Vi Đức Hồi
Tối ngày 17/2/1979, đài tiếng nói Việt nam phát đi thông báo đặc biệt về việc quân Trung quốc đã tiến hành xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt nam. Là ngày nghỉ nên tôi về nhà ở trong quê cách huyện lỵ 20 km, nghe thông báo, cả nhà tôi bàng hoàng sửng sốt. Tôi thức trắng qua đêm, mong trời sáng để lên cơ quan theo bổn phận là một viên chức nhà nước. Thông báo được phát đi, phát lại nhiều lần và rất cảm động, Phạm Tuyên đã kịp thời cho ra đời bài hát thôi thúc lòng người hướng về tuyến địa đầu tổ quốc:
“ tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã giày xéo mảnh đát tiền phương
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên đất dải biên cương”…
Là huyện hậu cứ của tỉnh Lạng sơn, chỉ cách Hà nội 80 km và cách biên giới Việt –Trung khoảng 100 km, tôi hình dung những việc phải làm và sự cần kíp của cơ quan đối với cán bộ, nhân viên. Tang tảng sáng, tôi đã hấp tốc đạp xe lên cơ quan, trên đường đi bắt gặp từng tốp người rất xa lạ bách bộ đi vào những làng bản hẻo lánh. Hỏi ra mới biết họ là người dân vùng giáp biên, với những nét mặt hoảng loạn tìm đến anh em, họ hàng, người thân dưới huyện hậu cứ để nương thân. Tốp nào cũng gồng gánh quang, thúng, mủng, có tốp cho con nhỏ vào trong thúng, mủng cùng với hành lý tư trang mang theo, ngơ ngác giữa đất khách quê người.
Từ phía biên giới xa xăm, tiếng súng, tiếng nổ lớn vẫn vọng lại, thỉnh thoảng những chiếc xe tải chở đầy bộ đội của ta bị thương được chuyển về hậu cứ. Tiếng gào khóc của các bà mẹ, các chị đứng ở hai bên đường vẫy, chào đón những người con, những người em đã bỏ
Ngay tối hôm đó (18/2), chi đoàn thanh niên (nơi tôi sinh hoạt) có cuộc họp đột xuất, nội dung cuộc họp: thông báo về tình hình cuộc chiến, quán triệt đoàn viên, thanh niên chuẩn bị sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, 100% số đoàn viên trong chi đoàn tôi đăng ký tình nguyện tòng quân khi tổ quốc cần. Sau cùng là tập hát bài hát: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của Phạm Tuyên mà mới tối qua đài tiếng nói Việt nam vừa phát. Điều rất ngạc nhiên tất cả chúng tôi ai cũng đã thuộc bài hát này, và chúng tôi hát một cách mạch lạc, khí thế hùng hồn, nhiều người vừa hát vừa khóc, nhất là các bạn nữ.
Tiếp theo những ngày sau là những hội nghị do quân khu 1, do tỉnh ủy, ủy ban tỉnh, tỉnh đội Lạng sơn tổ chức, nội dung chủ yếu của các hội nghị: thông báo về tình hình chiến sự, về tinh thần chiến đấu ngoan cường, bám trụ của quân và dân ta và sự quyết tâm trường kỳ chống giặc ngoại xâm của đảng, nhà nước và nhân dân Việt nam… đặc biệt các hội nghị được chào đón những dũng sỹ diệt Tàu, những con người từ chiến thắng trở về đến với hội nghị để kể chuyện, thuyết trình về cuộc chiến khốc liệt chống quân Trung quốc.
Kết hợp giữa đấu tranh vũ trang kiên cường với đấu tranh ngoại giao, được bầu bạn quốc tế ủng hộ, chỉ sau khoảng thời gian một tháng, quân Trung quốc xâm lược buộc phải rút quân về bên kia biên giới, chiến tranh tạm lắng xuống. Thị xã Lạng sơn, một trong những chiến trường nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh, điểm mà thôi thúc tôi có mặt để quan sát sức tàn phá của nó. Toàn bộ thị xã trở thành đống đổ nát, mùi hôi tanh của xác quân thù và quân ta vẫn còn đọng lại trong không gian. Chính quyền huy động toàn bộ sức dân và quân để thu dọn chiến trường, khắc phục hậu quả chiến tranh.
“ Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều chông thấy mà đau đớn lòng”.
Đau lòng bởi mới hôm qua xác định là kẻ thù không đội trời chung, kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù nguy hiểm của dân tộc Việt nam… Thì hôm nay quay ngoắt lại, đổi trắng thay đen: “là người bạn, người đồng chí, người anh em tình nghĩa… Quan hệ với Trung quốc dựa trên cơ sở 4 tốt và 16 chữ vàng là nền tảng trong tư tưởng bang giao của Việt nam …” Đau lòng bởi nghĩ đến hàng 100 ngàn chiến sỹ ta đã ngã xuống để bảo vệ biên cương tổ quốc, nay buộc phải phụ lòng. Đau lòng bởi cũng là người cộng sản, mà lớp trước hiên ngang trước quân thù là thế, nay vẫn là những người cộng sản mà sao biến dạng đến thế!…
Ai đó do quá lo toan bươn trải cuộc sống mà lãng quên cuộc chiến biên giới oanh liệt này, người đó rất đáng trách. Ai đó cố ý quên đi cuộc chiến này, người đó đáng lên án. Còn ai đó có chủ chương đưa cuộc chiến tranh biên giới vĩnh viễn đi vào dĩ vãng và toan tính chèo lái cả một dân tộc nhấn chìm cuộc chiến này, kẻ đó đáng phải nguyền rủa, lịch sử sẽ là phát ngôn viên về sự nguyền rủa này.
Leave a Comment