Đảng CSVN từ ngày ra đời rồi cầm quyền trong hơn 70 năm qua, đặc biệt là trên cả nước suốt 40 năm qua, lúc nào cũng tự hào về cái sứ mạng lịch sử từ trên trời rơi xuống. Do đó mà nhóm lãnh đạo thiểu số ở trong đảng đã thay phiên nhau đẩy đưa đất nước từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Hầu như những người cộng sản không mấy khi nhìn nhận những yếu kém của mình dù có người đã vạch ra những tội ác hủy diệt dân tộc của họ. Tất nhiên, CSVN thường hay lấp liếm cái gọi là sai đâu sửa đó thậm chí không cần phải sửa, để lấp liếm gọi là đổi mới. Mới đây trên Tạp chí Cộng Sản, cơ quan lý luận và chính trị của đảng, tác giả Hứa Vi Khanh trong bài báo của mình đã phải thừa nhận 3 sai lầm mà đảng đang mắc phải. Đó là: Quyết sách sai lầm, giặc nội xâm và xa dân đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Quyết sách sai lầm
Trong vị trí đảng cầm quyền một mình một chợ, nếu chỉ tính từ 1975 những quyết sách về chính trị và kinh tế là những sai lầm tai hại nhất. Kinh tế bao cấp tiếp tục thực hiện trên cả nước đã đưa đời sống người dân đến bờ vực của đói nghèo, hỗn loạn. Người dân đủ mọi thành phần bảo nhau bỏ nước ra đi tìm đường sống trong cái chết. Vận may chỉ xuất hiện khi chế độ quay lại kinh tế thị trường để tồn tại, nhưng áp lực của tư duy xã hội chủ nghĩa vẫn kềm hãm nặng nề con đường tiến lên. Đổi mới kinh tế không đồng bộ với đổi mới chính trị nhỏ giọt khiến đời sống xã hội thêm ngột ngạt. Áp bức chính trị vẫn là chính sách nhất quán để thâu tóm và giữ chặt quyền hành trong tay một số người dưới danh nghĩa cách mạng chuyên chính vô sản.
Giặc nội xâm lũng đoạn
Những người cộng sản trong khi tiến hành những phương pháp độc đoán nhất để cai trị thường đả kích “chủ nghĩa cá nhân”, coi đó như đầu mối của sự suy thoái tư tưởng. Nhưng trong vòng 30 năm gọi là đổi mới, chính chủ nghĩa cá nhân đã dần dà làm phai nhạt “lý tưởng cộng sản” trong lòng hầu hết cán bộ đảng viên. Có quyền trong tay nên thu vén cá nhân làm giàu bất chính trở thành nếp sống mới mà mọi đảng viên cộng sản từ trung ương tới địa phương đều noi theo. Loại giặc nội bộ này càng ngày càng lớn mạnh nhờ vào sự hình thành các lợi ích nhóm, cùng nhau chia chác trục lợi trên nền kinh tế ngày càng què quặt. Sự lũng đoạn của giặc nội xâm còn bước vào lãnh vực hoạch định chính sách sao cho phe nhóm mình hưởng lợi nhiều nhất.
Xa dân và mất dân
Theo tác giả Hứa Vi Khanh phân tích, đảng càng xa dân càng dễ bị suy thoái. Tác giả còn mơ mộng đến thời đảng mới nắm được ngọn cờ ái quốc, sống trong lòng dân và được dân che chở, đùm bọc. Sự suy tàn của cộng sản trên khắp thế giới không chỉ ở Việt Nam, bắt nguồn từ sự xa lánh nhân dân và đứng trên nhân dân để thực hiện sứ mệnh trời ban. Hay nói khác đi họ phản bội lại nhân dân khi đã nắm trọn quyền lực trong tay, thống trị bằng bạo lực nhưng vẫn mang màu áo cách mạng cộng sản. Đã có biết bao sự kiện diễn ra từ năm 1945 minh chứng cho người dân Việt thấy đảng đã phản bội và từ chối những ước vọng dân chủ khi trao lầm vào tay người cộng sản.
Tác giả Hứa Vi Khanh nhìn thấy và nêu lên 3 sai lầm có thể dẫn đến sự tan rã của đảng CSVN, nhưng cái nhìn của ông ta chỉ là nhìn trên hiện tượng bên ngoài, bề nổi của tảng băng. Hay nói khác đi những sai lầm ấy chỉ là hệ quả tất yếu của bản chất đảng CSVN mà tác giả không dám đề cập tới.
