Đúng đến hôm nay, 17 tháng 2, vừa tròn 38 năm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979 (như người ta thường gọi thế). Nói một cách chính xác, đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, đồng thời là cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc của Việt Nam. Dù nhìn nhận dưới góc độ nào cũng vẫn chỉ là thực chất ấy.
Vài ngày nay, trên nhiều kênh thông tin, nhất là mạng xã hội, đặc biệt Facebook, đã sôi sùng sục tinh thần “hướng về ngày 17.2”. Nếu trước đó vài hôm, đám người trẻ tuổi còn mê cuồng với lễ Tình yêu, Valentine Day 14.2, thì chỉ 3 hôm sau, không chỉ bọn trẻ, mà đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi nhắc nhau ôn kỷ niệm, nhớ đến ngày 17.2. Họ còn chứng minh họ không phải là thứ người hay quên, quay lưng lại lịch sử, chối bỏ quá khứ oanh liệt của tổ tiên, ông bà, cha anh, bằng cách thay hình đại diện thành bông hoa sim tím. Hoa sim, cái màu tím rưng rức ấy, chả biết tự khi nào, thành biểu tượng của các tỉnh biên cương phía bắc. Bông sim nở xòe, được gắn với con số 17.2, như nhắc nhở một chặng, một vệt lịch sử không thể lãng quên.
Với sự thận trọng vốn có của mình, cộng thêm cả sự dè dặt quá mức, tôi không vội vào hùa với không khí náo nức ấy. Mình vội vàng quá, có thể sai. Mà sai thì khó chữa. Tôi ráng chờ đợi, như người con gái chính chuyên bị phụ bạc đang chờ kẻ phụ bạc biết đâu nghĩ lại mà quay về. Coi xem, lắng nghe chính quyền có tổ chức lễ lạt kỷ niệm, thông báo thông biếc gì không. Buổi sáng trôi qua. An ủi, biết đâu kế hoạch là buổi chiều thì sao. Rồi chiều cũng qua đi trong sự ấm ức. Thời tiết cả nước hôm nay đẹp thế cơ mà. Miền Bắc, nhất là thủ đô, trời se lạnh nhưng khô ráo, thật tiện cho những cuộc mít tinh, biểu tình, lễ lạt. Miền Trung và miền Nam tuy hơi nóng, nơi này nơi kia lác đác mấy hạt mưa, nhưng cũng đẹp, cái đẹp về hùa với công tác tổ chức huy động cộng đồng. Nhưng không động tĩnh gì. Thôi thì ráng chờ đến tối, vẫn còn khả năng diễn ra sự kiện vào buổi tối. Ấy là mình cứ tự đánh lừa mình thế thôi, chứ cũng hiểu nó như thế nào rồi.
Một ngày hiện tại, trùng với ngày lịch sử khởi đầu cuộc chiến đấu oanh liệt đầy mất mát hy sinh của 38 năm trước đã trôi đi, trong sự ấm ức của dân chúng, sự lặng lẽ thờ ơ cố ý của chính quyền.
Nói cho vuông, cũng có một số báo chí lục tục đăng bài gợi lại ký ức xưa. Có nhiều cách hiểu. Hoặc có sự chỉ đạo ngầm, thả cho báo chí được “cởi mở” chuyện “nhạy cảm”, hoặc báo chí tự cảm thấy vòng kim cô đã nới chút ít rồi, cứ làm đi, chả ai nỡ bắt tội. Dù gì đi chăng nữa, một cách thông tin không chính thống trên những tờ báo chính thống là chả hay ho gì, vẫn nói lên sự kìm kẹp vô hình của bàn tay sắt với báo chí xứ này. Điều đáng buồn là, ngay cả những điều tốt đẹp, chính đáng, chính nghĩa cũng chỉ được thông tin một cách rụt rè, sợ sệt, nhìn trước nhìn sau, “vừa đéo vừa run”, cái sướng thập thò kín đáo chứ không được trọn vẹn, vỡ òa.
Lâu nay, ở xứ này, dưới chính thể này, những thông tin mà nhân dân mong mỏi, được chờ đợi từ bộ máy cai trị, chúng cứ nhạt dần, mất dần đi. Lực lượng cầm quyền đã khôn khéo thủ lợi, cố tìm cách có lợi nhất để không mất lòng kẻ thù (mà họ gọi là bạn), vừa đỡ gây sự phẫn nộ trong dân chúng. Nếu họ nghĩ rằng họ đã thành công thì họ đã lầm to.
