Câu hỏi đặt ra là nếu một văn bản ban hành trái với Hiến pháp thì ai sẽ là người bãi bỏ? Theo quy định của Hiến pháp 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật.
Nhưng cho đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội không thực hiện được chức năng này bởi lẽ về nguyên tắc đó là cơ quan lập pháp chứ không phải là cơ quan giải thích luật.
Lập pháp là chức năng của Quốc hội và thông qua pháp lệnh cũng thuộc chức năng của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Một người không thể vừa đá bóng vừa thổi còi.
Đó là chưa nói đại biểu Quốc hội chưa hẳn đã là luật gia hay có văn phòng luật sư trợ giúp về pháp lý. Vì thế, giao nhiệm vụ giải thích luật cho Ủy ban thường vụ Quốc hội là vừa không hợp lý, vừa quá sức họ.
Muốn giải thích được các điều luật một cách chính xác thì phải trăn trở với nó, vì vậy buộc phải đặt việc giải thích trong một vụ việc cụ thể, gắn với các sự kiện pháp lý cụ thể.
Chỉ có tòa án với nguyên tắc nghĩa vụ phải xét xử của thẩm phán mới có điều kiện cũng như nghĩa vụ giải thích các điều luật gắn với một trường hợp cụ thể và các trường hợp tương tự, chứ không phải giải thích chung chung.
Ở hầu hết các nước, quyền giải thích luật, hay tuyên bố một văn bản vi hiến là thuộc thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp, hoặc Tòa án tối cao.
Hiện nay có quan điểm cho rằng, pháp luật của chúng ta chồng chéo, thiếu hụt, mâu thuẫn là do cơ chế. Có lẽ cơ chế đó thiếu một tòa án Hiến pháp, giống như một ngã tư đông nghẹt xe cộ mà thiếu đèn giao thông, thiếu cảnh sát giao thông.
Leave a Comment