Năm 2016 kết thúc không chỉ bằng tình trạng khốn quẫn về nợ công, nợ xấu và cạn kiệt ngân sách, mà cả nguồn tài chính vẫn được nhiều quan chức Việt Nam xem là “tiền chùa” – ODA cũng trở thành một bi kịch của chính nó.
Trong năm 2016, một hiện tượng đặc biệt đã xảy ra: dù được xem là “chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ,” nhưng tỉ lệ giải ngân các dự án ODA đã ký trong 11 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt ở con số 72,2% kế hoạch. Có tới 12 bộ, ngành và một số địa phương giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch.
Theo tính toán của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), nếu tình hình giải ngân không được cải thiện, hàng năm Việt Nam sẽ mất khoảng $100 triệu chi phí cơ hội.
Trong một cuộc kiểm tra tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA, ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng, đã phải “càm ràm” rằng tiến độ giải ngân vốn rất chậm, chỉ bằng 80% của năm 2015. Những con số rất ấn tượng được phát ra là tại chín bộ ngành và 26 tỉnh thành là khối lượng giải ngân chỉ đạt dưới 50%.
Trong khi đó, các bộ ngành liên quan như Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài Chính và nhiều địa phương vẫn thường nại ra những lý do thuộc về khách quan như giải phóng mặt bằng, nhưng lại tránh đề cập dến một nguyên nhân thuộc loại “nhạy cảm” của ngân sách quốc gia: thiếu vốn đối ứng.
Thế nhưng chính Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh lại xác nhận với báo chí về nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các dự án ODA quá chậm không chỉ do khó khăn giải phóng mặt bằng mà còn bởi thiếu vốn đối ứng.
Vậy vốn đối ứng đã bị thiếu hụt đến mức nào?
Bi kịch vốn đối ứng
Một trong những nguyên nhân chính về giải ngân ODA chậm là ngân sách Việt Nam không đủ để cung ứng vốn đối ứng – thường chiếm khoảng 15-20% tổng vốn vay – theo điều kiện của hợp đồng vay vốn ODA.
Vào những năm trước khi tiền ngân sách còn tương đối dồi dào, nhiều bộ ngành và tỉnh thành còn được quyền tự phân bổ ngân sách trong đó có vốn đối ứng cho các dự án ODA. Tuy nhiên từ cuối năm 2015 khi bắt đầu xảy ra triệu chứng các cơ quan đảng ở Cà Mau và Bạc Liêu hết sạch tiền và còn nợ đầm đìa, căn bệnh sạch túi đã lan nhanh sang các bộ ngành và địa phương khác.
Sài Gòn dù được coi là “bò sữa” của trung ương, nhưng năm 2016 cũng bị trung ương cắt giảm nguồn thu ngân sách đến 5%, tức tỉ lệ thu ngân sách mà thành phố này còn được giữ lại chỉ còn 18%, tất nhiên không đủ để chống ngập và thậm chí để trả lương, chưa nói đến việc cung cấp vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Trong khi đó, rất nhiều địa phương như Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đã quá bê bối với loại dự án chi xài vô tội vạ xây dựng trụ sở hành chính và tượng đài từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Thật dễ hiểu là khi dự án ODA cần đến vốn đối ứng, nhiều địa phương đã không còn bất kỳ khoản tiền nào để đắp vào.
Bi kịch tham nhũng
Từ nhiều năm qua, ODA lại là một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỉ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp.” Thậm chí tỉ lệ “lại quả” ODA còn vọt đến 40% – được một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh chứng thực, vào giai đoạn 2009 – 2010.
Các nước Tây Âu và Bắc Âu đã tài trợ cho chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để “cải cách luật pháp” và “chống tham nhũng,” nhưng việc này dường như cũng không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam.
Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại Giao Đan Mạch không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.
Năm 2013, phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại Giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
Vào đầu năm 2015, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Úc để “khuyến mãi” nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã sạm hẳn khi Thủ Tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam.
Bi kịch nợ công
Vào Tháng Năm, 2016, một chuyên gia kinh tế là Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4.500.000 tỷ đồng, tương đương khoảng $220 tỷ.
Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỉ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150% GDP, tức lên đến khoảng $300 tỷ, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam bị phá sản trong ít năm tới – không khác mấy với trường hợp Argentina bị vỡ nợ đến hai lần vào năm 2001 và năm 2014.
Cùng thời gian trên dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị bác bỏ, một dự án khổng lồ khác là dự án đường cao tốc Bắc – Nam với ước toán lên đến 230.000 tỷ đồng do Bộ Giao Thông Vận Tải “vẽ,” bị Bộ Tài Chính bác do không thể tìm được nguồn tiền.
Đó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia.”
Mọi thứ sẽ đắt gấp đôi
Quá khứ bó chặt hiện tại, còn hiện tại lại ngáng trở tương lai. Giờ đây, ngay cả nguồn vốn ODA cho Việt Nam cũng bị các tổ chức tài chính quốc tế siết lại.
Từ Tháng Bảy trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi những vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm. Đối với các cơ quan nhà nước, điều này dấy lên lo ngại nếu không đẩy nhanh việc giải ngân $22 tỷ vốn vay ODA, áp lực gia tăng nợ công sẽ rất lớn, cả về thời gian và lãi suất.
Hình ảnh hiện thời không khác mấy mỡ treo miệng mèo. Tuy được quảng cáo vẫn còn đến $22 tỷ nguồn ODA, nhưng Việt Nam không những phải trả lãi suất cao từ năm 2017, mà còn phải móc tiền ngân sách để trả một phần lãi do chậm giải ngân dự án ODA.
Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn.
Tiến độ giải ngân ODA năm 2017 cũng bởi thế nhiều khả năng vẫn tiếp tục “rùa.”
Leave a Comment