Bọn Trung Quốc nham hiểm, thâm như Tàu, thừa hiểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam chả tốt đẹp gì với chúng (Tàu). Có bắt tay bắt chân, ôm hôn thắm thiết, có nhũn nhặn chiều lòng đồng chí (như kiểu không dám một lần rầm rộ kỷ niệm cuộc chiến đấu chống Trung Quốc, dù năm chẵn, năm lẻ), thì chẳng qua cũng như con giao long nấp dưới đáy sâu, phủ kín nanh vuốt, câu giờ, chờ cơ hội, tránh bộc lộ, phơi mình đó thôi. Thằng Tàu ngu nhất nó cũng hiểu điều đó. Lừa ai chứ đừng lừa bọn Tàu. Với Tàu, chỉ nên đánh bài ngửa thôi.
Điều dễ thấy nhất, trong lúc người cầm quyền xứ ta mềm mỏng, tế nhị, im thin thít sợ mất lòng “bạn” như vậy (họ cắt nghĩa đó là cách bảo vệ hòa bình, giữ ổn định để phát triển) thì bên Tàu, “bạn” cứ bô bô lên ý nghĩa lịch sử, truyền thống vẻ vang của việc từng “dạy cho Việt Nam một bài học”. Nó láo với ta, ta lễ nghĩa với nó, chả khác gì thằng AQ tự đánh lừa mình.
Còn với dân, cách xử sự của nhà cai trị xứ này chỉ càng đào sâu thêm ngăn cách. Cả bộ máy, nhất là cơ quan tuyên giáo của họ vừa làm nhiệm vụ ru ngủ, trấn an người trong hàng ngũ, vừa đe nẹt, dọa dẫm, đánh lừa dân chúng. Không thể hiểu sao họ làm nhiệm vụ cầm cương về tư tưởng mà lại nín thinh được trước sự kiện lịch sử vừa đầy căm hờn, vừa hào hùng oanh liệt, rạng rỡ đất nước như vậy. Vẫn biết “Ở một nước đi dây hơn làm xiếc/Thì kỷ niệm một cuộc chiến tranh tùy thuộc kẻ cầm sào”, nhưng lờ ngày 17.2 một cách cố ý chả khác gì phỉ báng lại cha ông.
Ai dám nói không hào hùng, hiển hách. Chính báo Nhân Dân ngày 19.3.1979 đã tổng kết: “Thêm một chiến công hiển hách ghi vào lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta:
Thắng lợi rất oanh liệt và toàn diện – Đánh bại 600 nghìn quân xâm lược Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng ra thông cáo: Từ ngày 17.2.1979 đến ngày 18.3.1979: Ta loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên Trung Quốc xâm lược; phá hủy 280 xe tăng, 276 xe vận tải, 115 khẩu pháo và súng cối; thu nhiều phương tiện chiến tranh, bắt nhiều tù binh.
Nhiệt liệt biểu dương các lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào các dân tộc các tỉnh biên giới phía bắc đã lập chiến công đầu xuất sắc; hoan nghênh quân và dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài đoàn kết, tích cực góp phần cùng tiền tuyến đánh bại quân xâm lược.
Lập công xuất sắc chống quân Trung Quốc xâm lược: 48 đơn vị và 7 cá nhân được tặng thưởng huân chương”.
Có ai cắt nghĩa được, sau 21 năm ròng rã đánh nhau với đế quốc Mỹ khiến Mỹ chịu thiệt mạng gần 58.000 lính, cứ năm nào đến ngày 30.4 là cả một xã hội lại rộn rịp lên đồng (bất kể năm chẵn lẻ), tưng bừng không khí kỷ niệm chiến thắng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; còn chỉ sau 1 tháng 1 ngày đánh nhau với quân Trung Quốc, ta đã tiêu diệt được 62.500 tên giặc, nhưng mỗi lần đến ngày 17.2 nhà cầm quyền phải cố quên đi. Một tháng đánh giặc, kết quả hiển hách hơn 21 năm, có đáng bị quên lãng như thế không.
Dân chúng tầm nhìn hạn hẹp có thể không thấy hết sự phức tạp của chính trường, của bang giao quốc tế, chỉ có điều đã tự đứng ra giành lấy quyền lãnh đạo thì đừng hèn quá, “khôn” quá, đến mức để dân khinh thường. Đừng làm xiếc mãi nữa. Có ngày ngã vỡ mặt. Lúc ấy muốn lấy lại lòng dân khi có biến, phỏng có được không?
Nguồn: Fb. Nguyễn Thông
Leave a Comment