Ngay từ đầu đảng CSVN đã là một đảng cách mạng trá hình, núp dưới chiêu bài đấu tranh giai cấp để cướp chính quyền cho một thiểu số ham mê quyền lực, bằng tất cả phương tiện dù tàn bạo, miễn đạt được mục đích. Do đó, những người cộng sản luôn tìm cách giữ chặt những gì họ cướp được từ tay người khác, phù hợp với bản chất một đảng độc tôn quyền lực, không chấp nhận ai khác ý kiến với đảng và nhất quyết không chia xẻ quyền lực với ai. Đảng đã tạo ra được một giai cấp thống trị mới thông qua một chính quyền nhân dân giả hiệu. Vì thế lúc này đảng chỉ là công cụ của một thiểu số nắm giữ quyền lực bên trên.
Chỉ cần nhìn vào những ngày tháng đầu tiên khi đảng mới cướp được chính quyền năm 1945, bản chất độc tôn của những người cộng sản đã hiện rõ qua thành phần chính phủ lâm thời với đại đa số là đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương. Hành động đầu tiên của họ là ra sắc lệnh giải tán một số đảng phái chính trị, gán ghép cho họ tội “tư thông với ngoại quốc”. Điều này không khác gì hơn 70 năm sau, Hà Nội lập đi lập lại câu “tay sai thế lực thù địch nước ngoài” để triệt hạ các thành phần đấu tranh dân chủ.
Sự kiên đầu năm 1946, chính phủ lâm thời biến thành chính phủ liên hiệp không phải để chia xẻ quyền lực với các đảng chính trị không cộng sản khác. Mà chỉ nhằm mục đích ru ngủ, kéo dài thời gian làm suy yếu để dễ dàng triệt hạ những thành phần tham gia chính phủ liên hiệp sau này.
Vì thế hiện nay trong bối cảnh quyền lực đảng ngày càng suy yếu, để duy trì sự tồn tại:
Thứ nhất, đảng phải để cho đảng viên kiếm ăn theo lối cộng sinh; các khu vực béo bở được chia chác để cùng nhau hưởng lợi và cung ứng lên trên. Lợi ích nhóm hình thành đẩy vấn nạn tham nhũng lên cao và được chính những ủy ban phòng chống tham nhũng làm bệ đỡ.
Thứ hai, đảng coi dân là phản động, một “thứ kẻ thù tiềm ẩn” cần triệt hạ. Mọi mầm mống đối kháng hay những nguyện vọng chính đáng về dân chủ, nhân quyền phải được coi như làm suy yếu an ninh quốc gia, tức làm suy yếu đảng.
Thứ ba, tìm chỗ dựa từ quan thầy để sống còn. Đây cũng là một nhu cầu bức thiết hiện nay của đảng cộng sản trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới đang thay đổi nhưng chưa định hình. Trung Cộng là một quan thầy thuộc hàng truyền thống sau khi Liên Xô sụp đổ, một “người bạn láng giềng” gần gũi, quen thuộc nhất và cũng dễ chọn lựa nhất do cùng một hệ tư tưởng chính trị. Gần đây để xoa dịu và cân bằng các thế lực trong đảng cũng như để hưởng lợi từ phương Tây, Việt Nam âm thầm thực hiện chính sách đu dây trong quan hệ với Mỹ và Trung Cộng.
Đảng CSVN ngày hôm nay suy yếu vì những tranh chấp nội bộ triền miên, kinh tế èo uột vì mất định hướng nhưng vẫn được vận hành theo 3 nền tảng nói trên. Nó biến đất nước Việt Nam thành một nơi lý tưởng để giai cấp đảng viên tha hồ cùng nhau đục khoét làm giàu bất chính.
Hiện nay nếu làm thống kê người ta có thể thấy mọi loại cán bộ, nhất là cán bộ có chức quyền cấp cao đều có từ 2 đến 3 căn nhà giá trị bạc triệu đô-la. Đó là chưa kể số tài sản chìm nổi trong nước và đã tẩu tán ra nước ngoài.
Những tài sản này họ kiếm được từ những dự án, kế hoạch và công trình nghìn tỷ do chính họ lập ra để công khai bòn rút và cho vào túi riêng. Còn con cái của họ, các thái tử đảng hầu hết đi du học tự túc ở nước ngoài hoặc được “cơ cấu đúng quy trình” vào những chức vụ kinh doanh béo bở để tiếp tục vun bồi núi tài sản ngày càng cao.
Bài báo “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” của Tạp chí Cộng sản đưa ra lúc này thật ngớ ngẩn và mâu thuẫn với thực trạng của đảng, càng cho thấy sự bế tắc lý luận của các ngòi bút ngành “xây dựng đảng”.
Do đó, chế độ này chỉ nên đập phá và xây dựng lại chứ đừng bao giờ chờ đợi nó thay đổi hay đổi mới.
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Leave a Comment