên khắp đất nước Việt Nam đều gánh chịu bất công và bất cập xã hội ở những mức độ khác nhau do các tệ nạn mà chính thể độc tài hiện nay đang là căn nguyên chính.
Không phải chỉ có số phận người dân, vận mệnh của đất nước cũng đang chịu sự đe dọa sinh tồn khi tiềm lực quốc gia ngày một bị đánh cắp, nguồn lực ngày một bị thui chột, đất nước ngày một yếu hèn giữa lúc chủ quyền ngày một bị đe dọa.
Tôi suy nghĩ khá nhiều về câu chuyện Formosa. Nó cũng chỉ là một trong số hàng loạt vấn đề đang tàn phá đất nước này:
– Hàng nhập lậu Trung Quốc nhan nhản khắp mọi vùng miền đang bóp chết nền sản xuất còi cọc của Việt Nam;
– nạn thực phẩm độc và một cuộc diệt chủng mềm đang giết hại và làm suy thoái giống nòi người Việt;
– nạn tham nhũng và tha hoá đang tội phạm hoá đến tận gốc rễ bộ máy chính quyền;
– sự suy thoái đạo đức và khủng hoảng niềm tin xã hội;
– sự hủy diệt về môi trường, sự cạn kiệt về nguồn nước, cạn kiệt các nguồn tài nguyên và xa hơn nữa là thảm họa nước biển dâng rồi sẽ khiến Việt Nam mất trên dưới 30% lãnh thổ.
Không có ai làm gì để bảo vệ đất nước trước những thảm họa không thể tránh được ấy. Đây là một con đường dẫn tới diệt vong, nếu những người đang sống trên đất nước này cứ tiếp tục thờ ơ với thời cuộc.
Tôi có thể hiểu và chia sẻ sự phẫn nộ của rất nhiều người vì những gì đang diễn ra ở đây. Đó là sự phẫn nộ chính đáng trước những bất công và sự vô đạo đức đến mức đáng ghê sợ của chế độ cầm quyền.
Trong những năm qua, rất nhiều người Việt Nam tìm cách đấu tranh và nhiều người trong số họ phải chịu tù đày, những án tù bất công và khuất nhục. Dù có thể khác nhau về quan điểm hay con đường đấu tranh, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đất nước này chịu ơn những người Việt dũng cảm dấn thân vì công lý. Sự hy sinh của họ không chỉ cho những gì đã và đang diễn ra, không phải chỉ cho những người đang sống, mà còn cho những thế hệ tương lai và cũng là cho sự tồn vong của đất nước này.
Có không ít những tên tuổi đấu tranh nổi bật. Người tù nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là anh Trần Huỳnh Duy Thức, đã thụ án trên 7 năm với nhiều lần tuyệt thực, luôn từ chối mọi lời đề nghị nhận tội để đổi lấy tự do. Và dù bị tách rời xã hội bằng một bản án bất công, anh vẫn giữ được sự tỉnh táo và cả niềm tin vào lý tưởng của mình. Phảng phất đằng sau hình ảnh của Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi.
Không phải chỉ có mình anh, nhiều người Việt Nam khác cũng đã và đang bị chế độ cầm tù trong nỗ lực trấn áp đê hèn với những đòi hỏi không ngừng nghỉ về một xã hội tự do, hy vọng và công lý.
Tôi không nghi ngờ rằng những án tù sẽ tiếp tục nhiều thêm theo thời gian vì sẽ ngày càng có nhiều người dấn thân cho tự do, và chế độ này sẽ chưa chịu từ bỏ quyền cai trị độc tài cho đến khi nó gây ra những tổn thương không thể khắc phục đối với lợi ích quốc gia, hoặc đến khi sự thức tỉnh xã hội là đủ mức để nó buộc phải từ bỏ đặc quyền.
Tuy có nhiều tấm gương can trường, nhưng các phong trào đòi hỏi dân chủ và tiến bộ xã hội của người Việt vẫn hết sức mờ nhạt. Các hoạt động hầu hết lẻ tẻ, rời rạc và hiệu quả không đáng là bao so với những tổn thất khốc liệt mà những người đấu tranh tiên phong đang phải chịu đựng.
(Xem tiếp trang 2)
Leave a Comment