Báo chí trong nước vừa được dịp hân hoan khi loan tải một bản nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers (PwC) đưa ra dự báo đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ đứng vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, vượt qua cả Canada, Italia,… Nghe mà tưởng chừng như nằm mơ. Riêng các nhà lãnh đạo Cộng Sản lại càng thêm lý do để tự mãn và càng củng cố thêm quyền lực độc tài của mình.
Người ta chỉ (cố tình) nhìn vào sự phỏng đoán vào năm 2050 Việt Nam có thể lọt vào nền kinh tế thứ 20 của thế giới, nhưng họ cũng đã (cố tình) quên những điểm cảnh báo hết sức quan trọng mà PwC đưa ra trong cùng văn bản này. Đó là các thử thách đối với các nhà làm chính sách [tức: các chính phủ]:
– Tránh bị lui về giai đoạn bảo hộ (quốc doanh) kinh tế. Lịch sử đã cho thấy điều này gây tổn hại đường dài cho sự phát triển toàn cầu.
– Cần bảo đảm những lợi ích của việc toàn cầu hoá được san sẻ đồng đều cho mọi thành phần trong xã hội.
– Cần phát triển những kỹ nghệ sạch để đảm bảo sự phát triển ổn định về môi trường.
Việt Nam với một nền kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” luôn hỗ trợ, bù lỗ cho các công ty quốc doanh nhà nước (chính sách bảo hộ).
Lợi ích của việc tăng trưởng kinh tế không được san sẻ đồng đều cho toàn dân mà tập trung ở thượng tầng chóp bu hay các nhóm lợi ích.
Việt Nam hoàn toàn không có một chính sách bảo vệ môi trường để đảm bảo một sự phát triển ổn định cho môi trường sinh thái. Mặc khác chính phủ Việt Nam cố tình dung túng cho các tập đoàn làm ăn huỷ hoại môi trường như Formosa trong năm qua.
Chỉ cần xác định 3 điểm khuyến cáo quan trọng nêu trên, chúng ta đều thấy nhà nước Việt Nam hiện nay không thể nào vượt qua được các thử thách này.
Mặt khác, chúng ta cần lưu ý ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thụt lùi quá xa so với các quốc gia lân bang (chứ đừng nói gì đến Canada, Italia). Với những rào cản chính trị và xã hội hiện tại Việt Nam tiến lên được một bước thì họ (Thái Lan, Canada, Italia) đã nhảy lên 5-7 bước trước mặt rồi.
Thống kê không thể là yếu tố duy nhất để chúng ta nhìn vào đó mà tự mãn là nó sẽ như thế. Vì thống kê chỉ dựa vào những con số cộng trừ, xuất nhập khẩu của những năm vừa qua mà bỏ ra ngoài những yếu tố khách quan khác như tình trạng bất ổn chính trị, lệ thuộc vào Trung Quốc gần như toàn diện, dân trí thấp, tay nghề yếu kém của lao động VN, hệ thống hạ tầng cơ sở (máy móc, giao thông,…) lạc hậu, lòng tin của người dân vào hệ thống tiền tệ VN không có.
Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động mạnh vào bài toán mà PwC đưa ra từ đây cho tới năm 2050.
Không ai cấm chúng ta mơ! Nhưng đừng mơ sảng! Hãy mở to mắt mà nhìn vào thực tế và có những hành động thiết thực.
Leave a Comment